Chiều 10/8, tại Đà Nẵng, T.Ư Đoàn tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh thiếu nhi Việt Nam” khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Đổi mới giáo dục, định hướng tư tưởng
Tại Hội thảo, các chuyên gia, cựu cán bộ Đoàn, đại diện các Tỉnh, Thành Đoàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cũng như đề xuất, đóng góp để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn và các tổ chức thanh thiếu nhi.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, thực tế thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn còn có một số hạn chế nhất định, có nơi chưa kịp thời định hướng tư tưởng; không ít thanh niên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, có lối sống “lệch chuẩn”, phai nhạt lý tưởng cách mạng.
Để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Đoàn và tổ chức thanh thiếu nhi, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đề xuất các nội dung gồm: “Bắt nhịp xu hướng - Xây dựng lực lượng - Nắm bắt tư tưởng - Phù hợp đối tượng - San sẻ yêu thương”.
“Phải bắt nhịp thì chúng ta mới có thể đi trước để dẫn đường. Đây là thời đại của mạng xã hội, thanh niên là lực lượng chủ yếu sử dụng mạng xã hội. Trong bối cảnh mới, cần có phương thức mới để đón đầu những thay đổi tất yếu của thanh thiếu niên", ông Nam nói.
Theo ông Nam, nếu nắm được cơ bản chuyển đổi số, ứng dụng vào việc học tập và công tác thì thanh niên sẽ là lực lượng nòng cốt trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần xây dựng được lực lượng cốt cán của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi có trình độ, kỹ năng tốt, có năng lực chuyển đổi số, phát huy lý luận trẻ.
"Trong công tác giáo dục, định hướng tư tưởng cần chủ động đa dạng hóa phương thức, sử dụng hiệu quả mạng xã hội, chủ động đưa thông tin đến đoàn viên thanh niên”, ông Nam nêu.
Nhìn nhận từ thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của địa phương, anh Nguyễn Thanh Hoài, Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế cho rằng việc đoàn kết tập hợp thanh niên ở cơ sở còn chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, các mô hình hoạt động của tổ chức Đoàn có tuổi thọ rất ngắn. “Chúng ta có 3 phong trào và 3 chương trình với rất nhiều mô hình sáng tạo được triển khai ở địa phương. Tuy nhiên, các mô hình này chỉ duy trì được một thời gian ngắn.
Tôi đề xuất nên định hướng xây dựng các mô hình dài hơi, nếu đã được áp dụng thành công thì có thể tiếp tục để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm cho phù hợp với thực tiễn”, anh Hoài nói.
Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, cần nâng cao hàm lượng tri thức trong các hoạt động của đoàn viên thanh niên, tránh tư duy mặc định là thanh niên đến tình nguyện chỉ làm những công việc chân tay.
“Lấy ví dụ, ở các địa bàn khu dân cư thường mặc định rằng thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường là đi nhặt rác, đi dọn vệ sinh. Thực tế, thanh niên có thể đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường ở địa phương như tổ chức các lớp tập huấn về phân loại, tái chế rác; hình thành thói quen, lối sống xanh cho người dân thông qua các dự án, chiến dịch…”, anh Hoài góp ý.
Tổ chức Đoàn phải chủ động, mạnh dạn thay đổi
Phát biểu kết luận Hội thảo, anh Bùi Quang Huy - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, nhìn nhận qua tổng kết thực tiễn, công tác giáo dục của Đoàn vẫn còn một số mặt hạn chế về công tác nắm bắt tư tưởng, công tác giáo dục đạo đức lý tưởng, thiếu niềm tin, một số bộ phận đoàn viên, thanh niên không có khát vọng, không có ý chí tự lực tự cường…
Bên cạnh đó, còn một số hạn chế như: tính chưa bền vững trong một số hoạt động, chưa đúc kết được thực tiễn thành một số vấn đề lý luận để nhân rộng, hoạt động Đoàn chưa rộng khắp, chưa gắn với các vấn đề thiết thân của thanh niên…
Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, đổi mới hoạt động Đoàn và các tổ chức thanh thiếu nhi muốn thiết thực phải gắn vào những lợi ích, vấn đề thiết thân của thanh niên; khắc phục hạn chế, phát huy mặt mạnh của thanh niên. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương thức hoạt động Đoàn trong bối cảnh hiện nay cần gắn liền với việc chuyển đổi số, bắt đầu từ cơ sở, phát huy chuyển đổi số trong sinh hoạt Đoàn, Hội.
“Thực tế, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã và đang có những sự đổi mới, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động. Lấy ví dụ từ việc livestream các hoạt động Đoàn thay vì truyền hình trực tiếp như trước đây, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp thanh niên dễ dàng tiếp cận từ bất kỳ đâu, bất kỳ nơi nào chỉ với điện thoại thông minh. Hay Đề án chuyển đổi số của T.Ư Đoàn đã giúp nắm chính xác số lượng đến các Chi đoàn trên cả nước”, anh Huy nêu ví dụ.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cũng đề nghị các Tỉnh, Thành Đoàn, các cấp bộ Đoàn chủ động trong tham mưu cho cấp ủy bởi “ở đâu tham mưu tốt, phối hợp được với các ngành thì ở đó vừa có nguồn lực, vừa thực hiện đúng nhiệm vụ mà cấp ủy quan tâm”.
“Sau hội thảo này, các Tỉnh, Thành Đoàn phải rà soát lại những vấn đề trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Trong những nội dung, phương thức hoạt động, chỗ nào còn “tắc”, cần thay đổi và hướng thay đổi như thế nào thì phải báo cáo với T.Ư; phải chủ động, mạnh dạn đề xuất để cải tiến phương thức hoạt động của Đoàn và các tổ chức thanh niên theo hướng thiết thực, có chất lượng”.
- Anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn -