Hoàng Hiệp và chuyện fan một thời

TP - Nhạc sĩ Hoàng Hiệp vừa qua đời ngày 9-1 ở tuổi 82. Cuộc đời chia hai nửa Bắc Nam của ông gắn với những ca khúc bất hủ, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ khán giả.

> Nhớ Hoàng Hiệp - tác giả nhiều bài hát để đời
> Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời

1. Một lần trò chuyện đủ thứ linh tinh với nhà văn Lê Lựu, ông bảo: “Ca khúc hát lên nghe phải thấy cái thật, cái da diết, thấy bị tác động, vui hoặc buồn. Thì ngày nay hơi ít cái thật. Khi yêu người ta nói thầm, đằng này cứ bô bô. Hát về địa phương nào không ra địa phương đó. Ngày xưa nhạc sĩ người ta chỉ “ớ” lên một tiếng là ra ngay: Đây Hồ Gươm Hồng Hà Hồ Tây (Nguyễn Đình Thi), Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công… (Vũ Thanh)".

Nhớ về Hà Nội viết từ 1983 của Hoàng Hiệp được chọn làm nhạc hiệu của Đài Truyền hình Hà Nội. Có khi đang lúc bận rộn mà phố phường chật hẹp người đông đúc, bỗng đâu loa phường rọt rẹt rồi Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây tiếng ve ru những trưa hè…Phải là bài khác chắc đã khó chịu lắm!

Cái câu Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây tiếng ve ru những trưa hè, theo nhà báo Yên Ba- Trưởng ban Quốc tế báo Quân Đội thì: Ra chất Hà Nội nhất! Là người yêu Hà Nội đến cuồng nhiệt, Yên Ba kể mỗi khi qua Khâm Thiên anh lại bị bài hát của Hoàng Hiệp ám ảnh, nhớ lúc bom rơi lửa chiến tranh đất rung ngói tan gạch nát. Do anh cũng từng hút chết vào tháng 12- 1972, đã đi sơ tán rồi lại chủ quan mò về Hà Nội đúng Noel.

Đường phố đông vui chờ đón tất niên- là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người- theo Yên Ba, nghe vô cùng thân thuộc với những người đã trải qua những cái Tết một thời vì vậy cũng dễ ám ảnh. Yên Ba là con trai nhạc sĩ Văn An, tác giả Tiếng nói Hà Nội, Tình ca Tây Bắc, Nhịp cầu nối những bờ vui

Ở live show năm ngoái, Hồng Nhung hơn một lần nói dù cô làm gì cũng không quên mình là một người Hà Nội. Cô hát Nhớ về Hà Nội vẫn hay - đang da diết Ôi nhớ Thủ đô năm ấy chuyển sang Ta đánh giặc trên mâm pháo nghe đã đầy rắn rỏi.

Kết chương trình ở bài “đinh” này là ép-phê lắm rồi sau hơn hai chục bài. Thế nhưng cô lại hát thêm Bống bồng ơi, một hành động bị khán giả (trung niên trở lên) hôm ấy đánh giá là “thiếu khôn ngoan”. Hồng Nhung hát Nhớ về Hà Nội rồi thì gần như chả ai dám hát nữa, thế nên có gặp phải sự khắt khe cũng dễ hiểu.

2.Trong ký ức của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Ngọn đèn đứng gác nhạc Hoàng Hiệp phổ thơ Chính Hữu qua giọng hát trầm tĩnh của nam ca sĩ Mai Khanh đã thắp lên ngọn lửa yêu nước hừng hực của cả một thế hệ: Ơi những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt – Như những tâm hồn không bao giờ tắt …”. Hậu phương hát, tiền tuyến hát.

Trong một gia đình, có thể thấy ông bà hát Câu hò bên bờ Hiền Lương, con cái của họ hát Đất quê ta mênh mông, Đợi anh về và rồi cháu của họ lại hát Trở về dòng sông tuổi thơ, Mùa chim én bay…đều của Hoàng Hiệp. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của người nghệ sĩ- không một fan club nào, cát sê khủng nào địch nổi.

Hoàng Hiệp có lần kể nhanh trên báo về những ca sĩ hát nhạc ông thành công nhất: Cao Minh, Quang Lý, Hồng Nhung, Mỹ Linh. Những khán giả chăm đi xem “bãi” ở Hà Nội thập kỷ cuối 1970 đầu 1980 có thể đồng tình với tôi rằng Quang Thọ hát Lá đỏ hay nhất! Bởi nó không chỉ là câu chuyện tài năng mà còn gắn với những hồi ức sâu đậm.

