Hé mở hai hầm tuyệt mật ở Hoàng thành Thăng Long

TP - Hai căn hầm ở Hoàng Thành từng là nơi dịch mật mã, chuyển lệnh của Bộ Tổng tham mưu trong nhiều năm kháng chiến chống Mỹ sẽ sớm được đưa vào khai thác, phục vụ du khách.  
Một góc hầm đang chờ khôi phục. Ảnh: Nguyên Khánh

Hai căn hầm tuyệt mật

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội mời một số nhà khoa học, đại diện của quân đội và đặc biệt các nhân chứng từng làm việc dưới hai căn hầm tới để trao đổi về hai căn hầm 59 và hầm 66 tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tên gọi hầm là do Trung tâm tạm đặt theo năm xây dựng. Đại tá Đặng Phan Thái, một kỹ sư thiết kế hầm T1 khẳng định trong khu di sản Hoàng thành có ba căn hầm chính là hầm D67 hiện đón khách, thềm hầm T1 và hầm 69A, ngoài ra còn nhiều hầm khác nhỏ hơn cũng như các hầm cá nhân tránh bom dày đặc trong thành. 

Căn hầm 59 là văn phòng giúp việc Bộ Tổng tham mưu, hầm 66: nơi bộ phận cơ yếu mã dịch, chuyển mã cho hàng nghìn bức điện của Bộ Tổng tư lệnh gửi tới khắp các chiến trường. 

Nhân chứng thăm lại căn hầm xưa. Ảnh: Nguyên Khánh

Đại tá Đào Công Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Cơ yếu của Bộ Tổng tham mưu khi đánh giá lại vai trò và hoạt động của Cục Cơ yếu tại cơ quan Tổng hành dinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không quên nhắc về căn hầm cơ yếu được sử dụng khi máy bay Mỹ ném bom Hà Nội. Hầm có độ sâu 4-5m, hai ngăn mỗi ngăn chừng 5m2 trang bị hệ thống thắp sáng, điện ngầm phục vụ hoạt động mã dịch. Năm 1972 là đỉnh điểm cuộc đấu trí với Mỹ, số bức điện tăng đột biến, trước đó ca trực còn được mắc màn tại bàn ngủ khoảng 1 tiếng thì thời điểm này gần như không được ngơi nghỉ. 

Trung tá Bùi Thị Nghiên nhớ lại: 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, bà được phân công làm việc dưới căn hầm Văn phòng Bộ Quốc phòng (hầm 59). Đây là nơi làm việc của bộ phận đánh máy, in tài liệu của Bộ Quốc phòng- Bộ Tổng Tham mưu, đánh máy công văn, chỉ thị, mệnh lệnh, quyết định của các Bộ gửi chiến trường. Trong chiến dịch này chỉ mình bà Nghiên là nhân viên đánh máy nên rất vất vả, có lúc ngủ gục trên bàn, trong mơ còn mơ màng nghe tiếng cấp trên bảo “để cho cô ấy ngủ một lúc”. Hầm có ba lối, nhân viên chủ yếu xuống ở lối sân Rồng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Khôi, nguyên cán bộ Cục Cơ yếu, Bộ Tổng tham mưu kể, trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, phòng mã dịch chuyển xuống hầm hoạt động bởi B52 gầm rú suốt ngày. Căn hầm chưa đầy 20m2, ban đêm thường 12-15 người ở dưới hầm, sinh hoạt tại chỗ. Tình hình điện đến, điện đi tăng nhiều nên gần như mỗi ca trực tới 12 tiếng căng như dây đàn. “Tôi nhớ có đêm chị Lý nằm dưới gầm bàn chửi: Thằng Hiệu, mày thò cả cẳng vào mặt tao rồi đây này. Còn ở ngăn hầm bên kia ba người chúng tôi nằm tráo đầu đuôi trong cái phản gỗ nhỏ”, ông Khôi nhớ lại. 

“Giải mật” thế nào

Chủ trì toạ đàm cùng PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam gợi mở loạt việc cần làm: Dựng lại thiết kế ban đầu, thẩm định hồ sơ kỹ càng từ tên gọi gốc, trả lại bày biện gốc của từng căn hầm. “Nguyên tắc bảo tàng là chỉ bày hiện vật thật, Trung tâm cần quan tâm sưu tầm hiện vật gốc đặt vào”, PGS.TS Cường nói. Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói rằng khi di tích có rồi cần lưu ý tới những mẩu chuyện cá nhân sinh động để thu hút người xem. 

Ông Nguyễn Chiến, nguyên trưởng Ban Cơ yếu Trung ương (Ban Cơ yếu Chính phủ) hơi buồn khi thăm lại căn hầm xưa bởi “phần hồn không còn gì”. “Với công nghệ hiện nay, đặc biệt công nghệ 3D chúng ta có thể tái hiện, mô phỏng lại tổng thể căn hầm”, ông nói. Một nhân chứng từng hoạt động tại Tổng hành dinh cũng chung tâm trạng, theo ông Hoàng thành đáng lẽ phải đông như hội. Đưa các hầm bí mật này vào khai thác cũng là cách để hút du khách. Ông cho rằng hoàn toàn có thể phục dựng nguyên trạng, để khách tham quan hình dung vai trò thông tin ngày xưa “chạy” như thế nào. Nhân chứng Nguyễn Văn Song, nguyên cán bộ Cục Cơ yếu đề xuất nghiên cứu lại công năng của hầm 66, đồng thời chú ý tới các hầm cá nhân với vai trò bảo vệ con người trong thời cam go.

Thạc sỹ Phạm Kim Ngân và PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hoá) mổ xẻ bốn giá trị nổi bật của hầm ngầm ở Hoàng thành: Bằng chứng lịch sử quan trọng, ẩn chứa nhiều thông tin, nhất là có giá trị của di sản ký ức và di sản phi vật thể, hầm có giá trị gây hiếu kỳ, tò mò và hầm là môi trường trải nghiệm thú vị. So sánh với một loạt hầm nổi tiếng như hầm của Hittler ở Berlin, Stalin ở Matxcơva, Churchill ở London và hệ thống hầm nổi tiếng của Việt Nam như hầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hầm De Castries, địa đạo Củ Chi, bà Ngân cho rằng hai căn hầm mới ở Hoàng thành hoàn toàn có thể trở thành điểm tham quan hấp dẫn.

Giải pháp đưa hai căn hầm đang xuống cấp thành điểm tham quan hút khách hiện trong tầm tay: Trung tâm cần khôi phục lại căn hầm một cách trung thực nhất, bày biện nội thất sinh động với hệ thống hiện vật đi kèm, kết hợp với những câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử được ghi âm lại. Một số nhân chứng lịch sử khẳng định còn nhiều bức điện quý có thể trở thành hiện vật trưng bày, trông cậy vào sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu.

Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội kể, khi mới phát hiện, hai căn hầm này trong tình trạng ngập nước, đầy rắn rết, hiện vật liên quan tới công việc mã dịch không còn. Trung tâm mong hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để có căn cứ phục hồi nguyên trạng hai căn hầm. Hệ thống cơ sở vật chất của thời đại Hồ Chí Minh gắn liền với di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, vì thế không thể làm ngơ giá trị của những công trình ấy, TS Trần Việt Anh nói. Lãnh đạo Trung tâm xác định tiếp tục lấy ý kiến, tư liệu để làm rõ hơn giá trị của hệ thống công trình xây dựng từ 1955 về sau.