Theo ông Hào, năm 1980, trong lúc đào bới khu đất trong làng thì người dân Trà Liên, xã Triệu Giang (Triệu Phong) đã phát hiện Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1. Hiện vật sau đó chuyển về lưu giữ tại Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Triệu Hải (nay là Phòng VH-TT huyện Triệu Phong). Tháng 11/1996, hiện vật được chuyển giao cho Bảo tàng tỉnh Quảng Trị bảo quản và phát huy tác dụng.
Phù điêu được phát hiện tại khu tháp Chăm Trà Liên có hình tam giác cân không đỉnh, được làm từ chất liệu đá sa phiến thạch. Phù điêu bị vỡ một góc bên trái. Toàn bộ nội dung của phù điêu được tập trung thể hiện ở một mặt, đóng trong một khung hình vòm được khoét lõm sâu hơn 10cm. Mảng phù điêu chiếm gần hết 2/3 bề mặt. Phù điêu của tấm lá nhĩ chạm hình thần Surya- thần Mặt trời và hai trợ thủ.
Còn Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2 được cán bộ Bảo tàng tỉnh Quảng Trị phát hiện vào năm 1992 tại di tích tháp Chăm Trà Liên ở làng Trà Liên, xã Triệu Giang (Triệu Phong). Khi phát hiện, phù điêu được đặt ở tư thế dựng đứng, quay mặt về hướng Đông.