Tiếp cận đề tài
Tôi mở máy tính tìm từ khóa “bóng cười”. Màn hình hiện lên khoảng 50 triệu kết quả, đứng đầu là các bài điều tra của báo Dân Việt, Tuổi trẻ, Thanh niên, VTV và cả báo Tiền Phong cũng đã có những phóng sự về bóng cười. Điều đó có nghĩa là đề tài này không phải là mới nhưng vấn đề chưa được giải quyết, là vấn đề lớn của bạn đọc báo Tiền Phong. Vậy làm thế nào để có cái mới, cái hay là yếu tố có tính quyết định.
Tôi gọi cậu em Thành Đạt là cộng tác viên tại ban để bàn bạc, cùng nhau nghiên cứu. Chúng tôi lao vào xem lại các clip, các bài viết mà đồng nghiệp đã thực hiện, phân tích; đồng thời tìm kiếm các quy định, các căn cứ pháp lý liên quan đến bóng cười, khí cười.
Cũng phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, nghiền ngẫm chúng tôi mới tìm thấy nhiều điểm mà đồng nghiệp trước đây chưa phát hiện ra hoặc làm chưa tới: Thứ nhất, các bài viết mới chỉ phản ánh đúng thực trạng (phần ngọn) và tác hại của bóng cười chứ chưa làm rõ được nguồn gốc bóng cười từ đâu, đường đi thế nào đến tay người dùng. Thứ 2, phần nào các báo chỉ ra kẽ hở của pháp luật nhưng chưa làm rõ để các nhà hoạch định chính sách nhìn thấy và có những điều chỉnh phù hợp.
Khi xác định được những điểm mới, điểm đúng, trúng thì cần thực hiện ra sao, bắt đầu từ đâu? Tôi bắt tay vào xây dựng đề cương tuyến bài. 5 kỳ phóng sự được vạch ra rõ ràng từng phần việc thực hiện, nội dung cần truyền tải đến bạn đọc… Đề cương được gửi đến lãnh đạo Ban Bạn đọc và báo cáo Ban Biên tập và được đồng ý cho triển khai.
Để tìm được những đầu nậu buôn bóng cười lớn buộc chúng tôi phải vào vai những tay chơi có tiền để vào bar, để làm những ông chủ muốn mở bar ở tỉnh lẻ. Để có điều kiện làm việc đó, chúng tôi đã đề nghị Ban Biên tập chi các khoản tiền để chúng tôi thâm nhập. Tôi làm giấy đề nghị ứng tiền, được lãnh đạo Ban Bạn đọc đồng ý lên trình bày đề tài với Phó Tổng Biên tập Lê Minh Toản. Sau khi nghe tôi trình bày nội dung thực hiện và hướng triển khai, anh Toản gật đầu đồng ý: “Thanh toán trước công tác phí là chưa có tiền lệ ở báo Tiền Phong đâu. Các chú phải làm thật hay!”.
Không phải cuộc dạo chơi!
Điểm đến đầu tiên của nhóm PV là những bar hạng sang nhất phố cổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đúng như những gì đã nhận định, chúng tôi được đón tiếp nồng hậu như những dân chơi sành điệu khác sau khi gọi điện đặt chỗ. Cũng phải sử dụng nhiều kỹ năng tác nghiệp chúng tôi mới đến được vị trí thuận lợi nhất để ghi lại những hình ảnh diễn ra thường ngày tại chốn ăn chơi bậc nhất Hà thành. Trong nhiều ngày, chúng tôi lần lượt qua các quán rất “hot” như Hybra Ultra Lounge, The Bunker bar, Sniff bar, Lindo lounge… Những cảnh hít bóng, cảnh phê bóng, cảnh say bóng đến mức nằm luôn tại bàn và khó nhất là cảnh bơm bóng - nơi được che kín mọi ánh nhìn và luôn có người túc trực, được kín đáo quay lại.
