Hàng nghìn tàu cá “nằm bờ”
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, việc chuyển đổi phương thức quản lý tàu cá từ công suất (CV) sang chiều dài và cấp hạn ngạch khai thác cho tàu cá nhiều bất cập.
Nhiều địa phương có tàu cá với công suất lớn 90 CV (trước đây là tàu vùng khơi), nhưng nay do có chiều dài dưới 15m không được cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi.
Thậm chí có tàu công suất 300-500 CV làm nghề lưới vây, pha xúc, chụp mực, rê, câu khai thác cá ngừ đại dương… do chiều dài dưới 15 m, nên không được đánh bắt vùng khơi, phải khai thác vùng lộng vì thế nên phải nằm bờ.
Số liệu từ các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Bình cho thấy, có 3.270 tàu cá lớn hơn 90CV không được cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi.
Đặc biệt, Phú Yên là tỉnh có nhiều tàu cá hoạt động ở ngư trường truyền thống Trường Sa và Hoàng Sa, đến nay có trên 700 tàu (chiếm trên 60%) trên tổng số tàu lớn hơn 90CV không được cấp hạn ngạch theo quyết định 1481 của Bộ NN&PTNT.
Trong khi đó, ngược lại, tại Quảng Trị có khoảng 200 tàu công suất từ 24 - 60CV nhưng chiều dài 15-16 m, trước đây chỉ khai thác vùng lộng và ven bờ, nay theo quy định mới buộc phải ra khai thác vùng khơi, không được đánh bắt ở vùng lộng.
Do vậy, số tàu này cũng không thể ra khơi vì không đảm bảo an toàn, mặt khác cũng không có nghề khai thác ở vùng khơi.
Cũng theo Hội Nghề cá Việt Nam, để đảm bảo kế sinh nhai, nhiều ngư dân có tàu dưới 15m (công suất trên 90 CV) vẫn phải lén lút ra khơi.
Như vậy, với quy định mới ngư dân từ đánh bắt hợp pháp có thể thành bất hợp pháp và bị lực lượng chức năng xử phạt. Với việc không được cấp hạn ngạch, sản phẩm khai thác của ngư dân trở nên không rõ nguồn gốc, việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn.
Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, theo quy định cũ, ngư dân khi đóng tàu xa bờ chỉ theo công suất, chứ chưa chú ý đến chiều dài. Việc cấp quota hạn ngạch cho tàu cá là cần thiết, nhưng cần phải có lộ trình và thời gian để ngư dân chuyển đổi kịp, có tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với từng loại nghề khai thác ở các vùng biển.
Cùng đó, Hội Nghề cá cũng kiến nghị, việc cấp hạn ngạch cho tàu cá đánh bắt ở vùng lộng và vùng ven bờ của các địa phương gặp nhiều khó khăn, do chưa có số liệu điều tra trữ lượng vùng biển mỗi tỉnh, do vậy, thiếu cơ sở khoa học để phân bổ hạn ngạch.
Rà soát để cấp bổ sung
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, Bộ NN&PTNT đã có quyết định giao hạn ngạch đánh bắt thủy sản vùng khơi cho các địa phương ven biển.
Việc cấp hạn ngạch được thực hiện theo Luật Thủy sản, dựa trên thực tế đánh giá về nguồn lợi thủy sản… Có 31.541 tàu cá được cấp phép và đây là những tàu có chiều dài 15 m trở lên.
Vì sao lại cấp hạn ngạch cho tàu dài 15 m trở lên? Theo ông Trung, lâu nay, Việt Nam quản lý tàu cá theo công suất và số tàu cá đánh bắt ngoài khơi (công suất 90 CV trở lên) có số lượng trên 35.000 chiếc.
Tuy nhiên, Luật Thủy sản 2017 đã hướng đến đổi mới công tác quản lý tàu theo đúng thông lệ quốc tế, tức là quản lý tàu cá theo chiều dài. Việc này cũng tuân thủ theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) với Việt Nam, liên quan đến “thẻ vàng” IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định). Do vậy, thay vì tàu 90CV, thì nay tàu phải dài 15m trở lên mới được hoạt động khai thác xa bờ.
“Việc điều chỉnh này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến một số đối tượng tàu cá. Tuy nhiên, nếu không đổi mới phương thức quản lý, Việt Nam khó có thể hướng đến một nghề cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và khó khắc phục “thẻ vàng” của EC”, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản nói.
