Hé lộ tình tiết mới vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh

Liên quan đến vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, qua quá trình đấu tranh, các đối tượng đã khai ra một số tình tiết không giống như lời khai ban đầu.
Cầu Ghềnh đổ sập.

Được biết, ngay khi vụ tai nạn có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, trong lúc các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang làm việc tại hiện trường cầu Ghềnh thì lúc này Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cử hàng chục trinh sát thuộc Phòng cảnh sát hình sự công an tỉnh và Công an TP. Biên Hòa chia ra nhiều nhóm để truy tìm các tài công đã bỏ trốn.

Khó khăn truy tìm thủ phạm

Một cán bộ điều tra cho biết, khi đến hiện trường thì chỉ thấy cây cầu Ghềnh sập xuống sông, chiếc sà lan bị lật úp, không tìm thấy tàu kéo vì đã bị chìm nên các điều tra viên gặp khó khăn để truy tìm nguồn gốc chủ sở hữu của phương tiện.

Không còn cách nào khác, các trinh sát được cấp trên giao nhiệm vụ đi tìm nhân chứng là những người dân sống tại khu vực hai bên đầu cầu Ghềnh.

Đi hỏi từng người một suốt gần 2 giờ nhưng lực lượng trinh sát vẫn không tìm ra được nguồn tin nào có giá trị. Đến lúc này, lực lượng điều tra nhận lệnh từ cấp trên chỉ đạo rà soát, tìm kiếm ở khu vực có hệ thống camera nào của người dân, biết đâu sẽ ghi được hình ảnh đáng giá.

Qua làm việc với hàng chục người dân tại phường Bửu Hòa, có khoảng hơn 10 đầu ghi camera đã được trích xuất kiểm tra hình ảnh. Đến cuối giờ chiều cùng ngày thì các trinh sát vui mừng phát hiện chiếc camera của một hộ dân nằm ven đường ghi lại hình ảnh hai thanh niên trong bộ dạng áo quần ướt sũng, ngồi trên xe máy do một người hành nghề xe ôm điều khiển.

Phân tích hình ảnh các đối tượng cũng như người hành nghề chạy xe ôm, tiến hành xác minh thì được biết bác tài chạy xe ôm là người dân địa phương.

Qua làm việc, người chạy xe ôm cho hay vào buổi trưa ông có chở hai thanh niên nói giọng miền Tây ra bến xe Biên Hòa.

Từ hình ảnh này do camera ghi lại được, công an đã xác định được các đối tượng để truy bắt.

Kết hợp những biện pháp nghiệp vụ điều tra và tiến hành nhận dạng hình ảnh từ camera ghi được, đến tối cùng ngày, cơ quan điều tra đã xác định được lai lịch của hai người thuê xe ôm là Trần Văn Giang (36 tuổi, quê ấp Cổ Cò, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) và Nguyễn Văn Lẹ (SN 1988, ấp Bình Thạnh A, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu), cả hai đang trên đường bỏ trốn về miền Tây bằng xe khách.

Khi đã xác định được đối tượng, Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã cử nhóm công tác đặc biệt về Sóc Trăng và Bạc Liêu đón đầu đối tượng. Tuy nhiên, suốt đêm Giang và Lẹ không về nhà với gia đình.

Trong lúc các trinh sát đang mai phục thì rạng sáng 21-3, cả hai tìm đến Công an xã Ngọc Tố đầu thú. Khoảng 3 giờ sau, lực lượng cảnh sát cũng đã bắt được ông Phan Thế Thượng (SN 1953, ngụ đường Lê Hồng Phong, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng; chủ tàu kéo sà lan, tài công chính).

Tài công bất lực nhìn cầu sập, mượn 1 triệu đồng thuê xe ôm bỏ trốn

Theo kết quả điều tra ban đầu, vào chiều 17-3, ông Thượng cùng với Giang và Lẹ điều khiển tàu mang số hiệu SG-3745 đẩy sà lan SG-5984 đến lấy cát tại địa bàn tỉnh Trà Vinh. Số lượng cát chở trên sà lan khoảng 800 tấn.

Lẹ khai đã làm việc cho ông Thượng khoảng 1 tháng, hàng ngày ông Thượng và Giang là người lái tàu, Lẹ chỉ đi theo phụ.

Ông Phan Thế Thượng đã nhắn tin cho Giang và Lẹ chỉ cho cách khai báo gian dối với công an.

Sau khi lấy cát đầy, sà lan khởi hành. Đến 23 giờ đêm cùng ngày đến địa bàn tỉnh Bến Tre, do đêm khuya nên mọi người neo tàu ngủ chờ sáng hôm sau đi tiếp.

Đến khoảng 9h ngày 19/3, đến địa phận tỉnh Long An thì lúc này ông Thượng nói do có việc riêng phải lên bờ, giao tàu cho Giang tiếp tục điều khiển. Trên đường đi ngang địa bàn quận 9, TP.HCM, ông Thượng gọi điện cho Giang dặn dò khi nào đến cầu Hóa An gọi cho ông biết.

Lúc đi ngang quận 9 thì trời tối nên Giang, Lẹ neo đậu tàu ngủ qua đêm. Đến sáng 20/3, Lẹ xuống tháo dây neo để Giang điều khiển tàu đẩy sà lan về Đồng Nai.

Trong lúc Giang đang điều khiển đầu kéo đến cầu Ghềnh thì gặp nước chảy siết, phát hiện sà lan lấn về hướng mố cầu nên Giang bảo Lẹ nhảy sang sà lan cột dây để kéo sà lan chậm lại nhưng không được.

Lúc này Giang chọn phương án nhấn ga thật mạnh để sà lan lọt qua. Nhưng do ép máy, nạp ga lớn nên bị nghẹt lược dầu, tàu tắt máy. Trước tình huống nguy cấp này, Giang bảo Lẹ mở dây tàu để thoát.

Tài công bất lực nhìn cầu sập, mượn 1 triệu đồng thuê xe ôm bỏ trốn.

Lẹ mở được một dây buột, định mở dây thứ 2 thì sà lan bị nước đẩy đâm trúng mố cầu làm cầu sập xuống. Cả hai rơi xuống sông kêu cứu thì được hai người dân thả lưới cá ở gần đó chạy xuồng đến vớt cả hai đưa vào bờ. Giang và Lẹ đi bộ đến một vựa cát ở gần đó mượn 1 triệu đồng rồi thuê xe ôm rời khỏi hiện trường trốn về quê.

Tuy nhiên, ban đầu Giang và Lẹ khai nhận như trên, nhưng qua 3 ngày đấu tranh làm rõ các tình tiết xảy ra trong vụ tai nạn thì hai đối tượng khai, trong lúc bỏ trốn đã báo tin cho ông Thượng biết sự việc.

Ông Thương sử dụng điện thoại nhắn tin cho Giang và Lẹ khuyên nên ra đầu thú và chỉ cho cách khai với công an là “tàu bị tắt máy không điều khiển được”.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục làm rõ để tiến hành khởi tố các bị can.

Theo Theo Công An TP.HCM