Hãy bán sản phẩm hoàn chỉnh

TP - Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến (ảnh-Trung tâm sản xuất phim truyền hình- Đài THVN), tác giả kịch bản các phim "Chuyện làng Nhô, Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình..." cho rằng có một cách để phim truyền hình thoát khỏi tình cảnh bị khán giả chê trách, và nơi này đổ lỗi cho nơi kia như hiện nay.
Kim Hiền trong phim “Anh chàng vượt thời gian”. Chị kể trên báo rằng “Điều tôi lấy làm lạ là phim này không hề có đạo diễn”

> Phim truyền hình bị 'giết' như thế nào?

Kim Hiền trong phim “Anh chàng vượt thời gian”. Chị kể trên báo rằng “Điều tôi lấy làm lạ là phim này không hề có đạo diễn”.
 

Anh có đồng tình với nhà phê bình điện ảnh Đoàn Minh Tuấn về ba đối tượng “giết” phim truyền hình, đó là: Nhà đài- kẻ chủ mưu giấu mặt; nhà sản xuất- nạn nhân kiêm thủ phạm, còn nghệ sĩ là kẻ tòng phạm?

Anh Tuấn viết thì đúng dù có hơi sát ván. Tôi có quen anh Tuấn, nếu gặp tôi sẽ đùa “Ông cũng là nhà biên kịch, ông cũng liều liệu đấy”.

Phim truyền hình quá kém, khán giả kêu ca là đúng. Từng có lúc dư luận lên tiếng nhưng chỉ nhỏ lẻ không thành trào lưu như lần này.

Theo anh một bộ phim dở, đầu tiên lỗi ở ai?

Phim truyền hình là phim của kịch bản. Trong điện ảnh người ta tính cho kịch bản 30%, nhưng một kịch bản tốt phải quyết định đến 70% thành công của một bộ phim truyền hình. Diễn viên dù có nghề hay không, khi đã có kịch bản tốt thì có chỗ cho người ta bám vào.

Phim truyền hình ở tình trạng như hiện nay là do bộ phận nào cũng đòi nắm đằng chuôi- từ nhà đài đến nhà sản xuất. Với chủ trương Việt hóa phim phát sóng truyền hình, tần suất phủ sóng quá lớn nên tốc độ làm phim phải nhanh, mà nhân tài thì quá thiếu.

Anh có thể nói rõ hơn?

Xã hội hóa trong ngành sản xuất phim khiến bung ra các đơn vị tư nhân. Các nhà sản xuất tư nhân này lựa chọn những đề tài an toàn, tránh vấn đề nóng, nổi cộm. Nên phim xã hội hóa chỉ có một dòng giải trí. Số lượng lớn như thế mà tiêu chí như thế thì phim hay rõ ràng phải ít.

Mảng chính luận do các hãng nhà nước làm, vì họ vừa có thương hiệu vừa có pháp nhân vừa có sóng. Ví dụ Bí thư tỉnh ủy, nếu là nhà sản xuất tư nhân thì không ai dám làm. Họ có thể làm phim lịch sử nhưng chính luận, gai góc, khó thì không. Về dòng phim chính luận của hãng nhà nước, vẫn có thể làm tốt hơn. Muốn vậy nhà nước phải định hướng. Thì sự định hướng hiện nay là ít. Phim tư nhân thì chả được định hướng gì cả.

Người làm nghề đều hoan nghênh việc xã hội hóa ngành làm phim. Có điều kiện huy động mọi nguồn lực thì tốt quá. Ngày nay không có nhân tài ẩn dật, mà chỉ là quá thiếu tài thôi. Thiếu ở tất cả các khâu: Biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất. Tiền không thiếu.

Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến .
 

Là nhà biên kịch lâu năm ở VFC, anh có thể cho biết quy trình duyệt phim hiện diễn ra như thế nào?

Quy trình duyệt phim hiện tiến hành như sau: Một nhà sản xuất định book (đặt) sóng, sẽ nộp một hồ sơ bao gồm kịch bản và những tập phim mẫu- khoảng 5 đến 10 tập. Nhà đài đọc, kiểm soát đề cương mẫu này, đồng ý thì ký cho họ sản xuất.

