Hàng cây sưa 'trăm tỷ' chết khô trên phố Hà Nội sẽ xử lý thế nào?

TPO - Ông Ma Kiên Ngọc, giám đốc Công ty tư vấn thương mại Thành Công Xanh - đơn vị được giao chăm sóc hàng sưa cho biết: "Sau khi sở liên ngành kiểm tra, thẩm định, đánh giá, nếu cây chết thì sẽ tiến hành thu hồi củi gỗ, xong rồi lưu kho để thanh lý, bán đấu giá và trồng lại cây mới".

Liên quan đến việc nhiều cây sưa đỏ ở hàng cây trên đường Nguyễn Văn Huyên không có dấu hiệu hồi sinh sau 8 tháng di dời phục vụ, thực hiện dự án cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), ông Ma Kiên Ngọc, giám đốc Công ty tư vấn thương mại Thành Công Xanh cho biết đơn vị vẫn đang chăm sóc và duy trì hàng cây sưa.

Sau 8 tháng, hàng cây sưa đỏ trên đường Nguyễn Văn Huyên chết khô, không có dấu hiệu hồi sinh.

Ông Ngọc chia sẻ, vài tháng trước, mấy chục cây sưa được dịch chuyển để phục vụ dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Huyên và được chăm sóc kỹ như truyền dinh dưỡng, lắp camera theo dõi, làm khung sắt, cắt cử người trông coi. Thời gian đầu các cây đều phát triển tốt, lá xum xuê.

Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát, một số cây lại có dấu hiệu héo khô, rụng lá. "Với những cây có dấu hiệu khô héo, chết mòn, chúng tôi vẫn đang chờ các chuyên gia từ sở liên ngành xuống kiểm tra thẩm định xem nguyên nhân cụ thể đến đâu. Trong thời gian đó, chúng tôi vẫn chăm sóc và duy trì hàng cây", ông Ngọc nói.

Lãnh đạo Công ty tư vấn thương mại Thành Công Xanh cho biết thêm: "Có khoảng 5-6 cây đang có dấu hiệu chết khô, trường hợp nếu cây chết rồi sẽ tiến hành thu hồi củi gỗ, xong rồi sẽ chuyển lưu kho để thanh lý, bán đấu giá và trồng lại cây mới. Đơn vị có nhiệm vụ chăm sóc bảo hành nên sẽ tự bỏ tiền ra để mua cây mới thay thế. Nó như sản phẩm bị lỗi nên sẽ được bằng sản phẩm khác".

Cây chết sẽ được thu hồi củi gỗ, chuyển lưu kho thanh lý, bán đấu giá.
 
Nhiều cây trụi lá, chỉ còn trơ trọi khúc gỗ bị mục rữa.
Từ ngày dịch vào trong cây bắt đầu héo úa, thời điểm dịch chuyển nắng nóng nên cây nhanh chết hơn. Lúc đấy không có ai chăm sóc, sau đó có chữa thì cũng không kịp. Để trồng một cây to như này không hề dễ, hơn nữa nó còn có giá trị mà để chết thì thật phí", ông L.T.H (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Trước đó, để phục vụ, thực hiện dự án cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), đơn vị thi công đã dịch chuyển 34 cây sưa đỏ lùi vào trong so với vị trí ban đầu. Đồng thời lên phương án tổ chức cắt cành, tỉa ngọn đảm bảo cây sinh trưởng tốt, hợp mỹ quan sau khi di chuyển.

Từ lúc di dời địa điểm trồng cây, hàng sưa đỏ mặc dù được chăm sóc, truyền dịch, bơm thuốc kích rễ nhưng vẫn có 1 số cây héo khô chỉ còn lại phần gỗ trơ trọi giữa đường, không còn cành, lá, thân cây mục nát. Trong đó có 3 cây sưa đỏ đã có biểu hiện khô héo, cạn kiệt sức sống và khoảng 5 cây bắt đầu héo úa, rụng lá.

Sau 8 tháng, mặc dù dùng nhiều phương pháp nhưng nhiều cây không có dấu hiệu "hồi sinh", trụi lá, chỉ còn trơ trọi khúc gỗ bị mục rữa, một số cây đang héo úa, rụng lá dần khác hẳn các cây khác lá xanh um tùm. Được biết, các cây này đều có tuổi đời khoảng 20 năm, giá trị lên đến hàng tỷ đồng/cây.