Chiều 22/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 mặc dù diễn ra trong 2,5 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch 2024 và sát Tết Nguyên đán Giáp Thìn nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng; Quốc hội đã xem xét, thông qua hai luật, hai nghị quyết.
“Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 nhằm giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai, có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cả nhiệm kỳ và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, ông Cường nêu.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), theo Tổng Thư ký Quốc hội, đây là dự án luật lớn, rất khó và phức tạp, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội…
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo luật trình tại kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, thảo luận qua nhiều vòng, nhiều bước; Quốc hội đã dành tối đa thời gian để thảo luận, tranh luận kỹ lưỡng, đi đến cùng đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao các cơ quan có liên quan nghiên cứu giải trình thuyết phục, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội…
Do đó, dự thảo luật đã đạt được tỷ lệ tán thành cao khi Quốc hội biểu quyết thông qua. Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội…
Về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đây cũng là luật khó, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Việc Quốc hội ban hành Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững; tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phổ biến; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại có giá trị gia tăng cao…
Nhiệm vụ trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua; sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật, nghị quyết.
Các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục lắng nghe, tổng hợp và thường xuyên giữ mối liên hệ với cử tri và nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan; dành thời gian thỏa đáng để tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn.