'Thưởng' cho nhà đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí nếu họ 'đem lại chiếc bánh to hơn'?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, khi làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, nếu họ “đem lại chiếc bánh to hơn” sẽ có chính sách kéo dài ưu đãi, mang tính chất “thưởng” cho họ.

Tại kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua Luật Dầu khí sửa đổi. Ngày 26/7, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức tọa đàm để tiếp tục hoàn thiện các nội dung liên quan.

Quan tâm đến vấn đề môi trường, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho rằng, tổ chức tiến hành hoạt động dầu khí phải trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp sự cố môi trường phải xây dựng kế hoạch riêng và phải được thẩm định, phê duyệt. Không nên coi đó như một thủ tục hành chính, sau khi làm xong, được phê duyệt thì coi như xong và cất vào tủ.

'Thưởng' cho nhà đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí nếu họ 'đem lại chiếc bánh to hơn'? ảnh 1

Chuyên gia kinh tế đề nghị thiết kế chính sách để tăng thu hút đầu tư tư nhân trong thăm dò khai thác dầu khí. (Ảnh minh họa)

“Cần phải kiểm tra trước khi thẩm định, cơ quan quản lý phải đến kiểm tra thực tế xem đã đúng và đầy đủ hay chưa, chứ không phải thẩm định trên giấy tờ, rồi hàng năm phải kiểm tra xem doanh nghiệp có tuân thủ thực tế hay không”, ông Sơn lưu ý.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập lý giải, vấn đề này đều nằm trong quy trình thực hiện hợp đồng dầu khí và nhà đầu tư phải tuân thủ. Từ lúc bắt đầu hợp đồng dầu khí tới nay chưa để xảy ra vi phạm nghiêm trọng nào về không tuân thủ. Dầu rò rỉ, rơi vãi xăng dầu trên biển do nhiều nguyên nhân, ảnh hưởng tới môi trường biển…dẫn tới nhiều nghi ngại dầu khai thác ngoài khơi có bị rò rỉ hay không?

"Các sự cố đều không thể giấu được, phải báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Việc đánh giá, giám sát thực hiện thăm dò khai thác dầu khí thuộc về quy trình, thì nên đưa vào Nghị định hướng dẫn, hơn là đưa ngay vào luật”, ông Thập nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cảnh Nam, Hội Khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam, luật nên quy định càng cụ thể, càng rõ ràng càng tốt.

Cùng mối quan tâm, ông Đoàn Văn Thuần, Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, dự án luật chưa cập nhật những xu hướng mới, công nghệ mới. Chẳng hạn công nghệ lưu giữ phát thải CO2, hiện Indonesia có chính sách, nhà thầu khi ký hợp đồng dầu khí có quyền chôn lấp CO2 với mỏ dầu khí. Theo ông, dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi nên bổ sung điều khoản về lưu giữ CO2 trong bối cảnh các mỏ cạn kiệt, còn chi tiết thì quy định trong nghị định.

Chia sẻ với ông Sơn, Phó trưởng khoa Dầu khí, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Lê Quang Diến cho rằng, sự cố tràn dầu nhiều khi do nhiều nguyên nhân, nên có những quy định thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào. Quy định xả thải ra biển, tiêu chuẩn mỗi nước khác nhau nên cũng cần xem xét.

“Chôn lấp CO2 ở Việt Nam mới chập chững ở bước đầu nghiên cứu, song các nước đã làm từ lâu. Đây là quyền lợi cũng là nghĩa vụ của nhà đầu tư. Dù tương lai 5-10 năm nữa chưa cấp bách nhưng cũng nên có quy định ban đầu để bước đầu phát triển loại hình này”, ông cho hay.

“Khai thác tận thu, khai thác vét”

Theo Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập, cần cân nhắc, bổ sung chính sách ưu đãi, chẳng hạn như bổ sung thêm khoản: Trường hợp kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò, nhà đầu tư thấy cần ưu đãi cao hơn để chuyển sang giai đoạn khai thác, thì họ sẽ trình hồ sơ xin thay đổi, Bộ Công Thương thẩm định. “Nếu bổ sung điểm này, luật ra đời sẽ thể hiện tính bao quát, ưu đãi cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích”, ông Thập nói.

'Thưởng' cho nhà đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí nếu họ 'đem lại chiếc bánh to hơn'? ảnh 2

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng, dự thảo luật cần đề cập tới đặc thù riêng cho doanh nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí, như vậy sẽ phản ánh đúng tình hình, không cản trở vì thủ tục hành chính làm phát sinh chi phí cho nhà đầu tư. Mặt khác, trong hoạt động khai thác có tình huống khai thác tận thu, nhưng dự thảo chưa có khái niệm “khai thác tận thu, khai thác vét”, trong khi thực tế đang có một số mỏ khai thác vét, tận thu. Do vậy cần bổ sung đây là đối tượng của luật.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thiết kế chính sách để tăng thu hút đầu tư tư nhân trong thăm dò khai thác dầu khí. Các khái niệm phải làm rõ để áp dụng các chính sách ưu đãi khác nhau, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%; đồng thời tăng thuế xuất khẩu lên gấp đôi, nếu không lại đi “mua đắt mua rẻ”.

Tuy nhiên, ông Phong cũng lưu ý bổ sung quy định “tước bỏ ưu đãi” trong trường hợp nào, phòng trường hợp lạm dụng ưu đãi. “Cho ưu đãi thì phải có nguyên tắc thu hồi ưu đãi nếu sai phạm, không tuân thủ”, ông Phong cho hay, đồng thời nhấn mạnh quy định “hoàn trả môi trường” dự án dầu khí, đề cao yếu tố môi trường, nếu chỉ quy định “thu dọn” thôi thì chưa đủ.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đặt vấn đề, có nên thiết kế chính sách thưởng ưu đãi cho nhà đầu tư trong thăm dò, khai thác dầu khí hay không? Ông lưu ý, khi làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, nếu họ “đem lại chiếc bánh to hơn” sẽ có chính sách kéo dài ưu đãi, mang tính chất “thưởng” cho họ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.