Hai đoản khúc Ba mươi tháng Tư

Mike Hastie cùng con gái tại Sơn Mỹ với tác giả bài viết.

I. Bữa cơm Việt - Hàn nơi nhà bia tưởng niệm Ngày giỗ 50 năm vụ thảm sát Xóm Tây – Hà My ít ai ngờ kết thúc bằng những mâm cơm ấm cúng đầy ắp nụ cười của dân làng cùng những người đến từ Hàn Quốc ngay tại khuôn viên khu tưởng niệm. Khi chỉ ít phút trước đó, giữa khói nhang, những vòng hoa đính băng đen và tiếng chuông mõ nguyện cầu là nước mắt đôi bên. Là những lời sám hối. Là cảnh hơn 40 người Hàn Quốc quỳ xuống rập đầu xin dân làng tha thứ cho những tội lỗi mà đồng hương họ đã gây ra…

Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc ông Kim Hyun Kwon cứ cầm lon bia Larue trên tay mải cười nói với dân làng đến nỗi quên cả bật nắp. Trên từng mâm đều có cả rượu gạo làng Hà My và rượu Soju. Có bánh chưng, thịt heo, ram chiên, bắp chuối trộn và chả quết lá chuối… Những người đàn ông, phụ nữ Hàn Quốc ngồi xen lẫn giữa dân làng Hà My, nói cười chúc tụng. Ai nấy sử dụng những đôi đũa tre một cách thuần thục…  

Nghị sĩ Kim Hyun Kwon là vị chức sắc cao nhất của Hàn Quốc sang Việt Nam dự lễ sám hối, tưởng niệm nạn nhân các vụ thảm sát do lính Nam Hàn gây ra tại đây tròn nửa thế kỷ trước. Trong đoàn 41 thành viên Quỹ hòa bình Hàn Việt, đại diện cho mọi tầng lớp, từ trí thức, nhà hoạt động xã hội, nghệ sĩ, giáo viên, sinh viên học sinh đến nông dân tại xứ sở kim chi. Họ sám hối. Và cũng là để thể hiện thái độ yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc phải chính thức xin lỗi về tội ác đã gây ra cho người dân Việt Nam trong quá khứ.

Buổi sáng ngày 24 tháng Giêng năm Mậu Thân (ngày 25/2/1968), tại xóm nhỏ của vùng cát Hà My - Điện Dương (Quảng Nam) này, lính Lữ đoàn “Rồng Xanh” Đại Hàn đã ập đến xả súng, quăng lựu đạn sát hại cùng lúc 135 thường dân vô tội, chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em. Cùng trong tháng Giêng năm ấy tại Quảng Nam, lính đánh thuê Nam Hàn còn liên tiếp gây ra hàng loạt vụ thảm sát tại làng Phong Nhất-Phong Nhị (Điện An, Điện Bàn) khiến 74 người chết; tại Duy Nghĩa - Duy Xuyên giết 149 mạng người… 

Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Như lời phát biểu của ông Nguyễn Phu thay mặt những người dân sống sót: “Nỗi đau những người thân chết một cách thảm thương, đau xót không một lời trăn trối. Nỗi đau những người thân chết bị mồ xiêu mả lạc. Nỗi đau một số gia đình chết hết, không còn ai hương khói phụng thờ. Nỗi đau một số cháu không còn người thân nương tựa, sống lẻ loi đơn độc chỉ còn dựa vào nghĩa tình làng xóm. Nỗi đau một số người còn sống nhưng phải mang thương tật và di chứng suốt đời...”. Ông Phu giờ là chủ lễ cúng tế hàng năm của làng. Ông cũng là phó “Ban liên lạc Xóm Tây Hà My”. Ban liên lạc có một không hai, gồm toàn bộ thân nhân của những người bị thảm sát. 

Bữa cơm hòa hợp Việt-Hàn nơi nhà bia tưởng niệm vụ thảm sát Hà My. Ảnh: Trần Tuấn.

