Học sinh 'ôm' máy tính 9 tiếng/ngày

TP - Một số phụ huynh tại Hà Nội than thở, con em họ đang phải học chính, học thêm trực tuyến cả ngày nên dễ tăng độ cận thị, bị trầm cảm...

Chị N.T.D. có con học lớp 8 ở quận Đống Đa (Hà Nội) kể, con học chính từ 7h30 đến 11h30. Dù giữa giờ được giải lao nhưng con không có nhu cầu giao tiếp với ai nên thường ngồi ôm luôn máy tính. Sau lễ khai giảng trực tuyến ngày 5/9 khoảng 1 tuần, giáo viên nhà trường thông báo lịch học thêm buổi chiều với nhiều môn như: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học… Khoảng 2h30 chiều, con lại ngồi vào bàn học đến 5 giờ chiều. Thứ Hai, buổi chiều con học thêm 2 môn là Ngữ văn và Tiếng Anh đến 18 giờ. Con còn giải trí như xem YouTube, chơi game… Như vậy, trung bình mỗi ngày con có đến 9 tiếng “ôm” máy tính.

“Điều mình lo lắng là con cứ ngồi góc phòng, dí mắt vào màn hình như vậy sẽ tăng độ cận và ảnh hưởng cả sức khỏe tâm thần. Cuối ngày học, mặt con lúc nào cũng đơ cứng ra và ngại nói chuyện với mọi người. Đây là con có điều kiện học máy tính có màn hình lớn. Với những học sinh khó khăn, chỉ học điện thoại với màn hình nhỏ, mờ mờ chất lượng thì sẽ như thế nào”, chị T.D. nói.

Một phụ huynh có con học lớp 9, Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) nói rằng, ngoài lịch học chính 1 buổi/ngày, 1 tuần học sinh có 3 buổi học thêm Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Con còn học thêm Tiếng Anh với giáo viên ở trung tâm nên có ngày phải học 3 ca.

Chị Trần Thanh Hương có con học lớp 5, Trường Tiểu học Đại Từ, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Chị cho rằng, học sinh đang quá tải với lịch học trực tuyến. Từ sáng đến trưa học chính khóa. Buổi chiều, một vài lớp xếp lịch 3 buổi/ tuần học ôn tập, bổ trợ kiến thức của năm trước cho học sinh không thu tiền. Chưa kể, mẹ đăng ký cho con học thêm tiếng Anh ở trung tâm và giáo viên 3 buổi/tuần cũng trực tuyến. “Mỗi môn học xong đều có bài tập giáo viên giao và nộp trên Azota. Đây là phần mềm có hẹn giờ để nộp bài. Tuy nhiên, con lịch học dày đặc, bài tập nhiều, con không nhanh nhẹn nên rơi vào tình cảnh quá giờ không nộp được. Chỉ lo sau đợt học con phải đeo kính vì cận”, chị Hương nói.

Tương tự, một phụ huynh có con là học sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Gia Tự, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nói rằng, con học chính buổi sáng, giáo viên xếp lịch học thêm buổi chiều 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh với mức phí 1,2 triệu đồng/tháng. “Có hôm lịch học thêm đến 15h30 kết thúc nhưng cũng có hôm kéo dài đến 5h chiều. Mức phí học thêm cao hơn học phí nhiều lần nhưng cũng đành cho con học vì em nào không đi học thêm sẽ chỉ được học kiến thức trong sách giáo khoa. Còn học thêm sẽ được giáo viên tăng cường, mở mang thêm kiến thức ngoài sách có lợi cho kiểm tra, đánh giá”, phụ huynh này nói.

Trường cấm dạy thêm

Trả lời phóng viên Tiền Phong, Hiệu trưởng một trường THCS cho biết, ngay sau lễ khai giảng, nhà trường đã bố trí lịch học chính khoá các khối đan xen. Ngoài ra, có những giờ học thực hành, trường xếp trái buổi để giãn cách. Nhà trường quán triệt giáo viên không dạy thêm, học thêm trong thời gian học trực tuyến. Ngay cả học sinh lớp 9 cuối cấp, nhà trường cũng không xếp lịch học tăng cường, tránh gây áp lực, căng thẳng cho học sinh. “Nhà trường sẽ họp giáo viên chủ nhiệm để kiểm tra, rà soát lại thông tin phụ huynh phản ánh và sẽ chấn chỉnh giáo viên”, Hiệu trưởng này nói.

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, trong các văn bản hướng dẫn đầu năm học, Hà Nội đã yêu cầu các trường sắp xếp thời khoá biểu linh hoạt, dạy học đảm bảo nội dung, kiến thức cốt lõi, không gây áp lực cho học sinh. Đơn vị sẽ kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục đang dạy tăng cường.