Học sinh Hà Nội sẽ học 'trên chuẩn'?

Dự thảo Luật thủ đô đang được Quốc hội thảo luận, trong đó nội dung “học sinh thủ đô sẽ học nặng hơn chương trình chuẩn quốc gia” khiến nhiều đại biểu băn khoăn, thậm chí một số người còn phản ứng gay gắt.

Học sinh Hà Nội sẽ học 'trên chuẩn'?

Dự thảo Luật thủ đô đang được Quốc hội thảo luận, trong đó nội dung “học sinh thủ đô sẽ học nặng hơn chương trình chuẩn quốc gia” khiến nhiều đại biểu băn khoăn, thậm chí một số người còn phản ứng gay gắt.

Ảnh minh họa.

Với vai trò phản biện, nhiều đại biểu cho rằng nội dung trên trái với quy định của Luật giáo dục về “một chương trình”, đồng thời việc tự cho học sinh Hà Nội quyền được học cao hơn nơi khác là thiếu công bằng, phân biệt vùng miền... Còn ở góc nhìn của người dân đang có con đi học, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ nỗi lo lắng vì chương trình “chuẩn” đã nặng, giờ còn “vượt chuẩn” thì sẽ khổ sở thế nào!

Không kể chương trình nặng, phương pháp dạy học không hợp lý, điều kiện dạy học không tốt cũng là những yếu tố khiến học sinh quá tải với “chuẩn”. Học sinh thành phố còn thêm nỗi khổ bị quá tải do diện tích lớp học chật, chỗ ngồi chật, sĩ số lớp đông, quá tải do áp lực thi đua... Học sinh Hà Nội lâu nay ngoài những yếu tố tác động chung còn bị áp lực do phải luôn giữ danh hiệu “lá cờ đầu”.

Tóm lại, trăm nỗi khổ vì chương trình “chuẩn”, bây giờ còn “trên chuẩn” thì ai nghe cũng choáng! Một phụ huynh có con học Trường tiểu học Nguyễn Du kể: “Tôi không biết trên chuẩn thì được thêm gì, nhưng con tôi giờ học hai buổi ở trường, tối về nhà phải giải quyết hàng đống bài tập, rồi vẫn phải học thêm vì lo hẫng hụt khi chuyển cấp. Nếu phải phấn đấu trên chuẩn thì niềm vui tuổi thơ sẽ tụt xuống dưới chuẩn mất thôi!”.

Ông Đặng Đình Đại, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, khi đề cập việc này đã cho rằng: “Sao Hà Nội không đặt ra việc có thêm sân chơi, sân tập cho học sinh được phát triển toàn diện; có thêm chỗ học để người dân đỡ xếp hàng trắng đêm? Sao không nghĩ đến những mô hình tốt để học sinh không bị nhồi nhét kiến thức, giảm số học sinh bị stress vì học, vì thi...? Đó là những việc cần hướng tới, hơn là việc đặt ra một cái mốc không thực chất để phân biệt giữa học sinh thủ đô với học sinh tỉnh thành khác”.

Theo Trịnh Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