Hầu hết SV Úc làm thêm khi còn đi học

TP - Nikki, bạn trẻ đến từ Úc, tham gia nhóm tư vấn đặc biệt mang tên Hội Nhập tiếp tục chia sẻ với độc giả về lối sống của người trẻ tại nước này.
Nikki


Được biết giới trẻ Úc tự lập từ rất sớm. Bạn có thể nói rõ hơn về vấn đề này? (Nguyễn Nga-
nganguyen...@gmail.com)

Nikki: Đa phần sinh viên (SV) ở Úc đều đi làm thêm. Không phải đến khi tốt nghiệp đại học họ mới đi làm. 16 tuổi họ đã có thể tự đi làm. Công việc thường là giao bánh mì, làm việc trong các trang trại, nhưng đông nhất có lẽ là làm bồi bàn. Trung bình họ được trả 10 -14 đô la Úc cho một giờ làm việc. Mức thu nhập ấy với một SV là tạm đủ.

Nhưng có một điều đặc biệt, nếu bạn làm cho người châu Á thì lương ít hơn, nhưng bạn sẽ được nhận tiền mặt và không phải đóng thuế. Còn nếu bạn làm cho những người gốc châu Âu thì họ sẽ trả tiền qua thẻ và bạn sẽ bị trừ tiền thuế thu nhập cá nhân.

Bằng cấp rất quan trọng

Có phải ở Úc các Cty chỉ chú trọng năng lực còn bằng cấp không quan trọng lắm? (chieukhongem...@yahoo.com)

Nikki: Không hẳn vậy. Dù ở đâu thì vấn đề bằng cấp và điểm số vẫn rất quan trọng đối với mỗi SV khi ra trường đi tìm việc. Để kiếm được việc làm tốt, bạn cần có một bảng điểm với những điểm số tốt và kèm theo một số chứng chỉ cần thiết như chứng chỉ nghề, ngoại ngữ…

Tìm việc ở Úc có khó không? (Nguyễn Minh Anh Dịch Vọng- Cầu Giấy - Hà Nội)

Nikki: Ở Úc, tìm việc khó hay dễ còn phụ thuộc vào nhiều thời điểm. Nhưng gần đây, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế nên xin việc rất khó và còn tuỳ thuộc từng ngành. Ngành công nghệ thông tin, kỹ sư, bác sĩ thì hiếm khi thiếu việc. Những ngành kinh tế và giao thông vận tải rất khó có việc làm tốt.

Giới trẻ Úc có xu hướng tích lũy tiền không hay là làm đến đâu tiêu đến đó? (Giacmotrua...@yahoo.com.vn)

Nikki: Điều này còn phụ thuộc vào người Úc đó đến từ đâu vì Úc là đất nước của những người nhập cư. Nếu có nguồn gốc từ những gia đình Trung Hoa, Singapore, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản…, họ có thói quen tích lũy tiền lương để lo cho cuộc sống sau này. Với người xuất thân từ những gia đình phương Tây, họ có tích lũy tiền nhưng họ chi tiêu thoải mái hơn người châu Á.

Có địa phương cấm trẻ dưới 13 tuổi ôm nhau

Nghe nói các bậc phụ huynh ở Úc rất thoải mái trong việc con cái họ yêu đương. Điều đó đúng cả với con cái họ đang ở tuổi vị thành niên? (Dothilamhang...@gmail.com)

Nikki: Họ sẽ hướng dẫn con cái việc nên và không nên làm. Tuy nhiên, có một địa phương ở Úc cấm trẻ em dưới 13 tuổi ôm nhau. Nếu ôm nhau sẽ bị trường kỷ luật. Họ cho rằng những quy định khắt khe này dành cho học sinh lớp 6, lớp 7, đối tượng được xem là tấm gương cho các em khóa dưới. Lệnh cấm này đã từng được áp dụng ở Mỹ. Việc này duy trì tính nghiêm túc trong môi trường sư phạm

Phụ huynh định hướng, con tự do yêu

Chuyện quan hệ tình dục hay là vấn đề sống thử của người trẻ nước bạn thế nào? (boyvotinh...@yahoo.com)

Nikki: Sống thử phổ biến ở Úc. Các bạn trẻ thường sống chung sau 6 tháng hoặc 1 năm yêu nhau. Sau đó họ mới quyết định có lấy nhau hay không. Họ quan niệm, sống thử với nhau sẽ hiểu nhau rõ hơn trước khi đăng ký kết hôn. Một lý do nữa đó là họ ngại các thủ tục pháp lý sau khi ly hôn như phân chia tài sản, con cái.

Trần Long (Thực hiện)

Kỳ tới, bạn gái Hannah, người Mỹ, hiện là biên tập viên Nhà xuất bản Thế Giới, sẽ trò chuyện cùng  bạn trẻ Việt Nam về tình yêu, lối sống, việc làm...của thanh niên Mỹ. Hãy đặt câu hỏi cho Hannah qua thegioitre@tienphong.vn