Trong vòng chưa đầy 2 năm qua, hàng loạt quan chức TPHCM ngã ngựa bởi đất đai. Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM là một ví dụ. Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, ông Tất Thành Cang bị cho là chấp thuận chủ trương bán hơn 32 ha đất ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè không đúng thẩm quyền, sai quy định.
Hồi tháng 5, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã có cuộc họp khẩn, xem xét báo cáo bước đầu của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đối với các cá nhân là lãnh đạo Văn phòng Thành ủy và Công ty Tân Thuận, liên quan đến vụ việc chuyển nhượng hơn 32 ha đất đã đền bù ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (CPQCGL).
Cụ thể, ngày 5/6/2017, Công ty Tân Thuận đã bán hơn 320.000 m2 đất tại xã Phước Kiển cho Công ty CPQCGL. Khu đất này đã đền bù thuộc Khu dân cư Phước Kiển, là vị trí đẹp ở cạnh sông Sài Gòn, nhưng giá chuyển nhượng chỉ rẻ bèo ở mức 1,29 triệu đồng/m2. Giao dịch này bị cho là thiếu minh bạch, bán cho tư nhân không qua đấu thầu, giá chuyển nhượng rẻ hơn nhiều lần so với giá thị trường. Sau cuộc “giao đất” công cho doanh nghiệp, Công ty Tân Thuận chỉ thu về cho ngân sách hơn 419 tỷ đồng, trong khi có thể thu về hơn 2.000 tỷ đồng nếu đấu giá.
Không chỉ chỉ đạo bán rẻ đất công, ông Cang còn liên quan đến các sai phạm tại Công ty Tân Thuận IPC. Đặc biệt, trong vụ Công ty Sadeco đã bị thâu tóm, ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy TPHCM đã có thông báo 495 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương, phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco. Từ việc này, nguồn vốn Nhà nước giảm, dẫn đến mất quyền kiểm soát tại Sadeco.
Ông Cang sau đó bị Ủy ban kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bởi đã “tiếp tay” giao đất cho doanh nghiệp này. Ngày 26/12/2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Cú ngã ngựa này khiến ông Cang gần như mất tất cả.
Liên quan “đất vàng”, ông Nguyễn Hữu Tín và ông Nguyễn Thành Tài - hai cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng ngã ngựa và vướng vào lao lý. Cụ thể, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 rộng 6.000 m2, được UBND TPHCM giao cho Sabeco vào năm 2008 mà không qua đấu thầu. Bộ Công Thương chấp thuận cho Sabeco sử dụng lô đất để xây dựng dự án trụ sở văn phòng và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng. Năm 2015, ông Nguyễn Hữu Tín ký quyết định giao khu đất cho công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl thuê 50 năm, trả tiền 1 lần. Nơi đây được biến thành khu phức hợp căn hộ thương mại - văn phòng - khách sạn 6 sao.
Việc giao đất này không thông qua đấu giá, không thông qua ý kiến của Bộ Tài chính. Khó hiểu là Công ty Cổ phần Sabeco Pearl đã đóng tiền sử dụng đất trước khi có quyết định chính thức... 13 ngày. Điều này được xác định là gây ra thất thoát tiền thuê đất rất lớn, bởi việc định giá trị thuê đất đối với Sabeco dùng để xây dựng trụ sở văn phòng làm việc hoàn toàn khác biệt với giá trị thuê đất để Sabeco Pearl sử dụng cho mục đích kinh doanh thương mại.
Công ty Cổ phần Sabeco Pearl tiếp nhận dự án cũng có nhiều đáng ngờ, với 4 cổ đông tham gia, trong đó Sabeco chỉ chiếm 26% tổng số cổ phần. Sau khi có quyết định giao đất, Sabeco Pearl đã xin điều chỉnh dự án thành: Xây dựng, kinh doanh trung tâm hội nghị, thương mại - dịch vụ văn phòng và căn hộ.
Đồng thời, Sabeco cũng rút ra khỏi liên doanh Sabeco Pearl từ chỉ đạo của Bộ Công Thương, do không được đầu tư ngoài ngành. Sabeco đã thoái vốn thông qua việc đấu giá hơn 14,7 triệu cổ phần cho các cổ đông khác, thu về 195 tỷ đồng. Ngoài những sai phạm liên quan đến quy trình (bán công sản…đất đai, một trong những vấn đề nghiêm trọng trong vụ đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng, các nhà đầu tư “trung gian” bằng nhiều cách thức tham gia vào dự án, rồi bán lại với giá cao, ăn chênh lệch.
