Học sinh vi phạm luật giao thông: Cần xử nghiêm

TP - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ra văn bản yêu cầu các trường xử phạt học sinh vi phạm Luật Giao thông, trong đó có hình thức cảnh cáo toàn trường, buộc thôi học 1 tuần. Lãnh đạo sở này cho rằng, trong bối cảnh hiện nay đây là việc làm cần thiết giúp các em trở thành những công dân tốt.
Học sinh vô tư đầu trần tham gia giao thông đầu tháng 3/2015. Ảnh: Mai Dung.

Buộc thôi học 1 tuần nếu tái phạm nhiều lần

Văn bản do Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ ký ngày 7/3 yêu cầu: Các trường phổ thông tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện. Các trường tiểu học, trung học tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết trong việc thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện.

Công văn cũng ghi rõ xử phạt học sinh vi phạm theo hình thức tăng nặng. Nếu vi phạm lần một, hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu học sinh vi phạm lần hai, yêu cầu hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Trường hợp học sinh đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần, yêu cầu xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.

Theo khảo sát của phóng viên quy định này của ngành giáo dục Hà Nội đã tỏ ra khá hiệu quả, sáng 10/3 hầu hết học sinh ra đường tham gia giao thông bằng xe đạp điện hay được phụ huynh chở bằng xe máy đều đã đội mũ bảo hiểm đúng quy định. Trong khi cách đây ít ngày, khi chưa có chế tài xử phạt này tại các cổng trường như THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS Cầu Giấy, THPT Việt Đức… học sinh vẫn vô tư đầu trần đi xe đạp điện. 

Được biết đa số lãnh đạo các trường đều ủng hộ quy định nghiêm khắc trên của Sở GD&ĐT. Một số trường THCS, THPT đã thắt chặt quy định bằng cách lập ban an toàn giao thông có sự tham gia của giáo viên, bảo vệ và học sinh chốt trước cổng trường vào đầu giờ học để phát hiện học sinh vi phạm. Cái khó hiện nay là nhiều học sinh vẫn tìm cách để lách quy định như gửi xe máy ở nhà dân, đến gần trường mới đội mũ bảo hiểm…

Cần cân nhắc với học sinh tiểu học

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ông Nguyễn Hiệp Thống cho rằng, quy định xử phạt học sinh nếu không đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe gắn máy bắt đầu từ tháng 4/2015. Khi đó, song song với lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt học sinh vi phạm, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm nếu học sinh của trường vi phạm. Tuy nhiên, dù đã áp dụng nhiều giải pháp nhưng học sinh vẫn vi phạm. Vì vậy, trên cơ sở điều lệ trường phổ thông của Bộ GD&ĐT ban hành, Sở ra chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn.

Theo ông Thống, hình thức xử phạt nghiêm, buộc học sinh thôi học có thời hạn từ 3 ngày đến 1 tuần nếu vi phạm nhiều lần là điều cần thiết để học sinh có ý thức chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, ông Thống nói thêm đơn vị ra quy định nhưng không muốn bất kỳ học sinh nào bị xử phạt. Theo ông Thống, phải giáo dục ý thức cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để trở thành những công dân có ý thức, biết chấp hành pháp luật. “Nếu ra nước ngoài, thanh niên Việt Nam cứ thói quen xả rác bừa bãi, đi xe lên vỉa hè… còn làm xấu văn hóa Việt Nam”, ông Thống nói.

Chị Nguyễn Thu Quỳnh, phụ huynh học sinh tiểu học ở Hà Nội, chia sẻ, chị khá hoang mang vì trẻ ở tuổi tiểu học rất dễ quên vậy mà chỉ vi phạm lần hai đã bị hạ hạnh kiểm, trả về gia đình 3 ngày. Theo chị Quỳnh, ở nhà mỗi lần trẻ phạm lỗi, chị cũng thường nhắc nhở, trò chuyện để con hiểu cái sai để không tái phạm chứ không áp dụng hình thức phạt nặng. Theo chị Quỳnh, việc bêu tên trước trường có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của trẻ về lâu dài.

PGS Văn Như Cương, Chủ  tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh cho rằng, với thực trạng vi phạm về an toàn giao thông như hiện nay thì các trường cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm. “Tiên học lễ, hậu học văn, mỗi học sinh đến trường việc đầu tiên là phải học lễ nghĩa, có ý thức rồi mới đến học văn hóa để ra xã hội”, ông Cương nói. Tuy nhiên, theo ông Cương, quy định này thể hiện mâu thuẫn với Thông tư 30 đối với HS tiểu học. Trong Thông tư 30 quy định, không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường, nếu nhắc nhở, giáo viên phải nhắc nhở riêng học sinh trong khi chế tài này nêu: “Phê bình trước lớp”, “cảnh cáo trước toàn trường”, “thông báo nơi cư trú”…

Nếu vi phạm lần một, hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu vi phạm lần hai, hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Trường hợp đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần, xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học 1 tuần.