Nỗi đau, như “Khúc tưởng niệm” viết từ khi xây dựng nhà bia năm 2000, nay làng lồng vào khung kính trao tặng cho đoàn Quỹ hòa bình Hàn Việt nhân buổi giỗ chung này. “…Dân lập làng Hà My, Hà Quảng, Hà Bản, Hà Lộc, Gia Lộc… vốn dĩ chân lành, sinh dưỡng bình yên, cày cuốc đi khơi, kiếm mớ rau con cá. Lúc trời lặng bể im, một cõi đất an nhiên, tự tại… Nào hay: Một sớm mùa xuân năm 1968, nhằm Hai mươi bốn tháng Giêng, lính Rồng Xanh ào đến như điên, hung tàn dồn dân lành thảm sát. Một xóm Hà My, nhà ba mươi nóc, một trăm ba lăm dân xác rụng tơi bời, cháy đỏ một vùng máu đổ. Cát trộn lẫn xương… Đau đớn thay bấy mẹ già, cha yếu ngã gục thềm nhà. Hãi hùng thay trẻ nít rên la, can qua khó tránh quýnh quáng chồng xác lên nhau, đạn ác nào chẳng trúng, có người chết máu còn khô đọng, trẻ bò lên bụng mẹ tìm chút sữa tàn. Có trẻ con miệng mất quai hàm, khát cháy cổ mà không chỗ uống. Sau cảnh ấy còn thêm thê thảm, xích xe tăng cào quật mả mồ. Một vùng bóng tà, cỏ áy, xương khô, tưởng oan linh còn hiện lòa mây kêu thấu trời xanh. Nay nghĩ: Trời có lúc tối lúc minh. Đã 25 năm hòa bình xây dựng quê hương trở lại bình an. Đất Điện Dương lại ngọt khoai, xanh lúa tốt màu. Biển sông giàu tôm cá. Người Đại Hàn thuở gây oán gieo sầu nay đã tìm về tạ lỗi. Vậy dựng đài bia tạc trên tha thứ. Lấy nghĩa nhân mở đường hợp tác phát triển quê hương. Bãi cát hàng dương xin ghi khắc trận thảm sát Hà My để nhớ: - Một nén tâm nhang, vọng giải trời oan, yên lòng chín suối; - Ngàn năm mây trắng, nguyện cầu xóm làng phồn thịnh bình yên”…

“…Thời gian thấm thoát, hôm nay đã là ngày tưởng niệm tròn 50 năm. Và chúng tôi vẫn tìm về, vẫn cúi mặt trong niềm hổ thẹn khôn nguôi… Chúng tôi không cất nổi thành lời, dù chỉ là một lời xin lỗi, chỉ còn biết gồng mình cố nén tiếng khóc cứ chực vỡ òa ra. Biết làm sao để được thứ tha?! Hỡi những sinh mệnh đáng thương chưa sống trọn kiếp người. Chỉ còn lại cái tên, mà đâu chỉ vậy, có những người còn chưa kịp có tên để lưu lại trên bia đá lạnh. Biết phải làm gì để được thứ tha?...”. Ðiếu văn của ông Kang U Il

Như lời điếu văn ngẹn ngào của ông Kang U Il - Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn Việt đọc trước vong linh 135 người Hà My: “…Thời gian thấm thoát, hôm nay đã là ngày tưởng niệm tròn 50 năm. Và chúng tôi vẫn tìm về, vẫn cúi mặt trong niềm hổ thẹn khôn nguôi…

Chúng tôi không cất nổi thành lời, dù chỉ là một lời xin lỗi, chỉ còn biết gồng mình cố nén tiếng khóc cứ chực vỡ òa ra. Biết làm sao để được thứ tha?! Hỡi những sinh mệnh đáng thương chưa sống trọn kiếp người. Chỉ còn lại cái tên, mà đâu chỉ vậy, có những người còn chưa kịp có tên để lưu lại trên bia đá lạnh. Biết phải làm gì để được thứ tha?...”.

Chỉ cách những mâm cơm hòa hợp Việt - Hàn buổi trưa ấy trong ngày giỗ chung của làng mấy bước chân là hai ngôi mộ phủ cát rộng lớn mênh mông ghi ba chữ “Mộ tập thể”. Khi ngày ấy hàng trăm người ngã xuống đã liền bị cày ủi không còn tìm được xương cốt. Từ nhiều năm trước, những người Hàn đã về đây góp tiền xây dựng nên nhà bia tưởng niệm này. Và giờ đây họ tiếp tục tham gia trùng tu nhà bia, khuôn viên để nơi này sẽ trường tồn mãi theo thời gian.

Những người Hàn Quốc vẫn đi về thường xuyên những nơi này. Mỗi ngày một đông thêm. Với lời hối lỗi và những món quà mang thông điệp hòa bình. Là những gói trà sâm nho nhỏ, những chiếc áo, những tấm thiệp tự làm trên đó luôn có dòng chữ “Xin lỗi Việt Nam” do những bạn trẻ tự tay nắn nót. Và những người từ hai phía đã mở lòng, ôm lấy nhau, nghẹn ngào... 

Mặt trước tấm danh thiếp đặc biệt của Mike Hastie. Ảnh: Trần Tuấn.

II. Zippo thấm máu, chiếc máy ảnh thảm sát, và tấm danh thiếp “WHY?”

Trần Văn Đức hôm nọ gửi tôi tấm ảnh ghi lại cảnh một lính Mỹ đang dùng bật lửa Zippo đốt nhà dân ở Mỹ Lai - Sơn Mỹ (Quảng Ngãi). Kèm lời chú thích: “Tấm ảnh màu của Ronald Haeberle chụp ngày 16/3/1968. Tấm ảnh này chưa từng xuất hiện ở công luận. Đây là một trong những tấm hình Ron không đưa ra công luận trong serie ảnh màu chụp bằng máy Nikon-F”… Bức ảnh do chính Ronald Haeberle gửi Đức.

