Nhà của Xuyên ở dưới chân một con đèo đâm ngang ra biển, mỗi mùa mưa, nước từ đèo đổ ra biển miên man kéo đi hết đất đai màu mỡ để lại những quả đồi lúp xúp đầy sỏi màu và từ trong mớ sỏi đá và cỏ gà ấy mọc lên rất nhiều sim mua. Đầu hè hoa sim nở khắp đèo, ai cũng lạc đường, kể cả người làng. Đứng giữa miên man những rừng sim, Xuyên chỉ có thể tìm đường về nhà nhờ vào nơi mặt trời đang lặn xuống như một viên than nguội dần. Công việc lu bu giúp mẹ trồng rau, giúp chị bán hàng, lớn lên lúc nào không biết, một ngày tự nhiên thấy mình phổng phao, biết xấu hổ. Mỗi khi lạc vào rừng sim tự dưng bần thần dừng lại hái vài bông hoa cài lên mái tóc. Hoa đẹp quá, sim ơi.
Mẹ bảo: “Phải kiếm cho cô tấm chồng, nhưng nơi rừng hoang đèo thẳm này rồi con chẳng đi đâu nổi lấy vài ngày và làm bạn với lũ dơi lũ sóc thôi”. Em thương mẹ lắm. Em có người cha mà người đó đi mãi không về. Ông làm tài xế, một lần hỏng xe vào nhà bà ngoại ngủ nhờ, rồi những đứa trẻ sinh ra cũng những lần chiếc xe chở gỗ cũ kỹ cáu bẩn ấy đi qua. Một ngày, nhiều ngày, không thấy chiếc xe ấy quay lại nữa. Mấy mẹ con sống cùng nhau, lấy mẹ làm cha, mọi việc đều do mẹ sắp đặt cả. “Con không lấy chồng đâu, con ở vậy nuôi mẹ”. Mẹ cười ngất: “Dở hơi như cô thì ai thèm rước”.
Nhà nàng có ba chị em tính trái ngược nhau. Một chị chỉ ước mơ lấy chồng giàu để chồng nuôi, cuối cùng chị cũng toại nguyện, chị đẹp nhất nhà mà. Chị nữa lại ước mơ nuôi chồng, cũng toại nguyện, chị buôn bán dưới đèo nuôi chồng, nhà giàu nhất con đèo ấy, người chị đeo đầy vàng, ông chồng chỉ trông nhà, không phải đụng tay chân gì cả. Nàng là út, chỉ ước mơ trở thành nhà thơ. Số là cứ mở miệng là thành thơ nên chẳng làm được gì. Đi đâu người ta cũng bảo phải đọc thơ, bạn bè cũng thích nghe thơ, cô chú cũng khoái thơ. Nói chung, cả cái đèo này ai cũng thích thơ nhưng chỉ một đứa con nít biết làm thơ. Lời nói nó có văn vẻ, nó nhìn cuộc đời này bằng một cặp mắt vô tư lạ đời. Ví thử như cả làng nhìn đồi sim mua đều ngán ngẩm, đất xấu không trồng trọt được gì, ai đi ngang qua, cũng cố bước chân cho mau. Nó thì ngược lại, nó thích những đồi sim mua cỏ dại, thích những con chồn bông lau cái đuôi phất phơ lấp lánh nắng chiều. Cô bác mới bảo: “Bao nhiêu rừng sim đồi mua, cho con hết cả đấy, muốn làm bao nhiêu bài thơ thì làm”. Lại có người vừa đùa vừa khích: “Dở hơi vừa thôi, ăn sim mãi được không?”. Mùa thu, sim chín khắp núi rừng, chẳng ai thèm hái. Người làng còn mải tìm nước tưới cho những thừa ruộng bé nhỏ cằn cỗi lúa mọc không nổi. Có tí lúa thì nào người nào chuột tranh nhau.
Mấy cô bác thường lúc nghỉ nắng, tay quạt mồ hôi, miệng uống nước chè xanh, bảo đứa cháu dại đọc thơ. Xuyên đọc thế này:
Tôi yêu làng tôi như yêu con trâu đi lạc cuối trời
Nó bỏ đi mà quên những tháng ngày lam lũ trên cánh đồng khô hạn
Nó chạy đi mà kiếm một trận mưa cuối trời để lại tiếng kêu thương
Tôi yêu làng tôi như yêu cơn mưa trong giấc ngủ đã tưới ướt mẹ con tôi
Ngôi nhà tranh xiêu vẹo oằn mình qua cơn mát điên dại chị tôi rên rỉ
Mẹ tôi cả đời không ra khỏi làng miệng ca thán không ngừng
Chúng tôi chờ bố như chờ cơn mưa
Mà bố đã bỏ đi như con trâu đi tìm những đồng cỏ ngọt
Yêu những con mắt đầy hoa dại
Yêu tiếng cười nhiều sỏi đá lăn
Yêu tôi như mùa sim chín chờ ai cuối đèo vắng lặng mênh mang
* * *
Thầy giáo dạy văn bảo: “Xuyên nên làm những bài thơ về đề tài khác nữa, đừng chỉ làm thơ về mỗi làng mình. Con người thuộc về một làng quê nhất định, nhưng thơ văn không phải vậy mà nó phải rộng mở hơn”. Cô học trò má bánh đúc, da trắng khác thường, nụ cười như hoa sim chớm nở bảo: “Em chỉ biết làm thơ về làng em thôi”. Rồi Xuyên đọc cho thầy nghe bài thơ mới nhất:
Chị tôi theo chồng ra thành phố và mãi mãi không bao giờ trở lại
Giấc mơ của chị là những phố phường và những bộ quần áo đẹp
Tôi tiễn chị áo cưới bồ câu bay vào giấc mơ đẹp như bà hoàng
Đi ngang rừng sim, những bông hoa cùng hỏi:
Bao giờ đến lượt cô bỏ chúng tôi đi?
