> Xe chở hàng lậu vi phạm ATGT
> Hàng lậu vào cả siêu thị
Trong khi, hàng nhập chính ngạch từ Trung Quốc giảm, hàng lậu vẫn ồ ạt vào qua đường mòn, lối mở.
Chính ngạch đìu hiu
Tại cửa khẩu Tân Thanh, nơi hơn 90% hàng thông quan là nông sản, hoa quả tươi, không còn cảnh từng đoàn xe nối đuôi làm kiểm hóa. Ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh cho biết, 3 tháng trở lại đây, tình hình xuất, nhập hàng hóa của ta với Trung Quốc gần như chững lại và giảm. “Trước đây số lượng doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tới 444 doanh nghiệp, nhưng nay, con số này chỉ còn 322”.
Theo ông Hội, 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này đạt gần 490 triệu USD (giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2010), trong đó kim ngạch xuất khẩu hơn 280 triệu USD. Các loại hình nộp ngân sách lớn giảm mạnh, như nhập kinh doanh giảm 10%, nhập đầu tư giảm tới 50%, xuất kinh doanh giảm tới 26%.
Ông Hội nói: “Việc nhập khẩu giảm là do chúng ta áp dụng các biện pháp kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, các khâu kiểm tra chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trước đây, phía Trung Quốc khi lấy hàng họ cho doanh nghiệp Việt Nam nợ ít nhất là 1 quý, hoặc 6 tháng, nay họ bắt lấy hàng phải trả tiền ngay, nên nhiều doanh nghiệp không nhập nữa”.
Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, việc nhập hàng Trung Quốc cũng chung cảnh ngộ. Ông Trần Bằng Toàn, Chi cục trưởng Hải quan Hữu Nghị nói: “Cứ nhìn ra bãi kiểm hóa là biết, hồi trước từng dãy ô tô nguyên chiếc, từng dàn ô tô tải chở cần cẩu, máy móc, thiết bị… xếp hàng, nhưng giờ ít hơn hẳn”.
Tiểu ngạch tràn hàng lậu
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Tiền Phong, hoạt động buôn lậu qua đường tiểu ngạch tại biên giới Lạng Sơn vẫn tấp nập. Xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng vẫn là một trong những điểm nóng về hàng lậu ở Lạng Sơn. Theo chân một tay chuyên nhập hàng qua đường đồi người bản địa, tên B. mới thấy, hàng lậu vẫn tấp nập, chảy vào nước ta hàng ngày.
Trèo qua một số quả đồi, qua đất Trung Quốc, thấy từng nhóm người Việt cùng các kiện, thùng hàng được đóng gói cẩn thận, bày ngổn ngang, chờ cửu vạn băng đồi chuyển về kho. Hầu hết hàng hóa qua đường này là quần áo, chăn, gối, đồ điện tử, hàng gia dụng… Cả trăm con người, người đứng, ngồi, kẻ khom lưng cõng, địu vật lộn với đống hàng.
Ở những vị trí trên cao dễ quan sát, hay bên quán nước là những ông, bà chủ hàng, hay “chim lợn”, mắt đảo liên tục, tay luôn cầm sẵn điện thoại để báo lệnh chuyển hàng. Một chị cửu đi cùng tốp với tôi nói nhỏ: “Bãi tập kết hàng này nằm phía đất Trung Quốc, cán bộ hải quan, hay biên phòng nhà ta cũng chịu, nên mới có cảnh nhởn nhơ kiểu này. Chỉ vắng bóng hải quan, biên phòng của ta chốc lát, là lập tức chủ hàng lệnh cho cửu băng đồi”.
Chỉ mất dăm chục bước chân, và 3 đồng nhân dân tệ/người (hơn 10.000 đồng) nộp cho người đàn ông Trung Quốc, chúng tôi có thể bước qua cánh cửa sắt sang đất Lũng Vài. Khu chợ như một thiên đường mua sắm hàng rẻ tiền của Trung Quốc, từ đồ điện tử, nồi cơm điện, điện gia dụng, dầy dép, quần áo, vải may mặc, chăn, ga, gối…
Theo tìm hiểu của PV, lối mòn chúng tôi sang Lũng Vài, gần trụ sở của Hải quan Cốc Nam. Hai cánh gà của cửa khẩu này, có tới 5-6 đường mòn, lối tắt như vậy, nối với nhau như đường chuột chạy, hàng lậu vẫn đi qua con đường này.