Tiếp theo, câu hỏi lại dồn dập đến, làm thế nào để biết nguồn bóng từ đâu được đưa về đây và đưa bằng cách nào? Chúng tôi quyết định “chơi lớn”, ngỏ ý bắt quen với những cộng tác viên của quán bằng cách cùng nhau tham gia những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng. Có lẽ với cánh phóng viên, thức xuyên đêm, để uống bia rượu, hít bóng với thanh niên là điều khó khăn nhất. Nhiều bạn bè vẫn đùa sau khi bài báo được đăng tải: “Đi ăn chơi đâu nhớ gọi anh em tham gia với!”. Nhưng, làm phóng sự điều tra không phải cuộc dạo chơi. Để tạo được lòng tin, được chia sẻ những điều bí mật, những mánh lới làm ăn của họ không hề đơn giản.
Thế rồi, sau những ngày “bay” đêm cùng với nhóm thanh niên, chúng tôi đã tiếp cận được những đầu mối đưa khí cười vào các bar này. Xuất hiện trong vai “ông chủ” chúng tôi đề nghị được mua hàng. Nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm buôn bán “hàng cấm”, họ đủ già dơ để bắt bài những người mua hàng chưa thực sự nhập vai.
Để qua mặt, nhóm phóng viên tiếp tục tìm hiểu và phải diễn như một “ông chủ” thật sự am hiểu về bar, bóng cười mới nói chuyện, tạo được niềm tin. Và quan trọng nhất, chúng tôi phải hiểu “luật chơi” để trao đổi về mua bán, vận chuyển để “có cái” nói chuyện… Có những lúc chúng tôi bị giật mình khi đầu mối bán hàng đề nghị cung cấp tên quán bar cần mở để cho người check (kiểm tra). Sau những giây phút suy nghĩ, cậu em Thành Đạt nhanh nhạy đề xuất gọi điện cho người quen ở quê để hỏi. Lúc này, chúng tôi cung cấp thông tin như yêu cầu nhưng cũng không hi vọng và nghĩ rằng đã bị lộ. Một ngày, hai ngày rồi 1 tuần trôi qua, rồi đầu nậu gọi điện lại đồng ý bán hàng nhưng sẽ giao hàng từ xe qua xe, không được đến kho và phải chuyển tiền trước. Đây là tia hi vọng nhưng lại như lại đi vào ngõ cụt vì cái chúng tôi cần là làm rõ kho của chúng ở đâu.
Suy nghĩ khá lâu, chúng tôi đồng ý nhưng yêu cầu bên kia phải cho thử vì sợ khí cười giả và họ đã đồng ý. Chúng tôi đến được nơi giao dịch. Cậu em mới chập chững vào nghề bị tôi “đẩy” vào kiểm tra chỉ vì biết hút thuốc. Chúng tôi cùng nhau đến địa điểm, khi Đạt vào, tôi đã bố trí mấy anh em thân quen cùng đến hỗ trợ, chuẩn bị sẵn số điện thoại đường dây nóng của công an khu vực đề phòng việc bất trắc xảy ra. Rất may, những kỹ năng thuần thục đã giúp Đạt qua mặt những ánh mắt, câu hỏi dò xét liên tục của các đối tượng ma mãnh đó…
Ghi hình thành công, chúng tôi bắt tay vào viết và nộp bài. Tuyến bài 5 kỳ “Hít bóng cười người ra bã” được đăng tải ngay sau đó đã lập tức gây được tiếng vang và được Ban Biên tập đánh giá là tuyến bài hay trong năm. Dĩ nhiên, chúng tôi đã được tòa soạn quyết định thưởng ở mức cao. Và hơn hết, sau tuyến bài, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý. Tài liệu của phóng viên cũng được cung cấp cho cơ quan công an để điều tra. Tình trạng bán bóng cười phần nào thuyên giảm. Nhiều bậc cha mẹ đã được cảnh báo và những cơ quan quản lý đã bắt đầu có những thay đổi về việc kiểm soát mặt hàng này.
Sau những ngày “bay” đêm cùng với nhóm thanh niên, chúng tôi đã tiếp cận được những đầu mối đưa khí cười vào các bar này. Xuất hiện trong vai “ông chủ” chúng tôi đề nghị được mua hàng. Nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm buôn bán “hàng cấm”, họ đủ già dơ để bắt bài những người mua hàng chưa thực sự nhập vai.