Câu chuyện CPH Hãng Phim truyện Việt Nam sau khi có kết luận thanh tra lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nghi vấn xung quanh việc sử dụng “đất vàng” sau CPH. Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) chỉ phải trả hơn 33 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần và nắm giữ hàng ngàn mét vuông đất tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà hãng phim đang thuê lại của Nhà nước.
Trên tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), nơi đang có hàng loạt dự án chung cư cao tầng bủa vây. Ít ai tưởng tượng được cách đây hơn chục năm, đa phần đất dự án này là nhà xưởng của ngành công nghiệp nhẹ Thủ đô với những cái tên quen thuộc: Xe đạp Thống Nhất, Nhà máy chế tạo thiết bị chiếu sáng (Hapulico), Dệt Mùa Đông… Đơn cử như nhà máy Xe đạp Thống Nhất, vào năm 2011, nhà máy liên doanh với công ty TNHH phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập Cty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án xây dựng 2 tòa nhà chung cư với diện tích 18.000m2 có tên Thống Nhất Complex tại số 82 Nguyễn Tuân.
Cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, còn có chung cư Riverside Garden (349 Vũ Tông Phan) của Tập đoàn Videc vừa chính thức hoạt động đầu năm 2018. Khu đất này vốn thuộc Cty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu (Prosimex), Cty này được thành lập năm 1989, tiền thân là cơ sở tăng gia sản xuất của Bộ Thương mại. Năm 2014, nhóm cổ đông chi phối liên doanh với Cty CP Tập đoàn Videc để khai thác khu đất trên.
Câu chuyện về địa điểm mặt tiền gần 30m, diện tích 2.700m2 tại số 358 đường Láng (gồm 2 mặt tiền đường Láng và đường Yên Lãng) cũng gây xôn xao khi được định giá 0 đồng. Khu đất trên được Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế (Interserco) thuê hàng năm, trong thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, sau khi CPH giá trị quyền sử dụng đất của Cty hoàn toàn bằng 0, không đóng góp vào giá trị doanh nghiệp cũng như giá trị phần vốn Nhà nước tại đây.
Ngoài ra có nhiều nơi cũng xảy ra tình trạng tương tự quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình… Điểm chung các trường hợp này bắt nguồn từ các Cty thuộc các bộ, ngành được giao đất lâu năm làm trụ sở, nhà xưởng.
Đánh giá đúng giá trị để tránh trục lợi
Th.S kinh tế Nguyễn Văn Lâm nêu quan điểm, tài sản đất đai chính là “lỗ hổng” của tiến trình CPH DNNN hiện nay. Đã có nhiều DNNN bị thâu tóm bởi các DN “trái tay” như: Hãng phim truyện Việt Nam … Nguy hiểm hơn là việc họ bán luôn đất họ được quyền thuê, và thuê với giá ưu đãi. Việc CPH DNNN nhiều trường hợp đã bị lợi dụng để mua bán đất đai, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến đất hơn là tăng cường năng lực quản trị DN sau CPH.
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, khi tiến hành CPH, quyền sử dụng đất, quyền thuê đất đều phải tính vào giá trị DN. Khi chuyển đổi công năng thì quyền sử dụng đất phải xem xét, đấu giá công khai tránh làm thất thu ngân sách nhà nước. Mới đây đã có kết luận thanh tra 60 dự án với tổng diện tích hơn 800.000 m2 đất sản xuất chuyển đổi thành cao ốc, trung tâm thương mại. Qua đó cũng đã xác định nhiều DN không tính giá trị quyền sử dụng đất, không đấu giá khi CPH. Định giá thấp dưới 10 lần mức giá thị trường. Lỗ hổng này khiến tài sản nhà nước bị định giá rẻ đi, và bị các nhóm lợi ích trục lợi.
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Nâng cao hiệu quả DNNN: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” mới đây, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, những lùm xùm xung quanh việc CPH Hãng Phim truyện Việt Nam đã phần nào phơi bày những “góc khuất” trong quá trình CPH DNNN. Từ những vấn đề trong quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị tài sản vô hình cho tới xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất trong cách định giá DN. Theo ông Tiến, đất đai Hãng phim nếu làm xưởng phim, trường quay thì phải làm đúng mục đích. Nếu thay đổi làm chung cư, siêu thị thì phải xin thành phố chấp thuận quy hoạch chuyển đổi, lúc đó phải có đánh giá lại giá trị đất.
Trước đây, có sự nhập nhằng giữa các ngành nghề kinh doanh chính, nhiều DNNN dựa vào lợi thế đất đai cho thuê để kiếm lợi.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, mới đây đã có kết luận thanh tra 60 dự án với tổng diện tích hơn 800.000m2 đất sản xuất chuyển đổi thành cao ốc, trung tâm thương mại. Qua đó cũng đã xác định nhiều DN không tính giá trị quyền sử dụng đất, không đấu giá khi CPH. Định giá thấp dưới 10 lần mức giá thị trường. Lỗ hổng này khiến tài sản nhà nước bị định giá rẻ đi, và bị các nhóm lợi ích trục lợi.
Chính phủ đã quy định các DNNN trước khi CPH phải sắp xếp lại tài sản đất đai, nếu không dùng hết đất thì chuyển giao lại đất cho địa phương để sử dụng việc khác, doanh nghiệp làm ngành nghề nào thì tập trung làm ngành nghề đó. DNNN sắp xếp xong đất đai rồi mới tiến hành CPH, thoái vốn theo lộ trình đặt ra.