Sau khi phim xong thì có bộ phận nghiệm thu. Một khi phim đã làm thì kiểu gì cũng nghiệm thu, kiểu gì cũng được phát sóng. Chỉ trừ trường hợp có vấn đề như Đường tới thành Thăng Long thì mới không cho phát.

Một người viết bình thường cũng có thể viết được bản đề cương rất hay. Nhưng để thực hiện bộ kịch bản vài chục tập lại là vấn đề khác. Vài chục tập đó thành phim lại là vấn đề khác nữa: Chọn đạo diễn thế nào, diễn viên ra sao. Có chọn được diễn viên có nghề hay chỉ là người đẹp người mẫu, với lý do “tìm gương mặt mới, lạ” nhưng thực chất là ăn xổi.

Có cách gì để không tiếp tục dẫn đến những sản phẩm khiến người xem bức xúc và người trong cuộc thì đổ lỗi cho nhau, thưa anh?

Như tôi đã nói, hiện ai cũng nắm đằng chuôi. Trong một dây chuyền làm phim, may ra chỉ có ông viết kịch bản là nắm đằng lưỡi, phải đổ công sức ngay từ đầu và chịu trách nhiệm về công việc của mình.

Tôi nghĩ, sao ta không tạo ra một cơ chế rất giản dị: Hãy tự sản xuất, và hãy bán sản phẩm hoàn chỉnh cho tôi! (tức là nhà đài). Hãy như các ca sĩ nhạc sĩ- tự làm album rồi bán. Nếu anh thực là nhà sản xuất có đầy đủ điều kiện, không phải là “tay không bắt giặc” thì sao không làm đi: Tự bỏ vốn, tự mua kịch bản, chọn đạo diễn, và nếu có tiền thì đầu tư máy móc.

Anh muốn làm ba chục tập hay ba trăm tập, muốn làm phim lịch sử, đương đại- tuỳ thích. Sản phẩm của anh khi đã hoàn thành, đạt được tiêu chí của nhà đài, thì đài mua. Giá cao, giá thấp tùy chất lượng. Đỡ phải tranh cãi, đổ lỗi cho nhà đài.

Nếu làm theo cơ chế này, phim không hay đài không mua. Khỏi lo phim hay không bán được. Còn nếu phim anh hay mà không đài nào chịu mua hoặc có sự không công bằng của các đài thì lập hội đồng duyệt phim- kinh phí duyệt trích từ đấy ra. Cục Điện ảnh đâu sao không vào cuộc đi, lập một hội đồng duyệt phim trong đó có cả đại diện khán giả.

Khi phải lo lắng đầu vào như thế, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình như thế thì chả còn vấn đề gì nữa và cũng không ai dại gì vứt tiền qua cửa sổ.

Có dư luận rằng một số đại gia thường xuyên mua sóng giờ Vàng để rồi bán lại? Dư luận nữa, nghi ngờ việc một số công ty lớn chưa quen làm phim, đổ tiền làm những phim bị chê nhưng vẫn tiếp tục, khác nào hành động rửa tiền?

Tôi có thể khẳng định làm phim rất lãi, nên không có chuyện rửa tiền. Hãng tư nhân làm gì phải nuôi ai, tất cả các khâu đều là đi thuê, thì làm sao lỗ được. Nên mới đông người làm phim đến thế.

Phi Tiến Sơn đạo diễn phim Xin thề anh nói thật và bà Mai Thu Huyền Giám đốc FPT media (đơn vị sản xuất phim này) có ý cho rằng dư luận không công bằng với sản phẩm của họ.

Tôi nghĩ có thể gu của anh Sơn hay chị Huyền khác với các khán giả chê trách đó, họ cho phim như thế là hay. Ở địa vị tôi, tôi sẽ im lặng không phản ứng. Vì nếu trong 10 ý kiến chỉ có một ý kiến công bằng thì mình cũng phải lắng nghe.

Theo Báo giấy