Ngoài “tiếp tay” trao đất vàng cho tư nhân, ông Nguyễn Hữu Tín còn bị chỉ ra sai phạm khác là ký quyết định giao khu đất vàng 15 Thi Sách (TPHCM) cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”). Đó là lô đất 2.337m2 trước đây của Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng, do hãng phim này thuê của Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TPHCM, trả tiền hằng tháng.
Trước khi cổ phần hóa, ngày 13/10/2014, Hãng phim Giải Phóng đã nhượng quyền thuê nhà 15 Thi Sách cho CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm” với tổng trị giá 29,19 tỷ đồng. Ngày 1/6/2015, ông Đào Anh Kiệt, lúc đó là Giám đốc Sở TNMT TPHCM đã ký văn bản đề xuất UBND TPHCM xem xét quyết định cho Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 thuê đất tại số 15 Thi Sách, thời hạn thuê 50 năm.
10 ngày sau đó, ông Nguyễn Hữu Tín, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã ký quyết định chấp thuận cho Vũ “nhôm” được thuê đất 50 năm. Ngày 10/12/2015, ông Tín tiếp tục ký văn bản công nhận Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp thương mại - dịch vụ - căn hộ tại 15 Thi Sách. Nhanh chóng sau đó, Vũ “nhôm” đã liên kết để triển khai dự án, với tên thương mại là Mandison, có giá bán trên thị trường từ 3.500 đến 7.000 USD/m2.
Ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng không phải là ngoại lệ. Khi còn đương chức, ông Tài đã giao đất không đấu giá, giao dự án cho doanh nghiệp không đủ năng lực, chấp thuận cho doanh nghiệp tham gia hợp tác sai quy định đối với khu đất vàng 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1.
Khu đất này có diện tích gần 5.000m2 thuộc sở hữu nhà nước, trước đây do 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở. Năm 2007, UBND TPHCM chủ trương thu hồi để đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, kinh nghiệm xây dựng khách sạn 5 sao trên khu đất. Tuy nhiên, vào năm 2011, ông Nguyễn Thành Tài đã ký quyết định giao lô đất vàng 8-12 Lê Duẩn cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue (Công ty Lavenue) thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê.
Theo kết luận Thanh tra Chính phủ cho biết, việc giao đất chỉ định cho Công ty Lavenue không thông qua đấu giá, đấu thầu là sai quy định về việc sắp xếp, xử lý nhà, đất công của Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra Chính phủ cũng kết luận việc giao và cho thuê khu đất trên không đúng đối tượng, không thuộc diện đơn vị được nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm.
Nhưng trong quyết định giao đất do ông Nguyễn Thành Tài ký lại cho Công ty Lavenue được giao đất trả tiền hàng năm 1.463m2 đất số 12 Lê Duẩn đã vi phạm quy định của nhà nước về đối tượng giao đất. Sau vụ này, ông Nguyễn Thành Tài đã bị bắt.
Mới đây nhất, 5 lãnh đạo, cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa gồm: Bí thư, chủ tịch và 3 cựu chủ tịch, phó chủ tịch đã bị Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương (T.Ư) “điểm danh” phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai “đến mức phải thi hành kỷ luật”. Điều này đã và đang nối dài thêm vào bản danh sách những quan chức bị “ngã ngựa”, bị kỷ luật, xử lý hình sự vì đất đai, từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Cụ thể, từ tháng 1/2016 đến nay, trong số hơn 70 cán bộ cấp cao thuộc diện T.Ư quản lý bị xử lý kỷ luật thì sai phạm do quản lý đất đai chiếm một tỷ lệ đáng kể.
Như trường hợp của 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng là Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, cùng với đó là các ông Nguyễn Điểu (cựu Giám đốc Sở TN-MT), Trần Văn Toán (cựu Phó Giám đốc Sở TN- MT) và Lê Cảnh Dương (cựu Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng).
“Mua đắt, bán rẻ” biểu hiện tham nhũng lớn
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng tại phiên họp thứ 37, UBTVQH mới đây, Ủy ban Tư pháp đánh giá, nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm minh. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, với hình phạt nghiêm khắc, điển hình như vụ Phan Văn Anh Vũ phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên, một trong những cảnh báo được đại diện cơ quan thẩm tra, bà Lê Thị Nga đưa ra là, khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn… “Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi. Thành Nam