Hòa bình Ukraine bị 'bắn rơi' cùng máy bay MH17?

TPO - Hàng trăm người vô tội từ khắp thế giới đã mất đi sinh mạng trên bầu trời Ukraine. Bi kịch khủng khiếp này là điều nhắc nhở rõ ràng nhất về một viễn cảnh hòa bình xa vời cho quốc gia bên bờ Biển Đen này. 

Theo học giả James Jay Carafano là phó phòng phụ trách nghiên cứu chính sách quốc phòng và đối ngoại thuộc tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation (Mỹ), chỉ Moscow và Washington mới có thể kết thúc cuộc xung đột dường như không có hồi kết này.  

Trước khi MH-17 bị bắn rơi, Washington đã chuyển ưu tiên cho cuộc tranh đấu đang diễn ra ở Ukraine ở hạng hai trong dãy xếp hạng các điểm nóng toàn cầu. Sự chú ý của Washington đổ dồn về những nơi như Irắc, Israel…

Những người vẫn theo dõi “cuộc chơi kéo dài” tại Ukraine thậm chí đã bắt đầu bàn tán về các giải pháp dài hạn đối với cuộc xung đột giữa Kiev và Kremlin. Một hình mẫu thường được nhắc tới trong quá khứ nhằm cải thiện tình hình Ukraine hiện nay là Hiệp ước Quốc gia Áo  năm 1955.

Sau Thế chiến thứ hai, phe đồng minh gồm Mỹ, Pháp, Anh và Liên Xô đã tiếp quản nước Áo. Để kết thúc thời gian tiếp quản kéo dài 10 năm tất cả đã trải qua những cuộc thương lượng khó khăn, không hồi kết. Trong cả một thập niên ngoại giao, đất nước Áo vốn bị tàn phá sau chiến tranh không biết đến hòa bình.

Những người Liên Xô thường xuyên bắt cóc những nhân vật họ không ưa.  Họ đứng đằng sau cuộc nổi dậy của người lao động trong một nỗ lực nhằm lật đổ chính quyền Áo. Nhiều khi họ ám sát những nhân vật của Mỹ. Cùng với đó là hoạt động gián điệp giữa các nước. 

Tuy vậy, Áo vẫn đạt được những tiến bộ đáng kể trong thời gian bị tiếp quản. Áo đã thiết lập một chế độ đa đảng ổn định, một hệ thống chính trị dân chủ.

Với sự hỗ trợ của Kế hoạch Marshall (chương trình cho vay vốn và viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ từ năm 1947 đến 1952, mục đích là giúp các nước Tây Âu tái thiết sau Thế chiến thứ hai), Áo đã hồi sinh nền kinh tế. Và với sự hỗ trợ của người Mỹ, chính phủ Áo đã thiết lập một lực lượng quân sự mới có khả năng đảm bảo an ninh nội địa.

Sau đó, năm 1955, Moscow đột ngột quyết định muốn một sự thỏa thuận, trong đó mấu chốt là việc Áo sẽ trở thành một quốc gia trung lập có quyền không phải lựa chọn theo phương Tây hay Liên Xô.

Cả hai bên đều tôn trọng thỏa thuận này. Các lực lượng quân đội chiếm đóng tại Áo rút về. Áo trở thành một quốc gia trung lập kiểu mẫu.

Trở lại tình hình Ukraine hiện nay, những hi vọng lặp lại kịch bản của nước Áo đối với Ukraine thực sự đã xa tầm với. Tình hình Ukraine đã trở nên rất khác biệt. Áo có thể đã có những thời điểm rất căng thẳng, nhưng nếu đem so sánh với cuộc khủng hoảng nổ ra khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine, chiến tranh Lạnh ở nước Áo chỉ như thế giới Disney.

Hơn nữa, Kiev có một chính phủ độc lập và không chịu sự ảnh hưởng của các nước tiếp quản nước Áo. Áo cũng có tình hình chính trị, kinh tế và an ninh ổn định trước khi có thỏa thuận năm 1955.

Trong khi đó, đất nước Ukraine năm 2014 “chỉ được ổn định ở những nơi ổn định được”. Cuối cùng, Moscow gần như đã từ bỏ sự can thiệp vào nước Áo, còn với Ukraine hiện nay thì không.

Đối với Ukraine, họ không có một điều kiện tiên quyết nào như trường hợp trên của Áo. Theo học giả James Jay Carafano, với vị thế hiện tại, Nga có thể giúp cải thiện tình hình tại Ukraine.

Theo đó, Tổng thống Nga Putin có thể gây sức ép lên những người đòi li khai, có thể bảo đảm tiến trình chính trị cũng như hỗ trợ nền kinh tế Ukraine hồi phục…

Nếu Nga thực hiện tất cả những điều này thì Ukraine sẽ có thể bước tiếp theo con đường mà nước Áo đã đi sau Thế chiến và bầu trời Ukraine đã có thể an toàn…

Theo Theo The National Interest