Trong đám người đến rước dâu, đón chị Xuyên vào thành phố, có một anh bạn trạc tuổi Xuyên, nom khá gầy gò, khuôn mặt thông minh, nhưng tính tình thật rụt rè. Anh ấy hỏi: “Bạn làm gì ở vùng đất này? Hãy chỉ cho mình làm cùng cho vui nhé?”. Nàng chỉ những con trâu lấm lem đang đi ra đồng: “Bạn hãy đi theo chúng, những người thầy ấy sẽ dạy bạn cách làm nông”. Anh bạn mới ngạc nhiên: “Mình cứ tưởng quê bạn có máy cày chứ!”. Nàng đáp: “Quê hương tôi buồn tới mức những chiếc máy cày đến rồi cũng bỏ đi”. Nàng chỉ một hợp tác xã máy cày đã bỏ hoang, những chiếc máy chìm trong cây dại. Đất đai quá khô cằn và những chiếc máy cày cũng không thể sống nổi quá vài mùa khô.
“Tớ rất yêu quê của bạn” - Chàng trai nói.
Cô gái ngạc nhiên: “Nếu bạn nói được vì sao bạn yêu quê của tớ, tớ sẽ yêu cậu”.
Chàng trai im lặng hồi lâu, rồi đáp: “Rồi mình sẽ viết thư nói với bạn vì sao mình yêu vùng đất này nhé”. Xuyên gật đầu.
Mùa hoa sim năm ấy cũng là mùa thư. Mỗi tuần nàng nhận được một lá thư từ cô bưu tá trong trạm dưới chân đèo. “Bạn có biết không? Cô bưu tá nói là thư của cậu là lá thư duy nhất gửi tới vùng này sau nhiều năm. Cô ấy bảo bạn hãy cứ viết thư, nếu không cô ấy chẳng còn nhớ mình là bưu tá nữa” – nàng viết cho Khánh, người bạn quen trong đám cưới chị gái.
Đôi khi nàng cũng thấm buồn. Chị đi lấy chồng và không bao giờ viết thư về, đôi khi chị đánh điện với vài dòng cụt lủn: “Con ốm nghén rồi”. Nàng bắt đầu tập viết thư. Ban đầu, một công việc cực nhọc, nàng miêu tả về một cơn mưa ở nơi xa, từ trên núi cao, nàng ngắm cơn mưa như dải lụa trắng, nhưng nó tắt ngấm khi gần tới con đèo: “Mình vẫn đợi cơn mưa đầu tiên bạn ạ. Cả những con rắn con rết cũng chờ cơn mưa ấy”. Gửi thư đi và chờ lá thư từ thành phố. Cô bưu tá chờ trong cái bưu điện bé nhỏ giữa rừng sim, bảo: “Người yêu của cháu viết chữ đẹp quá”. Nàng nhún vai: “Chẳng ai yêu cháu cả! anh ta cũng thế”.
Buổi chiều muộn, nàng lên đỉnh đèo, ngồi nhìn xuống cái làng nhỏ nhoi nằm bên hồ nước cạn khô. Nhà bác, nhà cô, xa xa kia là ngôi trường cũng xác xơ nằm bên chợ tạm, cái chợ tạm không biết từ bao giờ mà giờ vẫn tạm, ai như dáng mẹ đã còng lưng theo năm tháng. Chắc là mẹ ra mua mớ rau cho bữa tối nay. Chị đi lấy chồng mẹ mừng được vài ngày rồi nhớ chị bỏ ăn mấy ngày. Xuyên đọc cho mẹ vài bài thơ, bà mới chịu ăn miếng cháo, bảo: “Con chim tối tìm về tổ, con người không nhớ đường về”.
Ngồi trên đèo cao, nhìn những tia nắng xế chiếu lên những đồi sim chạy dài bát ngát ra biển ngơi lẫn vào sóng nước, nàng bật lên những câu thơ không biết có nên viết vào lá thư viết dở trên tay không?
Chở gì mà nặng chiếc xe cũ kỹ qua đèo?
Phải mi chở lá thư từ thành phố về đây với câu chuyện cũ kỹ trong ấy thế nào?
Phải mi chở những con chữ làm lòng ta sống lại với những chữ ngày mai, ngày mai
Tạm biệt chiếc xe vừa chạy vừa bốc khói két lẹt đổ nước rồi vẫn nghi ngút
Con trâu sắt chân tròn, hãy chở lá thư của ta vào thành phố cùng những bông hoa ép mới vừa khô
Bài thơ mới viết chữ còn chưa ráo mực hỏi thăm ai bao giờ trở lại có chắc không?
* * *
Những năm 1990, tôi là nhà báo tỉnh, phụ trách mục thơ. Một hôm, bác ở ban Bạn Đọc bảo tôi xuống tiếp khách. Tôi thấy một cô bé đội mũ rộng vành, đi chiếc xe đạp cũ kỹ và nhem nhuốc. Trên giỏ xe có những bó hoa sim đã héo vì đường dài. Cô bé bảo: “Cháu từ chân đèo đến đây, đi từ sáng sớm nên hoa héo hết cả, nhưng vẫn tặng cho tòa soạn”.
Tôi nghĩ cô bé chắc chưa ăn gì nên pha một ly sữa mời. “Bạn tới tìm tòa soạn để gửi bài cộng tác phải không?”. Cô bé đáp: “Cháu không cộng tác ạ. Số là cháu có viết một số bài thơ, tính gửi tặng bạn cháu ở thành phố. Nhưng cả năm nay thấy anh ấy không thư từ liên lạc gì nữa. Cháu đem đống thơ tới đây, tùy tòa soạn báo làm gì thì làm ạ”. Cô bé trầm ngâm: “Mẹ cháu bảo cháu phải lấy chồng chứ cứ làm thơ tư tưởng viển vông mẹ cháu buồn. Cháu cũng chẳng biết phải làm gì với số thơ này”.
Tôi thấy bọc thơ của cô nặng khoảng 3kg, tất cả các bài thơ đều viết về hoa sim của làng cô bé. “Cháu không viết đề tài gì khác cả à?”. Cô bé rắn rỏi: “Dạ, cháu chỉ viết về những gì cháu biết thôi ạ”.
Tôi bảo: “Nói bạn đừng buồn, thơ bạn cả ngàn bài như một, rất giống nhau. Nên chúng tôi chỉ có thể chọn đăng một bài thôi. Bạn đừng buồn. Đọc một bài của bạn cũng như đọc cả nghìn bài của bạn mà”.
Đôi mặt bầu bầu, đôi mắt đen như bầu trời mùa hè, cô bé bảo: “Dạ vâng, cả đời cháu chỉ làm một bài thơ thôi ạ. Cháu làm để tặng một người thôi ạ”.
Tôi nói tôi đã từng đi qua con đèo ấy, có khi trời tối mịt mùng, nhìn vào ánh sao mà đi thôi. Ngang qua đèo, nghe mùi sim ngai ngái, ngây ngất giữa khuya. Tôi gửi cho mẹ cô bé mấy tờ báo cuối tuần, nhưng bé bảo: “Mẹ cháu không biết đọc bác ạ”. Tôi gửi cho bác ấy nửa ký đường làm quà. Cô bé bảo: “Cháu không ngờ chỗ hoa sim cháu tặng tòa soạn lại đổi được nửa ký đường. Thế mà mẹ cháu lúc nào cũng bảo cháu dở người”.
Tôi làm báo năm nay cũng gần về hưu. Mới rồi đi qua con đèo, chợt nhớ tới cô cộng tác viên trẻ năm xưa, ghé xuống chân đèo hỏi thăm. Mọi người bảo: “Bà cụ mất lâu rồi, chị gái cô ấy cũng mất, riêng cô ấy sau này đi lấy chồng làm kinh tế mới đâu trong Tây Nguyên, không ai rõ địa chỉ”.
Tôi đi giữa phố xá ngăn nắp, nhà nối nhà, hỏi thăm đồi sim, mọi người đều bảo: “Làm gì còn! Đất đai phân lô bán hết rồi. Tấc đất tấc vàng bác ạ, làm gì còn đất sim mua. Chắc bác kiếm đất dự án hả? Đất dự án xây khu đô thị vẫn còn đấy”.
Tôi như vẫn còn thấy trên tay mình cái nặng bất ngờ khi nhận bọc thơ của cô bé năm xưa. Mở ra, bài thơ nào của cô cộng tác viên ấy cũng có hoa sim, hoa mua. Những bài thơ ấy viết tặng cho một người, nhưng không bao giờ gửi, người gửi tặng cũng chưa bao giờ đọc nó.
Thấy tôi lang thang trong phố xá đầy ánh đèn màu, có người hỏi: “Bác tìm ai?”.
Tôi nói “Tôi chẳng tìm ai, tôi chỉ là du khách dừng chân nơi con đèo đâm ra biển. À, mà tôi cũng đi tìm một nhà thơ”.
Mọi người nhìn nhau lắc đầu bảo: “Vùng cháu đâu có ai là nhà thơ nhỉ!”.
5/2019