Hành động để 'cứu' ÐBSCL

TP - Ðó là đề nghị của các chuyên gia tại hội thảo sụt lún đất Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) do Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Ðức (GIZ) diễn ra tại Cần Thơ, ngày 22/11.
TP Cần Thơ chìm trong nước trong đợt triều cường vào tháng 9 vừa qua. ẢNH: HÒA HỘI

 Ðồng bằng đang “chìm”

Tại hội thảo, đại diện GIZ giới thiệu những số liệu được Liên minh châu Âu thu thập từ năm 2014 đến đầu năm 2019 cho thấy, tốc độ lún ở ĐBSCL không suy giảm. Ở các khu vực đô thị như Cần Thơ nền đất sụt lún ở hầu hết mọi khu vực, dao động từ 2 đến 4 cm/năm và sẽ không dừng lại. Còn ở các khu vực nông thôn, vệ tinh phát hiện sụt lún ở mức 1cm/năm. Sụn lún diễn ra với tốc độ tương tự trong nhiều năm. Các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, việc khai thác nước ngầm là một yếu tố quan trọng gây sụt lún, song cho dù có ngừng khai thác nước ngầm hoàn toàn thì cũng không thể ngăn hiện tượng này, mà chỉ có thể giảm thiểu.

Trong khi đó, Chương trình nghiên cứu Thăng Trầm (Rise and Fall) của Hà Lan đã đưa ra bằng chứng cho thấy độ cao trung bình của ĐBSCL chỉ cao hơn 82 cm so với mực nước biển. Tốc độ lún này nhanh hơn 8 lần so với tốc độ nước biển dâng. "Từ những hiện tượng đó, chúng ta có một cái nhìn sâu sắc hơn về những tác động đối với đồng bằng. Hiện nay, chúng ta có thể dự báo về tốc độ dâng tương đối của nước biển nhằm dự đoán các khu vực sẽ nằm dưới mực nước biển vào năm 2030 và năm 2050" - ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất về Nước và Biến đổi khí hậu Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam chia sẻ.

TS Sepehr Eslami Arab đến từ Đại học Utrecht (Hà Lan) chỉ ra rằng, trong 10 năm qua, biên độ thủy triều gia tăng tới 40% do các lòng sông trở nên sâu hơn trung bình 2-3m vì thiếu hụt trầm tích. Nguyên nhân của sự thiếu hụt này được xác định là do việc xây dựng đập ở thượng nguồn, cùng với hoạt động khai thác cát quy mô lớn ở hạ lưu. Đồng thời làm tăng độ sâu của lòng sông và xói mòn hai bên bờ sông. Cường độ thủy triều gia tăng tiếp tục tác động thêm tới sự xói mòn trong một vòng xoáy luẩn quẩn. Thủy triều lớn hơn là nguyên nhân của triều cường tại các đô thị của ĐBSCL.

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, kết quả nghiên cứu từ năm 2005 đến 2017 đo kiểm tra tại 339 mốc cao độ điểm ở TPHCM và ĐBSCL cho thấy, có 306 mốc lún và 33 mốc không lún. Trong đó, TPHCM tốc độ lún trung bình 1,99 cm/năm, Bạc Liêu 1,78 cm/năm, Cần Thơ 1,31 cm/năm. Đồng thời, toàn vùng có khoảng 9.650 giếng khai thác nước dưới đất với tổng lưu lượng khoảng 1,97 triệu m3/ngày.

Làm gì để "cứu" đồng bằng?

TS Tim McGrath, Giám đốc Chương trình FPP (Tổ chức GIZ Đức) cho rằng, ĐBSCL đang chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, điều đó thể hiện rõ lên đời sống người dân. Ông hy vọng Chính phủ hành động ngay và sớm ban hành chính sách, xây dựng thể chế để xử lý nhanh, hỗ trợ người dân. Còn về phía Đức đang tích cực hỗ trợ nhà nước nghiên cứu, tìm giải pháp nâng cao đời sống người dân.

Ông Nguyễn Minh Khuyến cho rằng, đối với sụt lún tự nhiên thì phải chấp nhận nhưng sụt lún do tác động giao thông, xây dựng, khai thác nước ngầm hay phù sa thượng nguồn thì phải có biện pháp phù hợp như khai thác nước ngầm có lộ trình, tránh những vùng có nền địa chất yếu. Trong thời gian tới có các điểm quan trắc về sụt lún, phân tích địa chất ổn định hơn để xây dựng đô thị.

Đồng quan điểm, ông Laurent Umans chỉ ra một trong những hạn chế thời gian qua là khai thác sử dụng nước ngầm quá mức. Cùng với đó là những công trình gây tác động trực tiếp, vì thế cần giải pháp là dùng vật liệu nhẹ thay thế để hạn chế đỡ nén xuống. Mặt khác hạn chế khai thác cát. Ngoài ra, nhà nước cần có cơ chế phân tán hạ tầng vùng đô thị, tránh những nơi đất mềm không xây nhà cao tầng.

Theo ông Laurent Umans, công tác xây dựng ở Việt Nam không dựa trên cơ cấu đất mà dùng cát lấp xây những tòa nhà cao tầng làm công trình bền vững; khai thác nhiều cát gây sụt lún. Chính vì thế, trong tương lai hạn chế sử dụng cát và thay đổi kết cấu tòa nhà.

TS Sepehr Eslami Arab khuyến cáo, cần đánh giá tổng thể cả vùng để nhận định rõ ràng và đưa ra phương pháp thích hợp. Nước sẽ bị nhiễm mặn, xâm nhập đến thượng nguồn sông Mekong rõ ràng là trở ngại phát triển nông nghiệp nhưng chuyển khó khăn đó thành lợi thế bằng cách trồng những cây lúa chịu mặn; đồng thời bổ sung nước ngọt cho những nơi thiếu nước để phát triển các cây khác giá trị cao hơn.

“Việc xây dựng đập thượng nguồn và khai thác cát gây ra thiếu hụt cát, đó là những tác nhân gây ra hiện tượng xói lở ngày càng gia tăng của bờ sông và lòng sông, cũng như hiện tượng xâm nhập mặn. Tác động của những hiện tượng này sẽ tạo ra những chi phí rất lớn cho các hoạt động phòng chống lũ lụt, di cư và giảm năng suất nông nghiệp khi diện tích đất bị thu hẹp và chìm xuống”.

Ông Laurent Umans, Ðại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam