Quyết định mở rộng nhóm đối tượng tiêm liều tăng cường được công bố hôm Chủ nhật, trong bối cảnh các quan chức y tế hàng đầu của Israel cho biết hiệu quả liều thứ hai của vắc-xin Pfizer-BioNTech sẽ giảm đi sáu tháng sau khi tiêm, do đó cần phải tiêm nhắc lại.
Sharon Alroy-Preis - một quan chức Bộ Y tế Israel cho biết: “Liều thứ ba nâng mức bảo vệ lên tương đương khi chúng ta vừa tiêm liều thứ hai. Điều đó có nghĩa là chúng ta được bảo vệ gấp 10 lần sau khi tiêm vắc-xin liều ba.”
Những người đủ điều kiện ở Israel có thể được tiêm tiêm mũi tăng cường sau khi đã tiêm mũi hai ít nhất 5 tháng. Khoảng cách này ngắn hơn so với khuyến cáo của cơ quan y tế Mỹ. Tại Mỹ, người dân có thể được tiêm liều thứ ba nếu đã tiêm liều hai trước đó 8 tháng.
Với hy vọng hạn chế sự lây lan của biến thể Delta, Israel đã bắt đầu sử dụng mũi tăng cường cho nhóm dân số trên 60 tuổi cách đây hơn một tháng, và đã dần hạ độ tuổi đủ điều kiện tiêm mũi ba xuống nhóm trên 50 tuổi, trên 30 tuổi và mới nhất là trên 12 tuổi.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 2 triệu người (trong tổng số 9,3 triệu dân) ở Israel được tiêm liều vắc-xin thứ ba.
Thủ tướng Naftali Bennett cho biết: “Đã có kết quả: sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh nặng đã bắt đầu chậm lại. Chúng tôi phải hoàn thành liều thứ ba cho tất cả công dân. Tôi kêu gọi những người từ 12 tuổi trở lên hãy đi tiêm ngay mũi thứ ba.”
Ngoài Israel, nhiều quốc gia khác cũng đã thúc đẩy kế hoạch tiêm liều tăng cường bất chấp sự phản đối của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo WHO, trong bối cảnh tỉ lệ tiêm mũi đầu tiên ở nhiều quốc gia nghèo còn thấp, thì các nước giàu có nên tạm hoãn việc tiêm mũi thứ ba.