Hoang mang sau cú sốc đầu đời
Sau khi biết tin rớt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập, em T. (ngụ huyện Hóc Môn) khóc lớn rồi đóng cửa phòng, không gặp gỡ bạn bè, cảm thấy chạnh lòng mỗi khi có người thân hỏi về kết quả thi lớp 10. Trong học kỳ 2 của lớp 9, nam sinh này từng nghe giáo viên định hướng về các hướng đi nếu chẳng may rớt lớp 10, trong đó có việc chọn học trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề kỹ thuật ô tô nhưng nam sinh vẫn chưa có hứng thú.
“Em chưa biết mình thích nghề gì và rất sợ bị đánh giá khi thi rớt. Hy vọng cuối cùng của em là chờ thông tin xét tuyển bổ sung để có cơ hội vào công lập. Em cảm thấy mọi thứ sụp đổ khi rớt lớp 10”, T. bày tỏ.
T. cho biết thêm, trường nghề cách nhà em gần 1 tiếng chạy xe, trong khi em chưa đủ tuổi lái xe máy. Nếu học môi trường này, ba mẹ phải thay nhau đưa đón rất vất vả. Tìm hiểu kỹ, T. biết được trường nghề này chỉ dạy 4 môn văn hóa song song với dạy nghề. Khi học hết chương trình, người học chỉ được chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông. Khi đến trung tâm giáo dục thường xuyên, T. bất ngờ vì trường gần nhà đã tuyển gần hết chỉ tiêu, muốn học hệ này cũng phải tìm đến trường xa nhà.
“Khi học giáo dục thường xuyên, nhiều bạn chỉ định hướng học để đậu tốt nghiệp, khác với định hướng xét tuyển vào Đại học như em nên em sợ môi trường không phù hợp. Còn học trường tư thì gia đình em không đủ tiền”, T. lo lắng.
Một tuần gần đây, chị H. (ngụ quận Bình Tân) đã đi 5 trường tư thục khác nhau để tìm hiểu môi trường nhưng vẫn chưa tìm ra trường phù hợp cho con vào học lớp 10. Theo phụ huynh này, đa số trường tư thục có mức học phí gia đình không theo nổi. "Mức học phí ban đầu chưa bao gồm những khoản thu khác… Trường có học phí vừa phải thì lại ở rất xa, con không đồng ý ở nội trú nên không dễ dàng đưa ra lựa chọn", chị H. nói.
Phải nâng cao chất lượng trường nghề
Giải đáp băn khoăn của phụ huynh, học sinh về con số hơn 20.000 học sinh lớp 9 không có chỗ vào lớp 10 công lập, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM cho hay, theo định hướng phân luồng học sinh sau THCS, TPHCM duy trì tỷ lệ 70% học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập, 30% còn lại các em có thể chọn học trường tư thục, học nghề, học ở trung tâm giáo dục thường xuyên.
Tuy nhiên, dưới góc độ của phụ huynh, ai cũng muốn con em được học trọn vẹn 12 năm đèn sách tại trường công lập, các em còn quá nhỏ để chịu áp lực “thi rớt”. Mặt khác, chất lượng hệ thống trường trung cấp nghề vẫn còn chậm đổi mới, khiến nhiều người học không an tâm lựa chọn học tập.
“Việc này đòi hỏi hệ thống các trường nghề nâng cao chất lượng để thu hút học sinh", ông Minh nói, đồng thời cho biết, thời gian tới Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB&XH nâng cao chất lượng hệ thống trường trung cấp nghề.
Theo ông Minh, ngành giáo dục sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn. Tiếp đó là tăng cường công tác định hướng cho các em lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở thích. Sở cũng sẽ cung cấp học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo học nghề, tạo điều kiện cho học sinh thực tập, tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.