Hòa bình thông qua sức mạnh

TP - Một trong các chủ đề chính của Chiến lược an ninh quốc gia mà Mỹ công bố mới đây là “thể hiện hòa bình thông qua sức mạnh”. Cụm từ này chính là một khẩu hiệu tranh cử của ông Donald Trump - “hòa bình thông qua sức mạnh”. 
Ảnh: The Nation

Trong Chiến lược an ninh quốc gia, nó được đưa vào phần nhấn mạnh yếu tố quân sự của sức mạnh quốc gia và được đặt cạnh phần tiếp theo về ngoại giao. Cụm từ này có nghĩa là Mỹ sẽ tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc. Mỹ sẽ ưu tiên hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của mình cùng các phương tiện phóng, phát triển các công nghệ quốc phòng mới để đối phó nguy cơ đến từ Triều Tiên cũng như Nga và Trung Quốc.

“Hòa bình thông qua sức mạnh” cũng có nghĩa là dần dần mở rộng và hiện đại hóa lực lượng Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chủ yếu để đối phó các tình huống khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên, để tái đảm bảo với các đồng minh của Mỹ gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, và để làm đối trọng với Trung Quốc ở biển Đông.

Chiến lược an ninh quốc gia đặt nước Mỹ vào thế ưu tiên hành động “duy trì sự hiện diện quân sự tiên phong có khả năng đánh chặn và nếu cần thiết, đánh bại mọi kẻ thù”. Chính quyền Donald Trump đang ngày càng quả quyết hơn khi tuyên bố sẽ theo đuổi lợi ích quốc gia của Mỹ trước tiên. Việt Nam cũng hiểu rằng, các siêu cường sẽ theo đuổi lợi ích của riêng họ. Trong một số vấn đề, điều này có lợi cho Việt Nam, nhưng trong một số vấn đề khác, tình hình có thể ngược lại.

Theo Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, các quốc gia hướng tới Mỹ vì sự lãnh đạo và các giá trị của nước này. Tổng thống Trump cũng khẳng định, thế giới ngày nay tôn trọng Mỹ hơn. Việc tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong một thế giới cạnh tranh mà Chiến lược an ninh quốc gia đề cập không phải không tương thích với chính sách “Nước Mỹ trên hết” vì ông Trump cho rằng, sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ đủ để uốn các nước khác làm điều Mỹ muốn.

Ảnh hưởng của Mỹ đối với vấn đề tranh chấp trên biển Đông cũng là điều đáng bàn. Từ nội dung Chiến lược an ninh quốc gia, có thể suy ra rằng, biển Đông được coi là một vũ đài cạnh tranh tiềm năng nhưng ở mức ưu tiên thấp so với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và khủng bố quốc tế. Tình hình biển Đông nhìn chung sẽ ổn định vì ASEAN và Trung Quốc theo đuổi đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông. Mỹ có thể sẽ không phản ứng với việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo vì một đồng minh của Mỹ là Philippines sẽ không còn ủng hộ các động thái mạnh mẽ chống lại cách hành xử của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Chiến lược an ninh quốc gia ưu tiên việc củng cố cam kết của Mỹ đối với “tự do đi lại trên biển và giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và biển theo luật pháp quốc tế”. Chiến lược này cũng khẳng định rằng, các tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở biển Đông “đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và làm xói mòn sự ổn định của khu vực”. Tóm lại, theo Chiến lược an ninh quốc gia, Mỹ đảm nhiệm vai trò dẫn dắt phản ứng tập thể để duy trì trật tự khu vực dựa trên việc tôn trọng “chủ quyền và độc lập”.