Hết ngày hồi nào không hay

TP - Đã hơn một năm nay, gia đình tôi tổ chức bày bán cà phê sáng trong vườn nhà. Chỉ là cà phê giá bình dân. Không đầu tư chi phí nhiều, mục đích buổi sáng kiếm ít đồng lời, đủ tiền đi chợ cho buổi chiều ngày hôm đó.
Minh họa: Đỗ Đức
Minh họa: Đỗ Đức.

Tay làm nhẹ, nên hàm cũng nhai nhẹ. Thế thôi. Và sau nữa, cũng để có công việc làm, tránh nhàn cư vi bất thiện. Già rồi, biết không thể nào “vi bất thiện” được, nhưng cũng cứ phải đề phòng vẫn hơn.

Công việc không nặng nhọc gì mấy, chỉ cần siêng năng dậy sớm nấu nước, chặt đá, rửa ly... nên thích hợp với tuổi già. Khách thời gian đầu chủ yếu là bạn hữu, sau có thêm khách mới. Đến ngày hôm nay thì thao tác đã nhuần nhuyễn, tiến triển ổn định.

Cứ thế thành nề nếp. Không nghỉ ngày nào. Cần cù, siêng năng như con ong, cái kiến. Công việc cứ nhạt phèo, vậy mà cũng thấy có hạnh phúc lảng vảng chút ít trong không khí.

Một ông khách uống cà phê đen không đường (tôi phục ông này, không đường thì đắng lắm, thế mà thấy ngon, còn chép cái miệng nữa), hỏi tôi: “Sao bác không thuê người giúp việc? Râu dài thế mà còn bưng cà phê làm gì?”. Tôi trả lời: “Nếu thuê người thì có cạp đất mà ăn”. Ông khách cười ý nhị, không hỏi nữa.

Tôi lại lo bưng cà phê, lo châm trà bổ sung. Cả buổi sáng phụ bà vợ bán, trí óc không nghĩ ngợi gì nên thảnh thơi, chân cẳng đi qua đi lại suốt, cái bụng xẹp xuống không còn to nữa, hai đầu gối cũng bớt nhức. Kiếm được ít đồng mà lại lợi cho sức khoẻ. Con cái tuy ở xa nhưng khi biết vậy, chúng hoan nghênh dữ lắm.

Vì chỉ là quán cà phê cóc nên không có tên bảng hiệu. Khách gọi điện thoại mời bạn cứ lúng ta lúng túng lo chỉ đường và lo đặt tên. Nào kêu tên quán cà phê “cây mít”, “cây mận”, nào cà phê “ba râu”, “không có tên” v.v...Nhưng khi đến được một lần thì người ta nhớ, nên nay có đặt tên cho nó cũng vô ích. Thôi cứ để vô danh lại hay. Nhờ vô danh nên mới có được nhiều cái danh không ngờ.

Với tư cách chủ quán, tôi lo phục vụ. Câu chuyện của khách bàn luận tôi không bao giờ sà vào tham dự làm chi. Tuy ở chỗ đông người mà tôi vẫn cứ ít nói. Về sau tôi mới biết điều này là tốt, do một ông khách nói ra. Ông khen: “Anh là ông chủ quán hay nhất”.

“Hay cái gì?” “Tuy tuổi cao râu trắng nhưng lại ít nói”. Tôi cười: “Tôi có giỏi giang gì đâu mà dám nói nhiều”. Ông khách cũng cười: “Thế là giỏi hơn cả giỏi giang rồi còn gì nữa. Làm chủ được cái miệng là đệ nhất bản lĩnh rồi còn gì”. Tôi biết ít nói là tốt nên càng ít nói hơn. Sẽ đến một ngày nào đó, chắc tôi câm như hến để đạt được mức tốt nhất.

Xao xác nhộn nhịp đến khoảng 10 giờ sáng là hết khách. Bà vợ lo rửa ly chén, phin phọt, còn tôi lo dọn bàn ghế, dù lọng. Xong lại cơm nước và đánh một giấc trưa trên chiếc võng dưới vòm mát cây mận, không chiêm bao mộng mị nào dám lại gần.

Buổi chiều tôi đủng đỉnh viết văn. Bà vợ lo quét vườn tược. Tôi ôm bàn phím, bà ôm chổi chà. Và thế là hết ngày hồi nào không hay. Cơm chiều xong, đêm đến lại ngủ, sáng ra cứ chương trình cũ lặp lại. Và rồi... lại cũng hết ngày hồi nào không hay.

Theo Báo giấy