“Bãi” ở đây tức là sân khấu ngoài trời trước thềm Ngân hàng Nhà nước, phố Lý Thái Tổ. Lần đầu tiên chúng tôi nghe Lá đỏ, rồi nghe hoài Quang Thọ hát bài này là ở đó. Cũng như nghe Tường Vi Tính tính tính tính tang tang tình” (Tiếng đàn Ta-lư, Huy Thục) và Như bao cô gái ở trên non- Cô gái sông Ba đầu búi tóc thon (Cô gái vót chông, Hoàng Hiệp) thấy rộn ràng náo nức kỳ lạ. Cách hát mà theo anh Thụy Kha “khai thác đến đỉnh điểm giọng nữ cao với những diễn tả mang tính khẩu thuật vừa vui vẻ vừa lạ lùng”.

3. Hoàng Hiệp cho rằng nhạc sĩ phổ thơ phải trị được thơ. Hãy xem ông đã trị Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi, Đất quê ta mênh mông của Dương Hương Ly, Viếng lăng Bác của Viễn Phương, vân vân, như thế nào.

Cũng như nếu không cao tay ấn thì những câu thơ như Đèn ta thắp niềm vui theo dõi- Đèn ta thắp những lời kêu gọi đâu dễ mượt mà khi tấu lên. Hoặc Nơi em gặp anh có hoa vàng rực rỡ, có khung trời mộng mơ vang lên trong bộ phim Nơi gặp của tình yêu khiến bộ phim giờ xem lại thấy đầy lỗi này đáng nhớ hẳn.

Vũ Quần Phương có một bài thơ tên là Tặng cô gái Sài Gòn hát bài hát Trường Sơn có tứ như sau: Cứ một câu hát ông lại bình về bối cảnh của nó: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Bài hát viết về rừng le rừng khộp/Năm ấy Sài Gòn lô nhô cao ốc/Em chưa biết gì về rừng khộp rừng le/Anh lên xe trời đổ cơn mưa/Mưa chưa ướt vai em một buổi/Đọt măng rừng đến con cá suối/Chưa một lần em biết sẻ chia…". Cứ thế, và bài thơ kết một cách nhân hậu.

Bài thơ này được Hoài Thanh coi là một dấu son trong sự nghiệp của Vũ Quần Phương. Theo tôi được biết có nhiều người cũng thích lây nó, sau khi đã là fan một thời của cả Hoàng Hiệp và Phạm Tiến Duật.

4.Vào tháng 10-1994, chương trình Cả nước hát về Hà Nội nhân 40 năm giải phóng Thủ đô diễn ra ở Cung Văn hóa Hữu nghị mấy đêm liền. Dịp đó người ta thống kê có đến 600-700 ca khúc về Hà Nội.

Nhạc sĩ Thanh Tùng thế nào mà có lần lại lên báo cho biết Giọt nắng bên thềm của ông là viết về Hà Nội, liền bị một nhà báo phản bác rằng nó chỉ là bài hát về mấy giọt nắng bâng khuâng. Tuy nhiên không thể phủ nhận Giọt nắng bên thềm là tuyệt bút của Thanh Tùng.

Từ cuộc đó trở về tôi kết luận có ba ông già đáng yêu nhất: Phan Nhân, Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu. Hoàng Hiệp không hóm như Phan Huỳnh Điểu, không tươi tắn sinh động như Phan Nhân. Ông điềm tĩnh, giản dị. Về ca khúc trứ danh được hoan nghênh nồng nhiệt trong chương trình, ông giải thích: Tôi viết được Nhớ về Hà Nội trước hết bởi sự gắn bó máu thịt của chính mình, những kỷ niệm sâu sắc của chính mình với từng con người, đường phố thân quen, rồi mới hòa vào cái chung. Em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mớiVà nhớ, nhớ bao khuôn mặt mến thân đã quen bước chân giọng nói

Nghe có vẻ như ông đã đi từ cái tôi đến cái chúng ta. Ai đó đã nói, người nghệ sĩ phải giỏi khai thác người khác nhưng quan trọng nhất là khai thác chính mình.

Theo Báo giấy