Đã gần 20 năm trôi qua sau cái ngày định mệnh cay nghiệt, dù những vết sẹo vẫn còn nhưng nụ cười tươi tắn đã trở lại trên gương mặt chị Lê Thị Kim Tiến, chủ một cửa hàng rèm ở Cầu Giấy, Hà Nội.
Những lúc công việc đỡ bận rộn chị lại cất tiếng hát, một giọng hát trong trẻo, ấm áp. Chị kể, 2 vợ chồng chị vừa đi nghỉ mát về, lúc nào anh ấy cũng quan tâm, lo lắng đến vợ. Dù đã trải qua trận tạt axít kinh hoàng của người chồng cũ và phải lên bàn mổ 47 lần, bao đau đớn cả thể xác và tinh thần nhưng chị vẫn thấy mình thật may mắn vì đã gặp được anh. Cuộc sống của chị từ ngày có anh đã thực sự thay đổi.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo nghệ thuật ở Ninh Giang, Hải Dương. Bố chị dạy hát chèo ở huyện. Nhà có 10 anh chị em thì một nửa theo nghệ thuật. Học xong phổ thông chị thi đỗ vào Đoàn Kịch nói Hải Dương.
Trước đây, chị yêu và lấy thầy dạy của mình, cũng là diễn viên kịch nói cùng đoàn khi mới 19 tuổi. Chị bỏ nghề theo chồng về quê Ân Thi, Hưng Yên, làm đủ nghề từ bán hàng đến làm ruộng. Cuộc sống 2 vợ chồng với đứa con trai từng có những tháng ngày hạnh phúc dù kinh tế khó khăn, vất vả.
Nhưng số phận không ai nói trước được điều gì. Năm 1986, chị ly hôn và mang con khi đó mới 3 tuổi lên Hà Nội vào Đoàn kịch nói Bộ Nội vụ, nay là Đoàn kịch Công an Nhân dân. Cuộc sống cơm áo gạo tiền quá vất vả, chị phải vừa làm vừa đi buôn bán thêm. Chính công việc buôn phụ tùng xe đạp đã đưa đẩy chị Tiến gặp một người đàn ông khác ở phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Năm 1988, hai người nên vợ nên chồng. Mẹ chồng phản đối cuộc hôn nhân này đã đến cơ quan làm ầm lên khiến chị buộc phải nghỉ việc. Hai vợ chồng lại quay về Hải Dương kinh doanh phụ tùng xe đạp.
Tại đây, chị đã sinh thêm bé trai thứ hai và đặt tên là Công Anh. Khi công việc làm ăn phát đạt, nhà chồng lại gọi hai vợ chồng về. Nhưng không ngờ chỉ sau một thời gian, khi đã nắm được kinh tế, nhà chồng và chồng đối xử tệ bạc với chị. Không chịu được sự tủi nhục, chị đã ôm con ra đi với 2 bàn tay trắng.
Năm 1996, trong một lần vào Sài Gòn chơi, chị đã học được nghề làm mành rèm trang trí. Vào thời điểm đó, tại Hà Nội vẫn chưa có nhiều cửa hàng làm mành rèm và cửa hàng của chị trở thành cửa hàng làm mành rèm đầu tiên ở khu Cầu Giấy.
Công việc làm ăn rất thuận lợi. Hôm nào, chị Tiến cũng phải thức đến 1-2h sáng để may rèm. Trải qua 2 cuộc hôn nhân đều đổ vỡ, có những lúc đã đau đớn, tuyệt vọng vì số phận quá nghiệt ngã, giờ chị chỉ muốn yên ổn làm ăn, tìm niềm vui nơi công việc, nuôi con cái khôn lớn, trưởng thành.
Thế nhưng, vào đúng lúc cửa hàng làm ăn phát đạt thì người chồng thứ hai quay về tìm với mong muốn nối lại tình cảm. Bị vợ cũ kiên quyết từ chối, anh ta đã dọa tạt axít. Dù vậy, chị không nghĩ anh ta dám làm thật.
Đến giờ dù muốn quên, muốn xóa hết mọi ký ức kinh hoàng đó nhưng nó vẫn hiện về như mới xảy ra ngày hôm qua. Chị vẫn nhớ hôm đó là ngày 23/8 âm lịch năm 1997, trời sẩm tối, chị đóng cửa hàng ra về nhà em gái ở Yên Hòa, kẻ phụ tình kia vẫn lẽo đẽo theo sau rồi ngồi lỳ ở cửa hàng thuyết phục quay lại.
Đến trước Trung tâm thương mại Cầu Giấy, bất ngờ chị thấy như trời giáng, mặt mũi tối tăm, bỏng rát, đau đớn tận xương tủy. Lúc đó người chồng cũ cũng giả vờ kêu cứu: “Trời ơi, ai cứu vợ tôi với”. Ngay sau đó chị được đưa vào Bệnh viện 103. Hắn bị rơi vào diện nghi vấn. Khi được triệu tập, anh này đã khai nhận chính hắn là kẻ chủ mưu thuê người tạt axít vợ.
Gia đình nhà chồng dù biết rằng khuôn mặt chị đã trở nên méo mó vì tội ác do chính con trai mình gây ra nhưng cũng không một lần thăm hỏi, đoái hoài. Sau khi người này bị tuyên án 15 năm tù giam ở phiên sơ thẩm, bị tạm giam chờ phiên phúc thẩm, chị và con vẫn một tuần một lần vào thăm, mang đồ ăn thức uống, vật dụng vào tiếp tế.
Chị còn hỏi rằng vì sao anh lại làm thế. Lúc này, anh ta mới hối hận và xin lỗi vì đã trót gây ra tội ác. Nhờ đơn xin giảm án của chị mà anh ta được giảm xuống còn 13 năm và thi hành án tại trại giam Tân Kỳ, Nghệ An.
Dù đau đớn về thể xác và tinh thần nhưng chị vẫn thỉnh thoảng từ Hà Nội lặn lội vào thăm người chồng cũ đã làm khuôn mặt chị trở nên méo mó, dị dạng. Trong những lần lên thăm phạm nhân, chị còn bị gia đình nhà chồng mỉa mai giờ xấu xí, không ai lấy, muốn quay lại với con họ nên mới vào thăm nom như thế. Kể từ đó không bao giờ chị vào trại giam thăm nữa. Nhưng chính chị cũng viết đơn xin giảm án cho anh ta, cuối cùng sau 7 năm thụ án, anh ta đã được mãn hạn tù năm 2004.
Về phần chị, từ sau ngày định mệnh đó là những chuỗi ngày kinh hoàng trong bệnh viện, hết cuộc phẫu thuật này đến cuộc phẫu thuật khác. Mặt bị chằng chịt sẹo, lệch về một bên co kéo, mũi chỉ còn là cái 2 lỗ, một bên tai bị biến mất. Bàn tay theo phản xạ chị giơ lên che mặt cũng bị sẹo co kéo.
Để giữ được đôi mắt, bác sĩ đã phải tiêm thuốc thẳng vào mắt. Trong vòng 40 ngày chị phải trải qua chục cuộc phẫu thuật, liên tục lột da từ chân, đùi, để vá lên mặt. Chị Tiến bảo, người ta lột da ếch như thế nào thì chị bị y như thế. Tất cả các vạt da lành lặn trên người chị đều bị lột để phục vụ cho việc ghép da, đau đớn vô cùng. Mẹ chị ngay khi nhìn thấy đã ngất lịm vì không thể chịu được nỗi đau cô con gái xinh đẹp giờ mang một bộ mặt kinh hoàng.
Sau hơn một tháng nằm viện, chị trốn về nhà. Mọi người trong nhà phải giấu hết gương đi để chị không nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của mình. Tuy nhiên trong một lần vào nhà tắm, chị đã nhìn thấy mình trên chiếc gương mà không tin vào mắt mình. Chị hét lên khiến hàng xóm cũng phải chạy sang. Đã nhiều lần chị muốn tìm đến cái chết. Chỉ như vậy mới có thể chấm dứt hết mọi muộn phiền, đau khổ mà chị đang phải chịu đựng.
Nhưng nghĩ tới hai đứa con, chị Tiến quyết tâm làm lại cuộc đời. Chị quay trở lại công việc tại cửa hàng rèm với chiếc khăn che kín mặt. Thời gian này công việc kinh doanh vẫn tương đối thuận lợi. Cứ tích góp được chút tiền chị lại đi phẫu thuật. Thời điểm này có đoàn bác sĩ tạo hình của Mỹ sang Việt Nam mổ nhân đạo. Ca mổ đã giúp chị tạo hình mũi, vá da cổ và kéo lại cơ mặt.
Thời gian trôi đi, chị lao đầu vào công việc, lấy công việc làm niềm vui. Khi bị nạn chị mới 34 tuổi. Dù vậy chị vẫn không dám nghĩ rằng sẽ có một ai đó đến với mình bởi một nách 2 đứa con, khuôn mặt lại xấu xí.
Tuy nhiên, năm 2003, trong một lần họp mặt những người từng công tác tại Đoàn Kịch nói Hải Dương, chị đã gặp lại anh, một nhạc công thổi kèn. Sau lần gặp mặt ấy, anh thổ lộ rằng đã dành tình cảm cho chị từ 20 năm trước nhưng không dám nói. Chị đi lấy chồng anh vẫn ở vậy cho đến tận bây giờ.
Bố mẹ chồng khi biết anh muốn lấy chị cũng không phản đối nhiều. Bố chồng còn bảo cho một căn nhà nhưng chị từ chối. Từ đó anh đã sát cánh cùng chị sớm hôm, giúp công việc kinh doanh cho và đưa chị đi bệnh viện mỗi lần phẫu thuật. Một năm ngày cưới, chị sinh một bé gái xinh xắn ở tuổi 41.
Sống với nhau đến giờ đã 11 năm, con gái cũng đã 10 tuổi nhưng tình yêu anh dành cho chị vẫn vẹn nguyên. Mọi việc ở nhà anh cũng chung tay gánh vác để chị có thời gian nghỉ ngơi. Hai vợ chồng từng một thời làm trong lĩnh vực nghệ thuật nên cả hai đều khá lãng mạn và có nhiều sự đồng cảm. Chị Tiến giờ đã lên chức bà nội khi con trai lớn đã lập gia đình. Có trong mơ chị cũng không bao giờ nghĩ rằng mình lại may mắn như thế, lại có được một người chồng yêu thương mình như vậy.