Chương trình Hanoi Collective Orchestra được Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản ở Việt Nam tổ chức lần đầu tại Việt Nam vào tháng 9/2015, thu hút nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ, học sinh, sinh viên tham gia. Tháng 7/2016, chương trình tái ngộ khán giả Thủ đô trong hai tuần. Mười ngày đầu, chương trình chiêu mộ người chơi, hướng dẫn và chia nhóm. Ngày cuối cùng biểu diễn tự do và không hạn chế khách mời cũng như độ tuổi.
Âm nhạc gần gũi, dễ dàng
Hanoi Collective Orchestra diễn ra trong khuôn viên Trung tâm. Ngay từ cổng vào đã có một bàn tiếp đón do các tình nguyện viên người Nhật chủ trì. Tại đây, tất cả người tham gia “tay mơ”, kể cả trẻ em được hướng dẫn làm những “nhạc cụ” đơn giản nhất: ống nước, que kem, bóng bay, kèn nhựa, vỏ lon bia… Tưởng chỉ trẻ con mới thích thú với trò gõ, thổi ra âm thanh, không ngờ nhiều người có tuổi cũng thích thú tham gia.
Bà Thuận (60 tuổi), nghe bạn bè giới thiệu, tự chế một đoạn ống nước, buộc năm lon bia có gắn đá bên trong, đem đến góp vui. Bà giới thiệu: “Gõ mỗi cái ra một âm khác nhau, hay lắm”. Bà và hai người bạn cùng tuổi đến tham gia chương trình từ đầu buổi (14h), đến chiều muộn vẫn chưa muốn về vì “quá vui”, “đang buồn mà ra đây nghe nhạc hết cả buồn”.
Cả sân có sáu tụ điểm âm nhạc, thoạt trông giống hệt sáu tiểu khu đồng nát. Tất cả những thứ phát ra âm thanh từ đây đều được Omoto Yoshihide (nhạc sĩ, nhạc công chơi guitar, DJ, nhà soạn nhạc, nhạc sĩ nhạc phim, nhà sản xuất, chủ trò của Hanoi Collective Orchestra) và các cộng sự tìm được trên đường phố Hà Nội. Đó là chảo vỡ, nắp vung, đinh ốc, chìa khóa, thùng sắt, thùng xốp, chậu nhựa, kính vỡ, tre, nứa, đinh vít, sỏi, đá, lò xo… Nhưng khi những thứ vứt đi ấy được điều khiển hợp lý, chúng phát ra những hợp âm hấp dẫn. Một phút ngẫu hứng của cô gái Nhật Yumi đã thu hút hàng chục bạn trẻ đem kèn, trống, sáo… tham gia cùng.
Nguyễn Trung Kiên (sinh viên khoa Nhật - ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Trước khi đến đây mình chưa từng học chơi bất cứ một loại nhạc cụ nào. Được các bạn tình nguyện viên hướng dẫn sơ sơ, mình đã thử hầu hết những thứ có thể phát ra tiếng ở đây. Thích cực kỳ. Vì không nghĩ còn có một thứ âm nhạc gần gũi, dễ dàng như thế”.
Bà Thuận với "nhạc cụ" tự chế.
Tất cả đều vui
Đến sân chơi của Hanoi Collective Orchestra mới biết khái niệm không có sáng tạo nhất, chỉ có sáng tạo hơn nghĩa là như nào. Cái vợt cầu lông bị chọc thủng, gắn vào đó vỏ lon và sỏi, đến khi chơi, âm thanh mà nó tạo ra “vui tai” đến mức một trưởng nhóm quyết định cho vào chương trình biểu diễn chính thức. Vài mảnh kính vỡ (đã được may bọc bằng vải con công để đảm bảo an toàn) cũng tạo thành vài loại âm thanh. Với hai cái xô nhôm nối với nhau bằng một đoạn lò xo, dùng dùi gỗ gõ, miết để tạo ra thứ thanh âm ngân nga. Cũng “bộ nhạc cụ” ấy, có thể dùng để nhảy dây, cộng hưởng với tiếng lục lạc ở chân người nhảy, lại thành một tổ hợp âm thanh kiểu digan khiến người xem muốn nhảy múa.
Cha đẻ của chương trình, nhạc sĩ Omoto, cho biết: “Thường các dòng nhạc trên thế giới sẽ phân rõ người chơi và người nghe, nhưng tôi muốn tạo ra một thứ âm thanh mới để xóa đi ranh giới ấy. Không cần nhạc cụ chuyên nghiệp, không có nhạc phổ, không giới hạn độ tuổi tham gia, biểu diễn ngẫu hứng”. Trong suốt buổi chiều diễn ra chương trình, Omoto đi dép lê, quần xắn móng lợn, cầm máy quay mini ghi lại toàn bộ hình ảnh, âm thanh của người chơi và khách mời.
Ở một góc khác, Suzuki Akio (người đi tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật âm thanh và là một trong những nghệ sĩ âm thanh đại diện cho Nhật Bản) cắm cúi ở một góc hướng dẫn người chơi và tạo nhạc cụ cho họ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Một tình nguyện viên người Nhật khác tỉ mẩn đi nhặt tất cả vỏ chai nước, để tiếp tục quay vòng, biến chúng thành thứ có thể “hát, nói” những lời vui tai.
Nghệ sĩ Trần Lương (khách mời, cố vấn) nhận xét, chương trình năm nay là một bước tiến dài so với năm ngoái. Năm ngoái, khi làm nhạc cụ, mọi người chỉ nhăm nhăm lặp lại một loại có sẵn. Rõ ràng không ổn vì nhạc cụ có sẵn là thế mạnh của nghệ thuật hàn lâm, đã được chứng minh, sao vượt qua nó được. Âm thanh tự nhiên là con đường rộng hơn, và dễ có dấu ấn cá nhân hơn.
“Ví dụ có bạn chỉ quan tâm làm ra âm thanh giống tiếng roi vọt, vì đó là ký ức của bạn ấy. Có người thích tiếng vút của vợt cầu lông. Có người lại thích dìm cái cốc xuống nước rồi gõ bảo là giống tiếng nước ập vài tai mình như lúc sắp chết đuối. Cũng tiếng gõ ấy, người lại nghe nó giống tiếng chim hót”, ông Lương nói.
Tùy vào trải nghiệm cá nhân và gu âm nhạc, người ta đa dạng hóa âm thanh tạo ra từ những vật dụng quen thuộc hằng ngày. Đây là cuộc chơi mà sự tương tác giữa người chơi và người thưởng thức diễn ra thường xuyên, liên tục. Người chơi bị cuốn vào trò chơi, trở thành nhạc công, người sáng tạo, người biểu diễn. Cuối cùng, tất cả đều vui.