Giá trị cao siêu, tinh túy của một dân tộc chắc chắn không ở nhiều trong sách vở của dân tộc đó, mà ở sự vô ngôn. Khi đến chung sống, ăn ở với họ, chúng ta để ý từng lời ăn tiếng nói, cung cách cư xử của họ đối với chúng ta thì mới biết được giá trị thật sự của họ là gì. Chúng ta học là học những cái đó chứ không thể học qua sách vở được. Phần lớn những câu chuyện trong sách vở đều được thêu dệt.
Ví dụ dân tộc Trung Quốc có rất nhiều giá trị vĩ đại mà chúng ta cần phải học. Nhưng nếu chúng ta học theo kiểu nhập khẩu hàng đống sách về, mướn người dịch và lập hẳn một viện nghiên cứu, tôi cho rằng chuyện đó chỉ bày ra cho vui thôi và thật phí phạm thời gian.
Một người cha vốn là một thợ mộc tinh anh, ông ấy phải làm sao để truyền cái phần tinh anh ấy cho những đứa con nối dòng? Thật sự không có cách gì truyền được cả. Giả sử người cha có viết lại những kinh nghiệm, kiến thức của mình về ngành nghề đó thì những đứa con cũng chỉ có thể khai thác phần thô, chứ không thể nào khai thác được phần tinh anh nhất của cha chúng. Trừ trường hợp chúng sống chung với cha, sinh hoạt, cùng ăn cùng ở với cha thì may ra được truyền qua. Giống như gừng được ngâm chung với mật ong lâu ngày sẽ bớt cay.
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)