100% địa phương tổ chức phân loại rác thải rắn
Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020. Bà Lê Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TNMT Hải Phòng đã chia sẻ với phóng viên Báo Tiền Phong về kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bảo vệ môi trường bền vững tại địa phương.
Thưa bà, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể từ 1/1/2025 chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn (từng hộ gia đình) sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển và xử lý. TP Hải Phòng đã tổ chức kế hoạch thực hiện quy định này ra sao?
Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những nội dung quan trọng quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bộ luật ưu tiên dành hẳn 6 điều cho nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn.
Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 ban hành, đơn vị thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh thực hiện, thành lập Phòng Quản lý chất thải rắn để xác định nhiệm vụ quản lý chất thải rắn, thực hiện nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn.
Mỗi ngày, tại thành phố Hải Phòng phát sinh khoảng 2.000 tấn rác thải sinh hoạt. Do đó, công tác phân loại rác thải tại nguồn rất quan trọng vì công tác này liên quan tới mức độ ô nhiễm, ảnh hưởng tới kinh tế tuần hoàn và chi phí xử lý rác thải rắn và môi trường sống xung quanh mỗi gia đình, khu dân cư.
Chính vì thế, sau khi thành lập Phòng Quản lý chất thải rắn và tiếp nhận nhiệm vụ từ Sở NN&PTNT và Sở Xây dựng, Sở TN&MT Hải Phòng đã hoàn thiện đề án để tham mưu HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 27 về vấn đề tổng thể thu gom, phân loại, xử lý rác, chất thải rắn.
Trên cơ sở Nghị quyết 27 của HĐND thành phố, Sở đã ban hành Kế hoạch 260 để tổ chức thực hiện và ban hành Quyết định 60 về trách nhiệm trong quản lý chất thải rắn.
Riêng đối với vấn đề phân loại rác tại nguồn, Sở TN&MT Hải Phòng đã tham mưu, ban hành riêng kế hoạch để thực hiện. Theo đó, lộ trình thực hiện theo từng năm cụ thể.
Trong năm 2022, tập trung công tác tuyên truyền ban đầu để cho các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng tại địa phương thực hiện.
Năm 2023, Sở đề xuất lựa chọn 20% các xã phường, thị trấn thực hiện mô hình thí điểm. Do từng địa phương có những đặc thù riêng nên việc tổ chức thực hiện cũng linh hoạt từng cơ sở. Ví dụ như, như khu vực nông thôn mô hình phân loại rác sau đó ủ phân bón hữu cơ, trồng cây có lợi thế. Có nơi, hội phụ nữ thu gom rác thải nhựa, rác thải tái chế để bán gây quỹ hoạt động cho hội viên.
Đối với khu vực đô thị, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với các hội đoàn thể và đơn vị dịch vụ thu gom trong việc tuyên truyền cho người dân phân loại thành 3 loại rác thải theo quy định rồi chuyển giao cho các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rất quan trọng, đã đạt được một số hiệu quả bước đầu.
Năm 2024, Sở tham mưu triển khai nhân rộng 100% các địa phương đều phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và tính theo lộ trình để đảm bảo quy định phạt hành chính theo Luật Bảo môi trường 2020 có hiệu lực từ 1/1/2025.
Sau một thời gian đi đầu trong tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, đã có nhiều địa phương cử đoàn công tác về Hải Phòng tham quan các mô hình phân loại rác để chia sẻ, trao đổi cách thức tổ chức phân loại, thu gom, xử lý rác thải.
Thay đổi thói quen bảo vệ môi trường
Quá trình thực hiện công tác quản lý chất thải rắn, theo bà lực lượng chức năng còn gặp khó khăn, bất cập gì? Trong thời gian tới, Sở TN&MT Hải Phòng có kế hoạch triển khai, khắc phục ra sao?
TP Hải Phòng là một trong những địa phương được Bộ TN&MT đánh giá cao trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, phân loại rác thải rắn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi thấy còn có một số bất cập.
Thứ nhất, sự chung tay vào cuộc của một số địa phương chưa cao. Ý thức chấp hành của một số bộ phận người dân có nơi, có lúc còn chưa được quan tâm, nghiêm túc. Một số địa bàn thực hiện nhưng mang tính phong trào, hiệu quả duy trì bền vững chưa có.
Thứ hai, sự đồng bộ từ việc phân loại đến công đoạn thu gom, vận chuyển chưa cao; điều kiện, kỹ thuật, công nghệ xử lý, tái chế rác chưa được đầu tư đồng bộ, thống nhất.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT Hải Phòng tiếp tục phối hợp, đôn đốc các địa phương thực hiện các nhiệm vụ phân loại rác thải rắn theo lộ trình. Đến thời điểm hiện tại, có 2/3 số quận huyện trên địa bàn đã tham mưu ban hành Nghị quyết của cấp ủy dành riêng cho công tác phân loại rác thải tại nguồn.
Đối với thành phố, Thành ủy Hải Phòng cũng mới ban hành Chỉ thị số 34 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phân loại rác. Sở TN&MT Hải Phòng đang tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo Chỉ thị 34 của Thành ủy Hải Phòng.
Theo bà việc phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa thế nào đối với người dân, môi trường sống?
Phân loại rác thải tại nguồn là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Khâu này có sự tham gia chung tay của tất cả người dân. Do vậy, công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục tới chính quyền cơ sở, tới từng tổ dân phố, khu dân cư, hộ gia đình và từng cá nhân về phân loại rác thải sinh hoạt.
Trong đó, đối tượng thanh thiếu niên là rất quan trọng, chiếm tới 1/3 dân số địa phương. Do vậy, việc tuyên truyền phân loại rác nhằm thay đổi ý thức nhận thức trong cộng đồng, nhất là với giới trẻ có tác động rất lớn không chỉ tại các trường học mà còn ngay tại chính gia đình mình nhằm thay đổi thói quen bền vững.
Có như vậy, rác thải tái chế, rác thải nhựa được phân tách riêng, rác thải hữu cơ (rau, củ quả, thực phẩm hư hỏng) hoặc rác thải nguy hại sẽ được phân loại riêng. Khi rác thải được phân loại đúng, đơn vị thu gom sẽ thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức thu gom để vận chuyển cho đơn vị xử lý.
Phân loại rác thải sinh hoạt tốt góp phần tái sử dụng các vật liệu có thể tái chế; chuyển hóa rác thải hữu cơ làm phân bón; hạn chế các chất độc hại của rác thải nguy hại phát tán ra môi trường.
Đồng thời, góp phần hạn chế các chất thải, rác thải xâm nhập vào môi trường nước, đất, không khí; hướng tới môi trường sống quanh ta trong lành, xanh, sạch, đẹp hơn.
Theo Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng, đến hết ngày 18/11/2024, toàn thành phố đã có 262 tổ dân phố tại 4 quận trung tâm và huyện An Dương đạt "Tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải". Dự kiến, đến hết năm 2024, TP Hải Phòng có 468 tổ dân phố đạt "Tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải".