Ngày 22/7, Hội nghị Ban thư ký Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 6, khóa X diễn ra dưới sự chủ trì của anh Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN. Hội nghị dưới hình thức trực tuyến với 26 điểm cầu.
Hỗ trợ việc làm cho sinh viên
T.Ư Hội Sinh viên thông tin, năm học 2020 - 2021, diễn ra trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống và học tập của hội viên, cũng như phương thức tổ chức các hoạt động tạo môi trường, phát triển phong trào trong sinh viên. Hầu hết sinh viên chuyển từ hình thức học tập trung sang học trực tuyến.
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng, một trong những vấn đề nổi bật của sinh viên Việt Nam thời gian qua là, dù dịch bệnh tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống, sinh hoạt, học tập nhưng hầu hết các bạn đã thể hiện bản lĩnh rất tốt. Các bạn sinh viên đã luôn vững tư tưởng, thực hiện tốt các nhiệm vụ để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sự ổn định đời sống.
Trước dự báo dịch bệnh còn nhiều phức tạp, nhà báo Phùng Công Sưởng đề xuất, T.Ư Hội bổ sung chỉ tiêu nhánh về chuyển đổi số trong sinh viên. Điều này thể hiện sự “tiên phong”, “thích ứng” của sinh viên trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo nhà báo Phùng Công Sưởng, tác động dịch bệnh tạo ra áp lực lớn về việc làm, nhiều người thất nghiệp. Vì thế, T.Ư Hội cần có chỉ tiêu định hướng, hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm cho sinh viên từ đầu vào và đầu ra khi tốt nghiệp.
Chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TPHCM cho biết, hiện có hơn 20.000 sinh viên mắc kẹt do dịch bệnh. Hiện Hội sinh viên Thành phố nỗ lực qua nhiều kênh hỗ trợ được khoảng 50% số sinh viên; trong đó, sinh viên ở các khu nhà trọ chưa bị phong tỏa, cách ly dễ gặp nhiều khó khăn nhất.
Tiên phong, tương trợ, thích ứng
Trình bày tờ trình về chương trình năm học 2021 – 2022, anh Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội SVVN cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chủ đề năm học mới dự kiến có sự thay đổi. Theo đó, Văn phòng T.Ư Hội đề xuất 2 phương án chủ đề năm học 2021-2022.
Phương án 1, chủ đề năm học là: “Sinh viên Việt Nam tiên phong, tương trợ, thích ứng với dịch COVID-19”. Theo anh Triết, dịch COVID-19 được dự đoán sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, gây ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt đời sống học tập, rèn luyện, sinh hoạt của sinh viên.
Chủ đề “Sinh viên Việt Nam tiên phong, tương trợ, thích ứng với dịch COVID-19” nhằm hướng các giải pháp trong công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2021 – 2022, tập trung vào các nội dung thể hiện được vai trò tiên phong, tương trợ của sinh viên trong việc hỗ trợ cộng đồng phòng chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh và sự thích ứng của công tác Hội và hội viên với dịch bệnh.
Phương án 2 là không có chủ đề năm học. Lý giải về cơ sở đề xuất phương án này, anh Triết cho biết, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giữ vai trò nòng cốt chính trị đối với Hội Sinh viên, vì thế, việc tổ chức các hoạt động của Hội mặc dù có tính độc lập tương đối nhưng vẫn theo định hướng của Đoàn.
Thời gian chương trình công tác năm học của Hội kéo dài giữa 2 năm hành chính, học kỳ 1 thực hiện theo chủ đề năm trước của Đoàn, học kỳ 2 thực hiện theo chủ đề năm sau của Đoàn. Vì vậy, đề xuất không cần đặt chủ đề năm học cho công tác Hội để phù hợp với định hướng chung của Đoàn.
Thảo luận tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đồng ý chọn chủ đề năm học 2021 – 2022 theo phương án 1.
Anh Huy đề nghị, tổ chức Hội sinh viên cần tăng cường đẩy mạnh các kênh nắm bắt tình hình sinh viên. T.Ư Hội sẽ có kế hoạch triển khai nền tảng để quản lý sinh viên tốt hơn, có thể là nền tảng riêng hoặc trên app Thanh niên Việt Nam. “Tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị, tổ chức Hội các cấp chủ động tận dụng nền tảng số có sẵn có để kết nối, quản lý, định hướng sinh viên, không trông chờ vào T.Ư”, anh Huy nhấn mạnh.
Theo anh Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, việc chọn chủ đề công tác năm: “Sinh viên Việt Nam tiên phong, tương trợ, thích ứng” là cần thiết và phù hợp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Anh Thành cho biết, tinh thần tiên phong của tổ chức Hội các cấp thể hiện rất rõ nét trong thời gian qua. Riêng Hội Sinh viên Bách khoa Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp đồng hành, đồng hành, hỗ trợ các bạn sinh viên thích ứng khi chuyển sang học trực tuyến, sinh hoạt theo phương thức mới. Tới đây, tinh thần tiên phong, tương trợ, thích ứng của sinh viên càng phải được phát huy hơn nữa để phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp.
Một số ý kiến cho rằng, cần đảo một số thành tố trong chủ đề, theo đó, đưa từ “thích ứng” lên hàng đầu. Theo anh Nguyễn Văn Bình, Nguyên Phó Chủ tịch Hội SVVN trường ĐH Y Dược Thái Bình, “thích ứng” là thành tố quan trọng nhất; có “thích ứng” mới tiên phong và tương trợ được.
Kết luận hội nghị, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy chia sẻ với các đơn vị đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt tâm dịch TPHCM. Theo anh Huy, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nên năm học 2021-2022 hoạt động Hội Sinh viên cần quan tâm đến việc hỗ trợ sinh viên thích ứng với COVID-19. Đồng thời, chủ động, linh hoạt chuẩn bị các kịch bản khác nhau đề thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Anh Huy cho biết, hiện nay, công tác kết nối, học tập của sinh viên chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. Việc sinh viên tham gia trực tuyến nhiều sẽ nảy sinh các vấn đề về ứng xử văn minh trên mạng xã hội, ứng xử với tin giả; các tệ nạn, tội phạm phức tạp trên không gian mạng...
Anh Huy đề nghị, cán bộ Hội các cấp nghiên cứu, bổ sung thêm nhiều giải pháp tư vấn, hỗ trợ thiết thực cho sinh viên, đặc biệt, chú trọng tới các hoạt động cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành xã hội, việc làm trực tuyến.