Hải Phòng: 12 đầu việc cần làm ngay

TP - Bắt đầu từ sáng nay (13-2), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tổ công tác của Hải Phòng do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đan Đức Hiệp làm tổ trưởng sẽ thực hiện 12 đầu việc xử lý hậu quả việc thu hồi đất.
Hệ thống điện DN đầu tư bị bỏ hoang. Ảnh: P.V

> Tiên đề từ Tiên Lãng

Hệ thống điện DN đầu tư bị bỏ hoang. Ảnh: P.V.

Tổ công tác còn bao gồm Phó Chủ tịch UBND TP Đỗ Trung Thoại làm tổ phó thường trực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ phó và thành viên là giám đốc các sở, trưởng các ngành gồm: Văn phòng UBND TP, Công an, Thanh tra, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, cục Thuế, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông nhanh chóng vào cuộc.

Lãnh đạo các Ban Thành ủy, Ban Pháp chế HĐND TP, Ủy ban MTTQ TP, Hội Nông dân TP, Viện Kiểm sát TP, Tòa án nhân dân TP tham gia theo dõi, giám sát thực hiện.

Công việc chính của tổ công tác này là tham mưu, đề xuất các biện pháp nhằm khắc phục các hậu quả do việc thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất vi phạm quy định pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng để sớm ổn định tình hình về mọi mặt của huyện Tiên Lãng. Hải Phòng sẽ báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng trước ngày 30-3.

Lãnh đạo Hải Phòng chỉ đạo thực hiện ngay những việc quan trọng, cấp bách gồm 12 nội dung: Nhanh chóng thu hồi các Quyết định thu hồi đất số 460/QĐ-UBND ngày 23-4-2008, số 461/QĐ-UBND ngày 7-4-2009, Quyết định cưỡng chế số 3307/QĐ-UBND ngày 24-11-2011 của UBND huyện Tiên Lãng; Xem xét, triển khai các thủ tục cho ông Đoàn Văn Vươn tiếp tục sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2003; Rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai;

Khẩn trương hoàn thành việc điều tra, kết luận vụ án phá nhà coi đầm để truy tố, xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật; Xác minh, điều tra làm rõ việc đánh bắt thủy sản trong đầm, công khai kết luận, nếu có dấu hiệu vụ án hình sự, khởi tố vụ án để điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật;

Công an thành phố khẩn trương hoàn thành kết luận điều tra vụ án "giết người và chống người thi hành công vụ" để truy tố, xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.

Thực hiện thủ tục đình chỉ công tác đối với ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện và ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện; tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân của huyện Tiên Lãng liên quan đến các vi phạm trong việc giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất;

Có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Thực hiện các thủ tục đình chỉ công tác ông Phạm Đăng Hoan_Chủ tịch HĐND xã Vinh Quang, ông Lê Thanh Liêm_Chủ tịch UBND xã Vinh Quang...

Lãnh đạo huyện từng "lừa" cả dân và doanh nghiệp?

Chiều 12-2, trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, luật sư Nguyễn Việt Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội, bảo vệ ông Vươn và ông Quý) cho biết, tuần này ông sẽ làm việc với Cơ quan CSĐT Hải Phòng về các thủ tục cần thiết để sớm gặp bị can Vươn, bị can Quý.

Vui mừng trước kết luận của Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Phao (54 tuổi) nói: "Tháng 10 năm 1992, gia đình tôi được UBND huyện Tiên Lãng kí quyết định giao cho 15 ha nuôi trồng thuỷ sản ở Cống Rộc (xã Vinh Quang) với thời hạn 5 năm. Năm 2009, hết hạn, gia đình tôi lên huyện đề nghị cho thuê tiếp thì lãnh đạo huyện đưa ngay cái trát là quyết định thu hồi đầm không đền bù hay hỗ trợ gì. Gia đình tôi rất lo lắng khi biết sau khi cưỡng chế thu hồi đầm của gia đình ông Vươn là đến lượt gia đình tôi...".

Rồi ông Phao kể về những ngày đầu ra bãi bồi ven biển xã Vinh Quang này đắp đê, xây cống làm đầm rất vất vả, đầu tư mất nhiều tỉ đồng cùng công sức mất mấy năm trời mới được khu đầm nuôi trồng thủy sản như hiện nay.

"Năm 1996, sau khi đổ hết tiền nhà ra kè đê thì bị cơn bão đánh vỡ đê làm mất trắng thủy sản, chúng tôi lại phải mất hơn một tỉ mới khắc phục được thì đùng một cái lãnh đạo huyện đòi thu hồi trắng, làm gia đình tôi lao đao với món nợ hơn 500 triệu đồng, vợ thì đòi bỏ..." ông Phao nói tiếp.

Bà Phùng Thị Nhót (54 tuổi, vợ ông Phao) cho biết: "Cả nhà tôi cùng họ hàng hơn hai chục người sống nhờ cái đầm này. Nếu bị thu trắng chẳng biết đi đâu, làm gì. Biết tin Thủ tướng yêu cầu cho chúng tôi thuê tiếp làm ăn đúng pháp luật, gia đình tôi sẽ đổ tiền đầu tư con giống, kè bờ, bê tông hóa toàn bộ đường quanh đầm để làm ăn lâu dài..."

Trong quá trình xác minh, PV Tiền Phong rất bất ngờ khi biết diện tích đầm của gia đình ông Nguyễn Văn Phao bị Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền ký quyết định thu hồi trắng là để cho một doanh nghiệp khác thuê.

Điều đáng quan tâm là trong quyết định số 2678/QĐ-UBND do ông Hiền ký ngày 15-12-2009, thu hồi diện tích đầm của ông Phao có nêu ra một trong những căn cứ thu hồi là: "Việc thu hồi đất bãi triều ven biển xã Vinh Quang để giao cho Thành Đoàn Hải Phòng xây dựng hạ tầng kĩ thuật khu nuôi tôm xuất khẩu". Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng đội TNXP Hải Phòng thời kì đó cho biết đã bàn giao toàn bộ cơ sở hạ tầng kĩ thuật này cho huyện Tiên Lãng quản lí và khai thác từ cuối năm 2008.

Ông T. (xin giấu tên) chủ một doanh nghiệp lớn ở đất Cảng cho biết, anh em ông chủ tịch huyện Tiên Lãng và chủ tịch xã Vinh Quang là ông Lê Văn Hiền và Lê Thanh Liêm cam kết cho doanh nghiệp thuê hơn 35 ha đầm ở khu vực Cống Rộc (xã Vinh Quang) để nuôi tôm công nghiệp với hợp đồng kí kết 5 năm. Tin lãnh đạo huyện, tháng 8 năm 2009, tôi đã đầu tư trạm điện cùng nhiều trang thiết bị khác mất gần 2 tỉ đồng để nuôi trồng thủy sản theo mô hình hiện đại nhưng bị bỏ phí đến giờ.

Đến đầu năm 2012, huyện Tiên Lãng mới giao cho tôi có 20 ha không đủ diện tích để đầu tư sản xuất. Tôi đang có ý định trả lại huyện Tiên Lãng và yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật. Chúng tôi mất cả tiền, mất cả lòng tin lãnh đạo huyện Tiên Lãng, cơ hội kinh doanh.

Ông T. cũng cho biết, diện tích đầm mà huyện giao thiếu, lãnh đạo huyện Tiên Lãng từng hứa sẽ tổ chức cưỡng chế đầm nhà ông Phao để giao cho chúng tôi.

Theo Báo giấy