Qua rà soát, hiện có hơn 3.500 tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 15 m, công suất từ 90CV trở lên không được cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi. Đáng lưu ý, trong đó có nhiều tàu cá khu vực miền Trung, nhất là trên 1.750 tàu cá thường xuyên hoạt động ở ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa, DK1…
Để tháo gỡ tình trạng trên, lãnh đạo Vụ Khai thác thủy sản cho biết, Bộ NN&PTNT đã nắm bắt được vấn đề, đồng thời đề nghị các địa phương rà soát, hỗ trợ ngư dân cải hoán tàu để đủ điều kiện cấp hạn ngạch khai thác xa bờ.
Theo ông Trung, với nhóm tàu cá công suất 90CV trở lên nhưng chiều dài dưới 15 m, địa phương thông báo cho chủ tàu, ngư dân đăng ký nhu cầu cải hoán tàu. Sau đó, địa phương có văn bản chấp thuận cải hoán cho chủ tàu có nhu cầu, cấp giấy phép khai thác cho chủ tàu khi tàu đã đủ điều kiện theo số hạn ngạch được Bộ NN&PTNT cấp. Ngoài ra, nếu có đề xuất bổ sung hạn ngạch, các địa phương phải báo cáo Bộ NN&PTNT xem xét trước 31/12/2019.
Tuy nhiên, ông Trung cũng lưu ý, việc tàu cá chuyển đổi nghề khai thác phải hướng các nghề thân thiện môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không chuyển sang các nghề “làm hại” nguồn lợi như nghề lưới kéo, lưới rê.
Qua rà soát, hiện có hơn 3.500 tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 15m, công suất từ 90CV trở lên không được cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi. Đáng lưu ý, trong đó có nhiều tàu cá khu vực miền Trung, nhất là trên 1.750 tàu cá thường xuyên hoạt động ở ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa, DK1…
Nhiều tàu Trung Quốc cản trở, đâm húc tàu cá Việt Nam
Trong văn bản gửi Bộ NN&PTNT mới đây, Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, rất nhiều lần tàu Trung Quốc (cả tàu công vụ, tàu cá) ngang nhiên vi phạm vùng biển đảo Việt Nam; đâm húc, cướp, phá tài sản tàu cá ngư dân Việt Nam.
Chủ quyền trên biển của Việt Nam đã bị vi phạm nghiêm trọng, ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản luôn đối mặt với nhiều bất an, rủi ro, nhất là trong khoảng thời gian Trung Quốc đơn phương có lệnh cấm biển.
Hội Nghề cá Việt Nam thường xuyên tuyên truyền vận động ngư dân tích cực vươn khơi bám biển sản xuất. Tuy nhiên, trước hành động của Trung Quốc ngư dân ta rất phẫn nộ bức xúc và cũng có nhiều tâm tư, lo lắng, vì phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Theo phản ánh của ngư dân, nhiều tàu cá, ngư dân ta khi nhìn thấy tàu Trung Quốc thường phải bỏ chạy, né tránh vì sợ bị đâm húc (do tàu phía ta nhỏ hơn, số lượng ít hơn).
Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT cần biện pháp tăng cường hơn hiện diện thường xuyên của lực lượng chức năng trên biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân.
Hội cũng khuyến khích ngư dân khi tham gia hoạt động đánh bắt trên biển, cần đi theo tổ đội để hỗ trợ nhau.
Ngoài ra, việc phía Trung Quốc ngang nhiên vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam (như vụ giàn khoan 981 năm 2014, nay là vụ tàu Hải Dương 8 vào gần bãi Tư chính của Việt Nam), làm ảnh hưởng và cản trở hoạt động khai thác trên vùng biển chủ quyền của ngư dân ta.
Hội Nghề cá Việt Nam kiên nghị Nhà nước cần lên án, phản đối mạnh mẽ hơn nữa và có biện pháp cứng rắn xua đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi vùng chủ quyền biển Việt Nam.
N. Khánh
“Việc điều chỉnh này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến một số đối tượng tàu cá. Tuy nhiên, nếu không đổi mới phương thức quản lý, Việt Nam khó có thể hướng đến một nghề cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và khó khắc phục “thẻ vàng” của EC”, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản nói.