Họa sĩ Ngô Mạnh Lân, sinh ngày 9 tháng 11 năm 1934, ở Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là họa sĩ trường thành từ Trường Mỹ thuật Việt Nam, khóa Kháng chiến (1950-1953), cùng với những tên tuổi của hội họa Việt như Trần Lưu Hậu, Mai Long…
Sau đó, NSND Ngô Mạnh Lân học và tốt nghiệp trường Đại học Điện ảnh Quốc Gia Liên bang Xô Viết (1956-1962). Năm 1962, ông về nước làm đạo diễn, họa sĩ ở Xưởng phim hoạt họa và búp bê Việt Nam (sau là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam).
NSND, Họa sĩ Ngô Mạnh Lân là một nghệ sỹ của tuổi thơ. Những tác phẩm của ông từng nuôi dưỡng tâm hồn của bao thế hệ trẻ thơ Việt Nam. Những bộ phim do NSND Ngô Mạnh Lân tham gia thực hiện: “Một ước mơ” (1963), đạo diễn kiêm họa sĩ; “Đêm trăng rằm” (1964), đồng họa sĩ; “Mèo con” (1965), đạo diễn, Giải Bồ nông bạc tại LHP Hoạt hình Quốc tế ở Mamaia (Romania), năm 1966, bằng khen tại LHP châu Á ở Frankfurt (CHLB Đức) năm 1967, Giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 1 năm 1970; “Con sáo biết nói”, năm 1967, đạo diễn, Giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 1 1970; “Những chiếc áo ấm”, 1968, Giải bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 1, 1970; “Chuyện ông Gióng”, 1970, đạo diễn, bằng khen tại LHP Quốc tế Moscow năm 1971, Giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 2 năm 1973; “Thạch Sanh”, 1976, đạo diễn, đồng biên kịch với nhà văn Tô Hoài, Bằng khen tại LHP Việt Nam lần thứ 4, năm 1977….
Họa sĩ Ngô Mạnh Lân còn minh họa cho nhiều cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng: “Cái Tết của mèo con”, “Dế mèn phiêu lưu kí”, “Nhà Chử”, “Đảo hoang”... Theo họa sĩ Tô Chiêm, Nhà xuất bản Kim Đồng: “Họa sĩ Ngô Mạnh Lân là một trong những họa sĩ- cộng tác viên hàng đầu của NXB Kim Đồng”.
Họa sĩ Tô Chiêm chia sẻ thêm: “Tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu kí ông đã vẽ mấy lần, lần đầu ông vẽ khi còn ở Liên Xô. Về Việt Nam, ông lại vẽ minh họa tác phẩm này cho NXB Hà Nội. Riêng NXB Kim Đồng, “Dế mèn phiêu lưu kí” được Ngô Mạnh Lân thực hiện tới 3,4 lần”.
Giáo sư Trần Văn Cẩn từng đánh giá: “Ngô Mạnh Lân yêu đất nước, con người, yêu nghề, yêu cuộc sống, có ý thức trân trọng tìm hiểu nghệ thuật cổ truyền độc đáo của dân tộc, trong đó, nghệ thuật tranh dân gian đã có tác động tốt với anh”.
Về hội họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, giáo sư Trần Văn Cẩn viết: “Nghệ thuật của Ngô Mạnh Lân trong sáng, khoáng đạt và chừng mực, biểu lộ cái nhìn lạc quan, dí dỏm, thường trào lộng nhưng không lộ liễu. Với bảng màu phong phú và giàu sắc nhị đi với tạo hình thông tuệ, vững vàng và nhã thú, anh đã kết hợp được nhuần nhuyễn cái thực và cái mơ, tạo nên sự ân ý thỏa sướng giữa những nhân vật có tình với bối cảnh thiên nhiên toát ra được sắc thái đầm ấm của xóm làng, đồng nội thân thuộc đầy thi vị trong những bố cục khá nhiều vẻ, khi thì thanh thoảng, khi thì gọn chặt”.