Hồ Tây nguy cơ "vô sinh"

TP - Hồ Tây, lá phổi xanh của Hà Nội, bị tác động mạnh bởi hoạt động của con người, có nguy cơ chỉ còn là một thủy vực chết, một ao lớn nuôi cá hoặc là một bể chứa nước cỡ lớn chống úng trong vài chục năm nữa.
Bà Viên cùng chồng ngồi ở nơi năm xưa, vợ chồng bà thường vớt tôm tép dưới các tán lá sen Hồ Tây

> Ngắm đôi rồng dài 35m, nặng 60 tấn

Vùng nước "đứng độc" đáo

Bà Phùng Thị Viên sinh ra và lớn lên ở làng Trích Sài ven Hồ Tây. Ở tuổi gần lục tuần, bà nhớ hình ảnh Hồ Tây mênh mông và trù phú: “Ngày xưa xung quanh hồ toàn tre với nhãn. Người thì ra giặt quần áo, người thì hóng mát nói chuyện. Cạnh đình làng bây giờ, có bức tường cao, đám con trai cứ đua nhau nhảy từ trên tường xuống hồ. Dưới đáy hồ toàn cát”.

Theo GS.TS Mai Đình Yên - Giảng viên cao cấp Khoa Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hồ Tây được đánh giá là hồ lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ, có diện tích khoảng 500 ha, độ sâu trung bình 1,5m và là một trong vài hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích thuộc loại lớn nhất ở nước ta. Hồ Tây được xếp vào danh sách các hồ cần bảo tồn trên thế giới.

Trước đây, phía làng Trích Sài, Võng Thị có sen. Sen từ phía Quảng An và phía Sở nhờ gió bay về đây, chụm vào thành từng mảng gần bờ. Dưới rễ sen là nơi trú ngụ của cua, tôm. Trời trở gió nồm là tôm lên. Chỉ cần nhấc sen lên, rũ vào trong rổ được hàng vốc tôm.

Có người mang giá ra hớt ở ria hồ cũng thu được tôm. Ngày đó hồ còn có cả đỉa. Chồng bà Viên làm ở cảng Phà Đen. Lúc rảnh, hai vợ chồng ra hồ cào ốc. Mỗi lần xuống cào cũng được hai bao tải với đủ loại ốc, hến, trai.

Theo báo cáo “Sơ bộ phân tích biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái Hồ Tây” của Đại học Quốc gia Hà Nội, Hồ Tây là đại diện điển hình cho đa dạng sinh học nước ngọt, kiểu nước đứng của đồng bằng Bắc Bộ, bao gồm tảo phù du 117 loài, thực vật thủy sinh 18 loài, động vật không xương sống 54 loài, cá có 40 loài, chim nước 11 loài. Hồ Tây có chín loài tảo phù du chưa định danh được.

Sách cũng viết về hệ động vật trong hồ với ba loài cá và một loài chim được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam gồm cá vền, cá trắm đen và cá lóc, vịt đầu đen.

Thủa mà cư dân Hồ Tây vớt tôm trên lá sen qua rồi. Tác động của con người đã khiến hai nhóm đa dạng sinh học của hồ là thực vật thủy sinh và động vật đáy bị suy thoái nghiêm trọng. Thực vật thủy sinh bị suy thoái do con người chặt, dọn vứt bỏ. Suy thoái của động vật đáy còn có thể do tác động trực tiếp của nước bị ô nhiễm.

Tảo nở hoa - Tương lai xám

Hồ Tdal Basin ở Washington D.C.
 

Biến đổi khí hậu tưởng là câu chuyện trên trời nhưng hóa ra nó đang ứng vào Hồ Tây. Biến đổi khí hậu, với đặc trưng cơ bản là nhiệt độ tăng, làm cho các đặc trưng vật lý, hóa học của nước thay đổi. Nó cũng ảnh hưởng đến sự phân bố của các sinh vật, sự sống của các sinh vật, lưới thức ăn, sinh khối, năng suất cơ thấp (nguyên sinh).

Nhiệt độ tăng kèm theo nồng độ CO2 tăng sẽ kích thích quang hợp của thực vật (tảo và cây thủy sinh), hạn chế hô hấp, làm tăng năng suất sơ cấp. Các loài tảo phù du tăng, hiện tượng nở hoa là điều sẽ xảy ra thường xuyên. Sau đó chúng sẽ bị chết và lắng đọng xuống đáy, làm cho ô nhiễm tăng thêm, lấy hết khí O2 trong nước và thay vào đó khí CO2 sẽ thải vào không khí nhiều hơn.

