Hành trình từ thuyền gỗ tới tàu Kilo của Hải quân Việt Nam

Từ 2 thủy đội với 14 thuyền gỗ gắn máy, lực lượng hải quân đã phát triển trở thành một quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam có đủ 5 thành phần với trang thiết bị hiện đại, trong đó có tàu ngầm Kilo.

Ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ biển gồm 2 thủy đội Sông Lô (9 thuyền gỗ gắn máy), Bạch Đằng (5 thuyền gỗ gắn máy) và 20 canô chiến đấu. Dù lực lượng nhỏ bé, nhưng Cục Phòng thủ bờ biển vẫn thường xuyên tuần tra, làm chủ vùng biển Đông Bắc.

Ngày 24/1/1964, Cục Hải quân được thành lập trên cơ sở Cục Phòng thủ bờ biển, có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Quốc phòng xây dựng, chỉ huy lực lượng, quản lý quân cảng, bảo vệ hải phận miền Bắc. Binh chủng tàu chiến gồm gần 100 chiếc; hệ thống quan sát, trinh sát mặt biển, sơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật, bến cảng trú đậu... cũng được xây dựng. 

Để bảo đảm cho Hải quân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, leo thang đánh phá miền Bắc, ngày 3/1/1964, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ đây Hải quân trở thành một quân chủng của Quân đội Việt Nam.

Đường Hồ Chí Minh trên biển

Sau 9 năm phát triển, lực lượng Hải quân đã tham gia nhiều trận đánh như đuổi tàu khu trục Maddox của Mỹ; hiệp đồng với các lực lượng phòng không và quân dân các địa phương ven biển miền Bắc bắn rơi máy bay, bắt sống phi công, lập chiến công đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964. 

Hai lần đánh thắng chiến tranh phá hoại, bộ đội Hải quân còn đánh bại chiến tranh phong tỏa sông biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường của Mỹ, đảm bảo thông luồng lạch cho tàu vận tải, tàu chiến đấu.

Bộ đội Hải quân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ ngày 5/8/1964. Ảnh tư liệu.

Để chi viện cho chiến trường miền Nam, con đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời. Lực lượng hải quân làm nhiệm vụ trên đoàn tàu không số đã nhiều lần vượt qua phòng tuyến bao vây, phong tỏa, vận chuyển nhân lực, khí tài chi viện cho miền Nam.

Trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà, đặc công Hải quân đã đánh chìm, đánh hỏng, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, góp phần triệt phá các căn cứ hậu cần và hệ thống giao thông thủy bộ, tạo thế bao vây quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Hải quân đã huy động lực lượng tàu thuyền và gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ vận chuyển pháo, xe tăng, vũ khí các loại từ miền Bắc vào miền Nam; dùng tàu chiến thả thủy lôi ở cửa biển Thuận An, bán đảo Sơn Trà chặn đường rút của đối phương; tạo điều kiện cho các đơn vị bộ binh giải phóng các tỉnh, thành phố ven biển và tiến vào Sài Gòn.

Đặc biệt, Hải quân đã phối hợp, hiệp đồng với Quân khu V, bất ngờ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa.

Phát triển thành 5 vùng duyên hải

Đất nước thống nhất, các khu tuần phòng của Hải quân đã được phát triển lên thành 5 vùng duyên hải phân chia theo lãnh thổ, có đủ lực lượng trên bờ, dưới nước. 

Bộ tư lệnh vùng 1 Hải quân bảo vệ vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh và các đảo trong vịnh Bắc Bộ; Vùng 2 từ Nam Bình Thuận đến Bạc Liêu và thềm lục địa phía Nam; Vùng 3 từ Quảng Bình đến Bình Định, trong đó có các đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, quần đảo Hoàng Sa; Vùng 4 gồm quần đảo Trường Sa, đảo Phú Quý, biển Đông và vùng biển phía nam miền Trung, từ Phú Yên đến Bắc Bình Thuận; Vùng 5 quản lý và bảo vệ vùng biển Nam biển Đông và vịnh Thái Lan thuộc vùng biển hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.

Tàu ngầm Thành phố Hồ Chí Minh tại cảng Cam Ranh hồi tháng 3. Ảnh: Phong Nghị/ Vnexpress

Quá trình phát triển lực lượng, một số hạm đội (171), lữ đoàn tàu cơ động chiến đấu (127, 161, 170, 172), hải quân đánh bộ (126, 147), phòng thủ đảo (952), không quân hải quân (954), đoàn tên lửa bờ (679)… được thành lập. 

Năm 1978, khi chủ quyền biên giới, biển đảo Tây Nam bị lính Pol Pot xâm phạm, bộ đội Hải quân đã hiệp đồng chiến đấu với các quân binh chủng, bảo vệ toàn vẹn vùng biển, đảo của tổ quốc.

Những năm đầu đổi mới, trong khi cả nước đang nỗ lực phát triển kinh tế, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng thì chủ quyền biển, đảo của tổ quốc lại bị đe dọa nghiêm trọng. Trung Quốc huy động lực lượng, phương tiện áp đảo đánh chiếm trái phép các đảo, bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa. Chiến dịch bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa (CQ-88) được thiết lập.

Mặc dù chỉ có lực lượng tàu vận tải, lực lượng công binh với vũ khí bộ binh, nhưng bộ đội Hải quân đã bám trụ, bảo vệ đảo, đồng thời kiềm chế không để xung đột lan rộng.

Tiến lên hiện đại

Thế kỷ 21 là “Thế kỷ của biển và đại dương” khi khai thác biển đã trở thành vấn đề quan trọng, mang tính chiến lược của hầu hết quốc gia trên thế giới. Vì vậy, tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa  gia tăng. Khu vực biển Đông tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ khó lường, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, an ninh và lợi ích của đất nước.

Năm 2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời triển khai trái phép hàng loạt dự án cải tạo, phong nền mở rộng các đảo nhân tạo ở hai quần đảo của Việt Nam là Trường Sa và Hoàng Sa... nhằm kiểm soát, tiến tới độc chiếm biển Đông.

Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến cho biết, thực tiễn đang đặt ra cho Quân chủng Hải quân trách nhiệm nặng nề là vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo. Quân chủng được xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Từ năm 2010, Hải quân được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, đến nay đã có đủ 5 thành phần lực lượng: Tàu mặt nước, tàu ngầm; Pháo binh - Tên lửa bờ; Không quân Hải quân; Hải quân đánh bộ, Đặc công Hải quân và lực lượng Phòng thủ đảo.

Theo Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, thế trận liên hoàn bờ - biển - đảo được thiết lập, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo từ gần đến xa của tổ quốc. Bộ đội Hải quân tham gia bảo vệ các hoạt động kinh tế biển như khảo sát, thăm dò, khai thác dầu khí; hỗ trợ dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân.

Thực hiện đề án 1942 về hiện đại hóa Hải quân, nhanh chóng làm chủ vũ khí khí tài, tiếp tục đầu tư mua sắm vũ khí trang bị hiện đại, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận thêm 3 tàu Kilo (tàu ngầm diesel-điện thuộc thế hệ tàu ngầm thứ ba của Nga, được thiết kế với mục đích chống ngầm và chống hạm, bảo vệ các cơ sở hải quân, các tổ hợp quân sự gần bờ); Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tuyên truyền, đấu tranh trên biển; hiện đại các căn cứ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật... phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền và ngư dân.

Theo Theo Vnexpress