Chế tạo súng cồn chỉ mất 30 phút
Ông T. ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đưa khẩu súng tự chế lên vai ngắm bắn. Một tiếng pằng khô khốc phát ra, mảng tường bình phong phía trước nhà cách điểm ngắm bắn chừng 15m, toác một đám bằng miệng cốc, vôi vữa lả tả. Ông T, hồ hởi: “Chú thấy sức mạnh của nó chưa? Súng hơi loại trên chục ký phải gọi nó bằng cụ tổ”.
Để chứng minh độ chính xác khẩu súng của mình, ông T. lấy bút lông vẽ một vòng tròn to bằng nắm đấm, chấm một chấm ở giữa làm hồng tâm, tiếp tục giương súng bóp cò. Sau tiếng nổ, mảng tường trong vòng tròn toác thêm một đám. Nhưng lần này những người chứng kiến hoảng hồn khi viên đạn gặp bức tường cứng trả ngược trở lại, trúng vào tấm kính của cánh cửa chính. Kính không vỡ, nhưng sức nóng của viên đạn khiến tấm kính thủng một lỗ bằng đầu ngón tay út. Viên đạn rơi xuống sàn nhà, đỏ như hòn than. Ngay cả ông T., người sản xuất ra khẩu súng cũng sửng sốt trước sức công phá của khẩu súng này.
Khẩu súng cồn do ông T. tự chế
Ông T. cho biết: Ông lên mạng, vào google, gõ dòng chữ “cách làm súng cồn”, hàng loạt trang hướng dẫn hiện ra. Chỉ sau một hồi nghiên cứu, ông hiểu ngay cơ chế hoạt động của loại súng này. Ông ra chợ mua các loại vật liệu như: ống nhựa dẫn nước, ống sắt, keo dán, băng dán, cục nam châm, chiếc bật lửa có rơ le điện, bi sắt của trục xe đạp và một ít cồn 90 độ..., tổng cộng chưa đến 100.000 đồng.
Nhờ hiểu biết về súng ống, nên súng ông T. chế ra có sức công phá và độ chính xác rất cao. Từ đó, bao nhiêu chim chóc trong làng đều bị hạ gục dưới nòng súng tự chế của ông. Người làng thấy vậy, lũ lượt kéo nhau đến nhờ ông chế súng. Tay nghề chế tạo súng của ông ngày một nâng cao, chỉ mất chừng 30 phút làm xong một khẩu sung.
Hiểm họa khôn lường
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, loại súng cồn này xuất hiện nhiều ở Quảng Bình gần đây, đặc biệt là các địa phương miền núi. Người dân tự chế để săn bắn chim, thú, tuy nhiên không ai dám chắc rằng sẽ không xảy ra việc dùng súng này để giải quyết mâu thuẫn. Mặc dù ở Quảng Bình chưa xảy ra tai nạn nào đáng tiếc, nhưng nhiều địa phương trong cả nước đã có người bị thương do sử dụng súng cồn. Thậm chí đã có những vụ giải quyết mâu thuẫn bằng súng cồn như ở Đắk Lắk. Y Dhô Niê, SN 1992, trú buôn Khal, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, trong lúc say xỉn, đã vác súng cồn vừa mua 300.000 đồng bắn vào mặt anh rể Y The M’lô, khiến anh này phải nhập viện cấp cứu.
Anh N., một người có sử dụng súng cồn ở huyện Bố Trạch cho biết, loại súng này độ sát thương rất cao, có thể bắn chồn chết ngay tại chỗ, thậm chí là khỉ, nếu bắn trúng chỗ hiểm cũng chết lăn quay. Hiện nhiều người còn chế loại súng cồn này thành hai nòng, ba nòng. Có người còn chế loại súng to, bắn bi xe máy. “Loại súng ni thấy thô sơ rứa, nhưng mà mạnh lắm. Tui mỗi lần đi săn về là cất kỹ, không cho mấy đứa nhỏ nghịch. Lỡ ra là chết người như chơi” - anh N. nói.
Theo anh N., súng cồn rất nguy hiểm. Chỉ cần nạp đạn từ miệng nòng súng, lắc lắc cho viên bi rơi xuống họng súng, nam châm sẽ hút lấy viên bi, tạo nên chiếc van kín giữa báng súng và nòng súng. Mở nắp báng súng, đổ một ít cồn, thổi hơi vào, đậy nắp lại là bắn. Vì tự chế nên độ chuẩn xác không cao, bắn rất dễ lạc đạn. Ngoài ra, súng hay cướp cò, vì rơ le điện ở cò rất dễ chập. Nhiều khi vừa bỏ đạn vào nòng, chưa kịp ngắm bắn thì súng đã nổ. Nếu nắp đậy ở báng súng vặn không chặt, khi hơi nén tăng cao, chiếc nắp sẽ bung ra, cháy vai, cháy lưng là khó tránh khỏi.
Trao đổi với Tiền Phong, đại tá Trần Minh Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, chưa nắm được thông tin và công an các địa phương chưa báo cáo lên. “Nếu đúng như PV Tiền Phong phản ánh thì đây là một vấn đề nguy hiểm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, an toàn tính mạng người dân. Công an tỉnh sẽ sớm có công văn chỉ đạo các phòng ban chức năng, công an các huyện, xã trên địa bàn tỉnh tuyên truyền vận động người dân không sản xuất, sử dụng, tàng trữ loại súng cồn. Ai vi phạm sẽ bị tịch thu, xử phạt, thậm chí là xử lí hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng”, đại tá Thùy nói.