Lượng mưa tăng nên đưa nhiều lượng carbon hơn xuống hồ. Do hô hấp, các chất hữu cơ trong hồ lại thải nhiều khí CO2 vào khí quyển hơn. Cái vòng tuần hoàn ấy của trời đất tác động đến Hồ Tây thế nào?

Nhà khoa học bi quan: Các loài quý hiếm ghi trong Sách Đỏ, các loài được mô tả, loài mới (có thể là đặc hữu) sẽ bị tiêu diệt. Các loài gốc phương Nam sẽ lấn át các loài gốc phương Bắc và các loài chịu ô nhiễm cao sẽ lấn át các loài chịu ô nhiễm thấp.

"Vô sinh", thành ao

Vấn đề là nên bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên của Hồ Tây, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu hay theo hướng xây dựng Hồ Tây thành bể chứa nước chống ngập úng cho thành phố, thành hồ nuôi cá, nơi phục vụ giải trí, du lịch - GSTS Mai Đình Yên băn khoăn.

Lượng mưa tăng tuy ít nhưng lại không đều. Xen kẽ giữa lũ lụt và hạn hán bất thường khiến lượng xói mòn tăng, lượng trầm tích tăng. Kết cục Hồ Tây bị nông dần với mức độ nhanh hơn hiện nay và tuổi thọ của nó vì thế cũng giảm nhanh.

Tuy đã có nhiều cố gắng của thành phố, nhưng đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên của Hồ Tây vẫn bị nhiều áp lực từ việc lấn chiếm, phân cắt hồ thành các khu vực phục vụ các mục đích khác nhau.

Ô nhiễm bởi các nguồn thải từ vùng lưu vực của các hoạt động du lịch trên hồ, kể cả các chất thải rắn cũng góp phần hủy hoại Hồ Tây. Hay như việc tiếp tục nuôi cá ở Hồ Tây gây áp lực đối với các loài cá bản địa, cô lập hồ với các thủy vực xung quanh.

Hà Nội hiện mới chỉ bảo vệ Hồ Tây theo hướng bảo vệ cảnh quan, khai thác hồ chống úng, phát triển du lịch, nuôi cá. Tịnh không thấy bảo vệ theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Nếu cộng cả hai hướng tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người, rủi ro tiêu diệt đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên của Hồ Tây là rất lớn. Hồ Tây lúc ấy sẽ bị vô sinh, sẽ là một hồ chết, một nhà khoa học ví von.

Th.S Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường & Cộng đồng cho hay, Hồ Tây có nhiều cơ hội thuận lợi để bảo tồn hệ sinh thái. Với diện tích đủ rộng, hồ có khả năng tự phục hồi dễ hơn nhiều so với các hồ nhỏ, nhất là sau những lần mưa.

Nếu được liên thông trở lại với sông Hồng như tự thuở nào, cộng với một ban quản lý hồ hoạt động hiệu quả, định kỳ nạo vét bùn lắng, vớt rác thải, xử lý nước thải trước khi đổ vào hồ, v.v…, Hồ Tây chắc chắn sẽ có cơ hội sống.

Sáu biện pháp cứu Hồ Tây khỏi cái chết sinh thái

- Xử lý ô nhiễm nước bằng phục hồi hệ thực vật thủy sinh.

- Nạo vét bùn thường xuyên để chống lắng đọng trầm tích.

- Đánh bắt tích cực các loài ngoại lai xâm lấn.

- Không nuôi cá như hiện nay mà để đa dạng sinh học cá và các sinh vật thủy sinh bản địa tự do phát triển rồi khai thác hợp lý.

- Đào kênh cho Hồ Tây liên thông với sông Hồng và các khu vực lân cận.

- Quản lý chặt các hoạt động xung quanh ở trong hồ theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên của hồ.

Nhiều mô hình thành công bảo tồn hệ sinh thái hồ

Không khó để tìm kiếm các mô hình bảo tồn thành công hệ sinh thái hồ trong các đô thị. Ngay cạnh Việt Nam, tại thành phố du lịch Chiengmai, Thailand, chỉ là các kênh mương nối với sông thôi, người ta cũng duy trì được đa dạng sinh học trên các hệ thống này, đảm bảo cho các loài thủy sinh bản địa được duy trì và phát triển.

Xa hơn chút có Hồ Laguna de bay là hồ nước ngọt lớn nhất Philipines, lớn thứ ba Đông Nam Á. Hồ phục hồi nhờ được cung cấp nước từ một lưu vực rộng 45.000 km² với 21 phụ lưu sông chính.

Hồ Tidal Basin, một thủy vực bán tự nhiên nằm giữa sông Potomac và kênh Washington ở thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ. Hệ sinh thái dưới hồ được bảo tồn tốt.

Theo Báo giấy