Sáng 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Liên quan đến việc phê duyệt hợp đồng dầu khí (Điều 24 dự thảo Luật), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, vấn đề này còn 2 loại ý kiến khác nhau.
Cụ thể, ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp thu theo hướng quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí; giao Bộ Công Thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đó, PVN ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí; đồng thời, bỏ quy định về Chính phủ ban hành hợp đồng dầu khí mẫu để bảo đảm sự thống nhất về chính sách.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí.
Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất.
Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn băn khoăn về việc phê duyệt hợp đồng dầu khí. Theo ông, với phương án 1 sẽ có 3 bất cập, phải nghiên cứu, cân nhắc, có thể kết hợp cả hai phương án cho hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, việc phê duyệt hợp đồng phải rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền, trong khi phương án 1 lại chưa rõ việc này. Một việc mà hai chủ thể phê duyệt, Thủ tướng phê duyệt khung rồi lại Bộ Công Thương phê duyệt bước thứ hai. Sau này nếu có chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm?
“Một việc nên chỉ giao cho một người thôi, còn thành hai bước phê duyệt thế này thì không biết cải cách hành chính có đúng không?”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý quy định phải rành mạch, rõ trách nhiệm, theo hướng cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh, không để kéo dài.
“Nhiều đại biểu đã nói, hợp đồng dầu khí là thoả thuận pháp lý rất quan trọng với nhà nước và nhà đầu tư dầu khí. Tranh chấp hợp đồng, rủi ro trong thực hiện hợp đồng phát sinh rất nhiều. Nên chăng Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí này. Mà đã là phân cấp thì quy định trong luật những nguyên tắc cơ bản để cho Bộ trưởng Công Thương phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
"Rất khó phân định các điều khoản chính, điều khoản phụ"
Về nội dung này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đề nghị thực hiện theo phương án 2 là giữ nguyên như phiên bản Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung của hợp đồng dầu khí. Đồng thời, Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.
Lý do, theo ông Diên, tại dự thảo Luật, Chính phủ đã phân cấp nhiều nội dung cho Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chỉ còn một số nội dung rất quan trọng thuộc thẩm quyền phê duyệt/chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, gồm: kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung hợp đồng dầu khí, gia hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt, chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí.
“Hợp đồng dầu khí là thoả thuận ràng buộc pháp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư (nhà thầu dầu khí) có thời hạn rất dài (hơn 30 năm), có nhiều nội dung đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Các điều khoản của hợp đồng dầu khí liên quan mật thiết với nhau, do đó rất khó phân định các điều khoản chính, điều khoản phụ”, ông Diên cho hay.
Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng, việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là phù hợp thực tiễn hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Bộ Tư pháp cũng thống nhất với quan điểm này của Bộ Công Thương.
Vấn đề này cùng một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ được trình xin ý kiến tại phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách tới đây.
Hai loại mỏ khai thác tận thu
Về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu (Điều 54 dự thảo Luật), ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, vấn đề khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu được đặt ra với 2 đối tượng: mỏ dầu khí thực hiện theo điều kiện kinh tế, kỹ thuật thông thường (dưới mức ưu đãi đặc biệt tối đa) được nhà thầu trả lại sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng dầu khí mà không tìm được nhà đầu tư mới.
Đối tượng thứ hai là mỏ dầu khí đã thực hiện theo mức thu hồi chi phí tối đa 80% (mức ưu đãi đặc biệt tối đa) được nhà thầu trả lại sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng dầu khí nhưng xét thấy còn có thể tiếp tục khai thác tận thu, tăng thu ngân sách nhà nước.
Để thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước đối với các mỏ này, cần chính sách đặc thù, phân biệt với cơ chế chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.
Tiếp thu ý kiến, dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng chuyển khoản 4 Điều 53 thành Điều 54 quy định về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu.
Theo đó, việc khai thác tận thu được thực hiện theo hướng: Chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu được nộp vào ngân sách nhà nước trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí.
Không cần tách riêng hai khoản thuế?
Đối với cơ chế tài chính “chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nộp vào ngân sách nhà nước”, theo ông Vũ Hồng Thanh, có 2 loại ý kiến:
Trong đó, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc thực hiện chính sách này đã ràng buộc nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí; không cần quy định về việc tách riêng khoản thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu dầu khí nộp về ngân sách nhà nước trước khi thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện hoạt động này.
Hơn nữa, quy định như vậy mới tạo cơ chế đột phá mang tính khả thi để khai thác tận thu tài nguyên dầu khí (chênh lệch doanh thu và chi phí thực dương) đối với cả 2 loại đối tượng mỏ như đã nêu, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, kể cả trong trường hợp doanh thu trừ chi phí thấp hơn thuế tài nguyên phải nộp (thay vì kết thúc sớm dự khai thác tận thu).
Loại ý kiến thứ 2 đề nghị việc thực hiện chính sách chênh lệch giữa doanh thu và chi phí được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên (theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên) và thuế xuất khẩu dầu khí (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có thể điều chỉnh về mức thuế suất 0%). Thực tế đã triển khai thu thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu dầu khí đối với mỏ tận thu Sông Đốc từ năm 2017 đến nay.
Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất.
“Để bảo đảm thống nhất và có thể áp dụng chính sách này ngay sau khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực, đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng loại trừ trường hợp khai thác tài nguyên đối với mỏ khai thác dầu khí tận thu theo quy định của pháp luật về dầu khí”, ông Thanh nêu.