Tôi muốn nói: Cái gì tạo nên giấc mơ của mình? Tất cả đều từ hoàn cảnh cụ thể, chứ không phải từ tưởng tượng mà ra giấc mơ, hay từ một tham vọng gì đó mà mình có giấc mơ.
Cảnh nghèo khó của gia đình và những người xung quanh
Quê ngoại tôi ở Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, Quãng Ngãi. Xã biển toàn ở trên cát, nhà nào cũng trồng khoai lang trên cát, nhà tranh vách đất. Không có bữa cơm nào mà không độn khoai lang khô hoặc khoai lang tươi. Tôi nhớ hồi sáu hay bảy tuổi về thăm quê ngoại, bữa cơm nào cũng chủ yếu là khoai, gạo rất ít, chỉ đủ dính vào mấy miếng khoai.
Mà có lẽ nhờ ăn khoai lang nhiều mà bây giờ sức khỏe của tôi tốt lắm. Tờ báo Time của Mỹ có đăng tin về các khẩu phần ăn để ngăn ngừa bệnh nhồi máu cơ tim trong đó có khoai lang.
Làng đó ăn cơm như thế, có bữa có thịt heo, nhưng dĩ nhiên người ta không ăn thịt heo nhiều lắm. Muốn ăn thịt heo phải có tiền, mà dân biển làm sao có tiền nhiều. Thịt bò thì chắc chắn không có, thỉnh thoảng có thịt gà người ta tự nuôi ăn. Họ chủ yếu ăn cá vì nhà nào cũng đi biển. Tôi nhớ cách đây khoảng hơn 50 năm, tất cả những người bà con của tôi ở đó bệnh rồi qua đời từ 80 tuổi trở lên chứ không dưới 80 tuổi, người nào cũng to con lắm. Ông ngoại của tôi mất cũng phải hơn 90 tuổi.
Cả làng không ai mang dép cả, dép cất vào tủ, đi chân không hết. Người ta sống nhờ nghề biển nên họ đi chân không. Từ làng đó lội qua một con suối nước cạn dưới đầu gối một chút, sau đó mới đi ra bãi cát chính của biển, rồi mới đi ra đến bờ biển. Người ta để ghe gần bờ biển, bên kia con suối đó. Tôi rất thích về quê ngoại. Từ Mỗ Đức tôi đón xe lửa đi vào tới xã Phổ Khánh, đi bộ miết xuống dưới biển, hình như hồi đó tôi cũng đi chân không. Từ ga xe lửa xuống làng đó cũng tầm năm, sáu cây số. Chắc vì đi chân không mà mấy đầu ngón chân của tôi bị cùn hết.
Giấc mơ thay đổi hoàn cảnh
Gia đình nghèo nhưng tôi không có cảm xúc đau khổ, xấu hổ hay khó chịu. Thay vào đó, tôi có ý chí, giấc mơ mãnh liệt là phải trả hiếu, phải góp phần giải quyết chuyện khó khăn về vật chất cho gia đình. Đó là lý do thứ nhất tôi quyết tâm phải thay đổi cuộc đời của mình, tạo ra một sự khác biệt tốt hơn cho hoàn cảnh của gia đình.
Khi đã quyết định cố gắng thay đổi hoàn cảnh gia đình, không bao giờ tôi vào một quán cà phê nào. Mỗi lần uống cà phê, tôi nhớ ba tôi nói: “Khi con vào uống cà phê trong quán với bạn bè, lúc đó con phải nhớ rằng ba mẹ còn đang rất khó khăn trong gia đình.” Cho nên, hình như cả thời tuổi trẻ, tôi không biết vào quán uống cà phê. Mỗi lần có ai dắt tôi vào quán, tôi nhớ lời ba là tôi bỏ ra ngoài.
Lý do thứ hai tôi quyết tâm phát triển con người mình vì tôi có một hoài bão muốn giúp cho mọi người không ai còn khổ đau, không ai còn thiếu ăn thiếu mặc. Lúc còn nghèo, tôi chỉ nghĩ đến việc thoát khỏi sự thiếu ăn thiếu mặc, chứ tôi không biết khổ đau tinh thần.
Hình ảnh phụ nữ bị đối xử tệ và giấc mơ giáo dục
Trong cuộc sống, tôi từng thấy cảnh đàn ông đối xử tệ với phụ nữ, chồng đối xử tệ với vợ và coi phụ nữ không ra gì cả. Tôi nhớ một hôm đi sửa xe máy, vợ của ông sửa xe nói gì đó, ông nổi khùng lên đánh bà. Bà ấy sợ quá chui xuống gầm ván núp, vì bộ ván nằm ngoài tiệm sửa xe. Bà chui xuống bộ ván núp vì bà sợ ông lấy xe đánh nhưng ông lại lấy đòn gánh, đòn xóc quơ xuống dưới đánh. Tôi thấy nhiều cảnh đàn ông đối xử với phụ nữ rất tồi tệ.
Thỉnh thoảng tôi cũng nhớ mẹ, có đôi lúc ba la mẹ nhưng tôi chưa thấy ông đánh bà bao giờ. Ông bực bội nên la gì đó, nhiều khi cũng vô cớ không chừng vì tôi không nhớ rõ lắm. Nhiều khi nóng quá, ông giả vờ giơ tay đánh thì bà ngồi im. Ông giơ tay lên rồi ông thả tay xuống, bỏ đi. Nhưng cậu em trai của tôi bị ông đánh mấy trận. Ông đụng đâu quăng đồ đó, cầm cây phóng cây, cầm dép phóng dép.
Tôi thấy xung quanh mình rất nhiều người đàn ông cư xử tệ hại với vợ, đánh đập, chửi bới mày tao… đủ thứ chuyện. Tôi thấy không thể chấp nhận hình ảnh phụ nữ bị đối xử tệ và tôi có những xúc động rất mãnh liệt từ khi còn ở trong nước cho đến khi qua Ấn Độ. Do đó, tôi quyết tâm cố gắng làm một điều gì đó, tuy không biết cụ thể nó là gì nhưng tôi có giấc mơ phát triển sự giáo dục để góp phần giải quyết vấn đề phụ nữ bị đối xử tồi tệ.
Đó là những hoàn cảnh thúc đẩy tôi có giấc mơ để đi tới, để phụng sự. Tôi chưa hề có giấc mơ sở hữu vật chất, hay trở thành người uy quyền, oai phong lẫm liệt hay trở thành người hơn người khác. Cả cuộc đời tôi từ nhỏ đến lớn không có giấc mơ đó. Giấc mơ trả hiếu, giấc mơ giải quyết vấn đề đau khổ của phụ nữ là những điểm bắt đầu cho những giấc mơ tôi hình thành.
Hình ảnh bán sức lao động và giấc mơ khám phá sức mạnh của con người
Lúc khoảng bảy tuổi, tôi thấy người lớn, nhất là phụ nữ, đi chân đất, mặc đồ rách rưới vào rừng đốn củi về bán để sống qua ngày. Tôi cứ nhìn thấy người ta đem bán sức lao động của mình. Sau khi bán xong, có tiền rồi, người ta cũng không có điều kiện bồi bổ trở lại nên người cứ hao mòn đi, nhỏ đi, gầy đi và bệnh rồi chết.
Do vậy, giấc mơ của tôi hồi đó là làm sao chỉ cho con người thấy sức mạnh của mình là gì, chứ không thể chỉ dựa vào sức mạnh tay chân được. Mặc dù lúc ấy tôi không biết có sức mạnh gì ngoài sức mạnh tay chân, nhưng tôi thấy nếu sống bằng tay, chân thế này là không xong.
Nội dung được biên tập từ Audio « Nhớ quá khứ đau buồn để sáng tạo những giấc mơ rộng lớn” – 11/09/2011
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)