Tay lính Mỹ trong ảnh xòe lửa Zippo lên mái tranh ngôi nhà xinh xắn có giàn bông giấy trông vẻ nhẩn nha như một đứa trẻ đang đùa nghịch. Còn khẩu tiểu liên M16 anh ta cầm trên tay kia chắc hẳn vừa nhả đạn, góp phần cùng đồng đội bắn giết cùng lúc 504 thường dân vô tội làng Mỹ Lai buổi sáng ngày 16/3 tròn 50 năm trước. Lúc ấy, cậu bé Trần Văn Đức 7 tuổi đã lấy thân mình nằm đè lên em gái út Trần Thị Hà lúc ấy mới 14 tháng tuổi để che đạn Mỹ cho em. Hai anh em may mắn sống sót. Nhưng Đức không thể cứu được người mẹ, chị Hai và một em gái khác của mình. Toàn bộ cuộc tàn sát đó đã được phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ Ronald Haeberle có mặt ghi lại cùng lúc với hai chiếc máy ảnh trên người. Một chiếc Leica chụp phim trắng đen do quân đội Mỹ cấp. Và chiếc Nikon-F của riêng Ron, chụp ảnh màu. Chiếc Leica cùng toàn bộ các cuốn phim sau đó được Ron giao cho chỉ huy. Còn những tấm ảnh màu trong chiếc máy cá nhân của Ron, sau này đã gây chấn động cả thế giới.

Trần Văn Ðức dâng chiếc máy ảnh Nikon-F lên trước tượng đài chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: Thân Lai.

Chiếc bật lửa Zippo khiến tôi nhớ tới Cẩm Nê, một ngôi làng nhỏ thanh bình của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) nổi danh với nghề đan dệt chiếu cói-cái nghề theo chân những bậc tiền hiền Nam tiến từ Thanh Hóa vào. Buổi tối 5/8/1965, cả thế giới kinh hoàng với những thước phim phóng sự “chiến dịch Zippo” phát trên truyền hình CBS News (Mỹ). Ghi lại cảnh lính thủy đánh bộ Mỹ dùng bật lửa Zippo cùng súng phun lửa thiêu cháy toàn bộ ngôi làng với 150 nóc nhà tranh. Dân làng người chết cháy, người chết vì đạn bắn, tra tấn, còn phụ nữ bị cưỡng hiếp la liệt… Sốc đến mức Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson xem xong lập tức “nổi khùng” gọi điện văng tục cả với Frank Stanton - ông chủ của hãng CBS vì “đã làm vấy bẩn lá cờ nước Mỹ”. Nhưng sự thật vẫn không thể nào chối bỏ. Thế giới đã nhìn hoàn toàn khác, đầy cảnh giác và bất bình với quân đội Mỹ chỉ sau mấy tháng đặt chân đến Việt Nam. Phóng sự “Zippo” của phóng viên Morley Safer lập tức được xếp vào những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất thế kỷ 20.

Nhớ mùa hè năm 2003, tôi về Cẩm Nên khi câu chuyện đau thương này vừa được khơi lại trên báo chí Mỹ. Nhớ lời kể chậm buồn của ông Huỳnh Đãi, khi đó đã 75 tuổi, ở đội I Cẩm Nê. Rằng ngôi làng này đã bao phen ngập chìm trong lửa. Tây đốt. Đại Hàn cũng đốt. Nhưng Mỹ đốt và càn quét thì kinh hoàng quá. Nhớ lời kể của anh Nguyễn Hữu Khứ, phó thôn, kể về 3 lần nhà mình bị đốt. Trong “chiến dịch Zippo”, anh Khứ mới 11 tuổi, chứng kiến cảnh phụ nữ trong làng bôi lọ nghẹ (nhọ nồi) và bùn đất khắp người khiếp đảm cố chạy khỏi sự lùa đuổi của lính Mỹ. Mẹ anh là bà Ngô Thị Nối hôm ấy bị lính Mỹ bắt đánh đập đến mất trí.

