Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa và là nhà báo nổi tiếng của Huế từ trước năm 1975 đến nay. Ông qua đời vào ngày 24/7 sau một thời gian dài bệnh tật. Con gái ông, nhà thơ Hoàng Dạ Thi nói: "Ba mẹ tôi đã sống những năm tháng lạc quan và hạnh phúc trên chiếc xe lăn quen thuộc của mình".
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nổi tiếng với các tác phẩm vừa nhẹ nhàng sâu lắng, vừa đậm chất triết học. Nhà văn là người bạn thân thiết với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông cũng từng là Tổng biên tập tạp chí Sông Hương và tạp chí Cửa Việt nổi tiếng một thời.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến năm 1998. Vào thời điểm đó, ông được Hội Nhà văn đưa ra Hà Nội chữa trị, bệnh tình thuyên giảm nhiều song vì di chứng nên từ đó đến lúc qua đời, ông viết, sáng tác trên chiếc xe lăn.
Vào năm 2000, phóng viên đã tới thăm ông khi ông được chữa trị tại Hà Nội. Nhà văn được vợ là thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ và con gái là nhà thơ Hoàng Dạ Thi đi theo chăm sóc. Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng ông "sẽ tiếp tục viết văn dù gặp bất kỳ hoàn cảnh nào". Song, ít ai có thể hình dung nhà văn đã sống và viết vất vả, say sưa suốt hai thập kỷ với mấy lần bị tai biến.
Người chăm sóc Hoàng Phủ Ngọc Tường hàng thập kỷ, không ai khác là thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ. Hàng chục năm, nữ thi sĩ không biết đến một chuyến du lịch, một chuyến đi chơi xa. Bà luôn theo chồng phục vụ từng bữa cơm, chén nước, giúp chồng sáng tác, viết lách.
Rồi thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng ốm đau và cũng ngồi xe lăn. Hơn mười năm qua, vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ sống cùng con gái lớn là Hoàng Dạ Thư tại TPHCM. Vì cả hai ông bà đều phải ngồi xe lăn nên cần tới 3 người chăm sóc mỗi ngày. Ông bà được các con cháu đưa đi dạo, đi uống cà phê, ngắm phong cảnh. Chị Hoàng Dạ Thư chia sẻ: "Ba tôi rất vui tính và còn khen con gái ngày nay thật là xinh đẹp".
"Mẹ tôi mất đột ngột ngày 6/7 vừa qua. Lúc mẹ vừa mất thì có một con bướm vàng rất lớn bay vào nhà, không đi đâu. Nó thường bay theo tôi khi tôi chăm sóc ba và ở bên ba. Rồi ngày 24/7, ba cũng ra đi trong lặng lẽ mà không hề đau đớn. Chúng tôi lại thấy xuất hiện thêm một con bướm màu nâu, con này nhỏ hơn bay vào làm thành một cặp với bướm vàng" - chị Hoàng Dạ Thư kể.
Theo chị Hoàng Dạ Thư, gia đình chị ở chung cư cao tầng và xưa nay chưa từng thấy bướm vào nhà bao giờ. Lần này có đến hai con bướm rất lớn cứ ở trong phòng làm việc của ba mẹ chị. Nhìn những hình ảnh ấy, người thân càng nhớ về mối tình bền bỉ của hai nhà thơ, hai người tri kỷ đã trọn đời bên nhau: Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ.
Người con gái thứ hai, nhà thơ Hoàng Dạ Thi chia sẻ, chị định cư ở Mỹ đã nhiều năm nhưng năm nào cũng về thăm ba mẹ. Hay tin nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời, chị vội trở về lo tang lễ cho mẹ. Chị đã xin nghỉ phép một tháng để lo hậu sự cho mẹ, vừa sắp hết phép thì nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng ra đi. Có lẽ ông bà không thể sống thiếu nhau.
"Tôi chưa thấy một tình yêu nào bền bỉ và nồng ấm như tình yêu của ba mẹ tôi. Ai cũng thương mẹ vì hai thập kỷ chăm chồng quên ăn, quên ngủ nhưng mẹ tôi chỉ thấy đó là bổn phận, là trách nhiệm, tình yêu" - chị Hoàng Dạ Thi bộc bạch.
Hoàng Dạ Thư cho biết Nhà xuất bản Trẻ đã tập hợp để in 3 tập tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chuẩn bị chưa xong thì ông qua đời. Dự kiến thời gian tới, sách sẽ được phát hành tới bạn đọc. Sách của ba chị khá kén độc giả nhưng ai đã thích đọc thì lại rất say mê.
Sau ngày ông bà qua đời, do gia đình không nhận tiền phúng điếu nên suốt ngày, từ sáng đến tối hai chị em Hoàng Dạ Thư, Hoàng Dạ Thi bận rộn nhận hoa viếng từ khắp mọi nơi.
Cặp đôi nhà văn thi sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ ra đi nhưng di sản để lại cho đời rất đồ sộ.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng đạt Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971 - 1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ "Bài thơ không năm tháng"; Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam năm 1999; Giải A thơ Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: Trái tim sinh nở (1974), Bài thơ không năm tháng (1983) và Đề tặng một giấc mơ (1988).
Tập thơ Cốm Non (Green Rice) của Lâm Thị Mỹ Dạ đã được Nhà xuất bản Curbstone dịch sang tiếng Anh và phát hành tại Mỹ năm 2005.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1980), Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1999, 2008), Giải A giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô Huế (1998-2003). Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Nhà thơ Hoàng Dạ Thi cho biết: "Theo nguyện vọng của gia đình cũng như mong muốn của các đồng nghiệp, bạn bè và người yêu thơ ba mẹ tôi, chúng tôi sẽ đưa di cốt của ba mẹ chúng tôi về Huế".
Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế và gia đình phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm từ 14h ngày 30/7 đến hết ngày 31/7 tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế .
Vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ sẽ được an nghỉ tại nghĩa trang cách sông Hương khoảng 2 km, gần đồi Vọng Cảnh.
Người đọc sẽ còn nhớ mãi những câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ: "
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm"
( Truyện cổ nước mình)
Những câu văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường neo trong lòng người đọc: "Sông Hương là vậy, dòng sông của thời gian ngân vang, của sử viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự biến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước" (Ai đã đặt tên cho dòng sông).