Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ngày 16/10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến 30/9/2019, đã có 840 DNNN cổ phần hóa (CPH) đã đăng ký giao dịch, niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán, còn 755 DNNN CPH chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 144 DN, TP. Hà Nội có 85 DN, TP. HCM có 97 DN, Bộ Xây dựng có 53 DN, Bộ Công Thương có 46 DN, Bộ Giao thông vận tải có 35 DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 27 DN, tỉnh Vĩnh Phúc có 33 DN...
Trong số này góp mặt nhiều tên tuổi lớn như: Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), Cty CP Tập đoàn Tân Mai, Cty CP Cảng Quảng Ninh, Cty CP Cảng Quy Nhơn, Cty CP Giống Bò Sữa Mộc Châu, Cty Cổ phần Bánh kẹo Hải Châu.
Cùng với đó là Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam, Cty CP Khách sạn Thắng Lợi, Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam, Cty CP Điện cơ Thống Nhất, Cty CP Cơ điện Trần Phú, Cty CP Vàng bạc đá quý Bến Thành, Tổng công ty May Bắc Giang, Cty CP Sonadezi Long Bình, Cty CP Sonadezi An Bình...
"Đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt đối với 28 DN, trong đó có một số DN bị xử phạt với mức phạt rất cao, số tiền phạt là 350 triệu đồng do không thực hiện đăng ký giao dịch theo quy định", Bộ Tài chính thông tin.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc chậm đăng ký giao dịch theo giải trình của các DNNN cổ phần hóa có một số lý do chính.
Cụ thể, một số DN hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, lỗ lũy kế trên vốn điều lệ cao, nợ ngân hàng lớn, đang trên bờ vực phá sản hoặc đang trong quá trình giải quyết hậu quả sai phạm phát hiện trong thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, không tổ chức được Đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn, kiểm toán báo cáo tài chính nên không thực hiện được thủ tục niêm yết, đăng ký giao dịch.
Một số DN gặp vướng mắc trong xác định giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần, còn nhiều vướng mắc về tài chính và công nợ, chưa thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa theo quy định để kiểm toán xác nhận số vốn điều lệ thực góp, chưa có phương án xử lý tài chính tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần, liên quan đến việc điều chỉnh phần vốn Nhà nước hoặc đang triển khai thực hiện việc mở thủ tục phá sản đối với công ty.
Trong khi đó, một số DNNN CPH có cổ đông chủ yếu là cán bộ công nhân viên, nhiều người đã nghỉ hưu, thay đổi địa chỉ liên hệ nên việc tập hợp danh sách cổ đông với đầy đủ thông tin theo quy định của Trung tâm Lưu ký chứng khoán gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian; một số DN có quy mô nhỏ, ở vùng xâu, vùng xa, việc nhận thức các quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch còn hạn chế.
Tại hội nghị, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Vương Đình Huệ đánh giá, 3 năm đầu nhiệm kỳ, số lượng DNNN bị thoái vốn không nhiều, nhưng quy mô lớn. Số thu ngân sách từ thoái vốn và cổ phần hóa đạt 218.255 tỷ đồng gấp 2,5 lần 5 năm trước đây.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, công tác CPH còn vấp phải một số vướng mắc về thể chế và cách thức thực hiện. Vướng mắc tập trung ở việc sắp xếp, phương án CPH, phương án đất đai trước khi CPH.
Một vấn đề khó khăn nữa cũng được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu là việc xác định giá trị doanh nghiệp trước CPH, trong đó xác định giá trị lịch sử, văn hóa.
Phó thủ tướng cũng phê bình một số bộ ngành và địa phương công tác thoái vốn rất chậm, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Ông đề nghị xem xét nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu.
Người đứng đầu Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng thông báo trước hội nghị là đã phát hiện những việc thoái vốn cố ý làm trái pháp luật, trái ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.