Trở lại với chuyện của Đức và Ron, tên gọi thân mật vẫn dành cho Ronald Haeberle. Khi nhận ra hai anh em Đức - Hà chính là hai đứa bé nằm che chở cho nhau giữa làn đạn trong ảnh, Ron đã quyết định tặng lại cho Đức chiếc máy ảnh Nikon-F lịch sử, như một lời tạ lỗi thay cho những đồng đội một thời. Từ đấy, chiếc máy ảnh trở thành vật bất ly thân với Trần Văn Đức mỗi khi anh từ nơi định cư là nước Đức xa xôi trở về thăm lại quê nhà. Để kính cẩn đặt chiếc máy ảnh ấy lên nấm mộ người thân, trong nỗi nghẹn ngào. Còn Ron, cựu phóng viên chiến trường năm nay đã 72 tuổi, mỗi lần về Mỹ Sơn chỉ còn thói quen chụp ảnh bằng chiếc điện thoại di động... 

Bên tượng đài Sơn Mỹ hôm ấy tôi gặp một ký giả đặc biệt nữa là Celina Dunlop của tờ The Economist nổi tiếng. Người phụ nữ Anh có nụ cười dung dị giờ đây chẳng mang theo thứ máy móc tác nghiệp nào, chỉ luôn nắm chặt tay một người đàn ông Sơn Mỹ gương mặt khắc khổ có tên là Đỗ Ba. Kể từ khi may mắn sống sót giữa hơn 100 xác người, trong đó có xác mẹ và anh chị mình, Đỗ Ba khi ấy mới 8 tuổi đã bị sốc nặng, để gần suốt mấy chục năm sau đó bị suy sụp, trầm cảm. Cho mãi đến khi được gặp lại Lawrence Colburn - viên cựu xạ thủ trực thăng ngày ấy đã cứu mình khỏi toán lính Mỹ khát máu, Đỗ Ba mới dần trở lại thành một người bình thường.   

Chính nữ ký giả Celina Dunlop đã khiến kẻ cuồng sát nhất trong vụ thảm sát Sơn Mỹ là trung úy Wiliam Calley phải lần đầu tiên lên tiếng xin lỗi về tội ác mình gây ra. Calley cũng chính sĩ quan duy nhất bị buộc tội trong vụ thảm sát này. “Không có ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận về những gì đã xảy ra hôm đó ở Mỹ Lai”, Wiliam thú nhận. Đó là vào năm 2009, một năm sau khi Dunlop bằng sự dũng cảm và cố gắng không mệt mỏi đã “khui” ra toàn bộ 400 lời khai của các nhân chứng về vụ thảm sát. Khi toàn bộ hồ sơ này bị phía Mỹ giữ kín, “chôn vùi” hoàn toàn.

Lính Mỹ đang dùng bật lửa Zippo đốt nhà dân ở Mỹ Lai - Sơn Mỹ - Ảnh chưa công bố của Ronald Haeberle.

*  *  *

Bật lửa Zippo là vật dụng quen thuộc với mỗi người lính Mỹ. Hàng ngàn chiếc Zippo như là mặt hàng lưu niệm vừa được bán hết veo khi tàu sân bay USS Carl Vinson cùng hạm đội hải quân Mỹ cập cảng Đà Nẵng trong sứ mệnh hòa bình tuần đầu tháng 5/2018. 

Tôi không mua chiếc Zippo nào. Nhưng lại có được một “món quà” đặc biệt khác từ một cựu binh Mỹ gặp ở Mỹ Lai. Đó là tấm danh thiếp của Mike Hastie - bác sĩ quân y Mỹ có mặt tại chiến trường An Khê (Gia Lai) năm 1970. Mặt trước của danh thiếp in hình chiếc trực thăng với dấu chữ thập đỏ và một chữ “WHY?” màu trắng thật lớn. Còn toàn bộ mặt sau in đoạn trích của tiểu thuyết  “Johnny Got His Gun”. “Johnny cầm súng” của nhà văn, nhà biên kịch Hollywood lừng danh Daltol Trumbo được xếp vào một trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh hay nhất mọi thời đại. Daltol Trumbo khiến liên tưởng đến đạo diễn Oliver Stone. Sau “Trung Đội”, “Trời và Đất” về chiến tranh Việt Nam là “Làng Hồng” về  Sơn Mỹ, nhưng cuối cùng không thành. Dẫu Stone đã dành mấy năm trời lặn lội khắp làng trên xóm dưới, gặp nhiều người Mỹ Lai. 

Tại sao Mỹ Lai?!…

“Nếu bạn chiến đấu vì một điều gì đó quan trọng có thể hy sinh tính mạng mình thì trước khi chết bạn nên nghĩ về lý do này. Thế bọn trẻ con trước khi chết cũng phải nghĩ về những thứ như dân chủ, tự do,... hay sao? Khốn kiếp, bạn thì đúng nhưng chúng nó thì không?!”, Daltol Trumbo đã viết vậy.

Còn trên đầu tấm danh thiếp có lẽ đã gửi đi khắp thế giới của mình, cựu binh Mike Hastie viết: “Lying is the most powerful weapon in war” (Trong chiến tranh, nói dối là thứ vũ khí mạnh nhất).