Hà Tĩnh hứa đưa 600 học sinh trở lại lớp trong tháng 12

Phản đối việc sáp nhập trường, hơn 3 tháng nay, nhiều phụ huynh ở xã Hương Bình đồng loạt cho con em nghỉ học, đồng thời gửi đơn thư kiến nghị đến nhiều cấp.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ không muốn kết thúc sự việc này bằng một vụ án hình sự. Ảnh: Đức Hùng

Sáng 3/12, Ban tuyên giáo tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức họp báo liên quan đến việc 600 học sinh được phụ huynh cho nghỉ học để phản đối chủ trương sáp nhập trường THCS Hương Bình sang trường Hòa Hải và Phúc Đồng trong cùng huyện Hương Khê.

Ông Nguyễn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định chủ trương sáp nhập trường THCS Hương Bình với trường Hòa Hải và Phúc Đồng là hoàn toàn đúng đắn. Đề án này đã được khảo sát, thậm chí có đề tài nghiên cứu khoa học của một nhà giáo nhân dân. Việc sáp nhập các trường học trên toàn tỉnh được làm từ 2011 tới nay, THCS Hương Bình là trường cuối cùng của tỉnh trong việc thực hiện lộ trình.

“Việc hoài nghi chủ trương của tỉnh là không đúng. Tại Hương Khê còn nhiều xã học sinh đi học còn xa hơn ở Hương Bình.  Rõ ràng việc tuyên truyền ở cấp dưới chưa đạt hiệu quả. Cấp ủy cần dồn sức để thuyết phục nhân dân đồng thuận”, ông Thiện phát biểu.

Theo vị Phó chủ tịch tỉnh, khi người dân có ý kiến về việc con cái họ đi lại khó khăn, đường sá xa xôi nguy hiểm, lãnh đạo tỉnh đã về khảo sát và chỉ đạo làm đường vượt lũ nối từ xã Hương Bình tới xã Hòa Hải, dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2015. Khi đường được đưa vào sử dụng, khoảng cách được rút ngắn, xa nhất chỉ còn 4,5 km.

Huyện Hương Khê cũng đã thuê hai xe buýt đưa đón học sinh xã Hương Bình tới các điểm trường sáp nhập để học. Tuy nhiên trong mấy ngày qua, chỉ có 4 trong số hơn 200 học sinh bậc THCS lên xe đưa đón tới lớp. Số học sinh mầm non, tiểu học, vẫn được phụ huynh cho ở nhà. Theo lý giải của nhiều phụ huynh, việc cho con em không thuộc diện sáp nhập nghỉ học là bởi nếu học tiếp, rồi cũng lên cấp II và sẽ phải lặn lội đường xa đi học.

Về việc người dân cho rằng trường Hương Bình là trường chuẩn quốc gia, không nên bỏ đi, ông Thiện nhấn mạnh, trường THCS Hòa Hải cũng là trường chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất tốt, con em tới đó học sẽ góp phần nâng cao chất lượng. Hơn nữa trường Hương Bình chỉ được mở 8 lớp, không thể tăng số lượng, theo quy mô phải có 16 lớp mới đảm bảo tiêu chí của trường chuẩn quốc gia.

Người dân treo băng rôn mong muốn giữ lại trường Hương Bình. Ảnh: Đức Hùng.

Về việc thuê xe đưa đón học sinh, ông Hoàng Công Lý, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê khẳng định đây là việc làm thường xuyên, không phải đối phó tình thế. Vị phó chủ tịch huyện cũng bác bỏ thông tin chính quyền định bán trường Hương Bình; đồng thời khẳng định sau khi sáp nhập, ngôi trường này sẽ được bàn giao cho xã sử dụng.

Xung quanh tranh cãi về quãng đường từ trường Hương Bình tới hai điểm trường Hòa Hải và Phúc Đồng, ông Hoàng Công Lý, khẳng định khi chưa hoàn thành đường vượt lũ, khoảng cách chỉ là 8 km chứ không phải là 12 km như phản ánh của người dân.

Liên quan việc hơn 3 tháng nay, người dân căng lều bạt, túc trực ngày đêm tại cổng trường THCS Hương Bình, lãnh đạo Phòng An ninh xã hội (PA 88) Công an tỉnh Hà Tĩnh thông tin đã triển khai các hoạt động từ cuối tháng 8 để đảm bảo trật tự. Cơ quan chức năng ghi nhận 12 vụ việc liên quan và đã điều tra đã kết luận được 9 vụ. “Công an tỉnh đã có dữ liệu của những đối tượng cầm đầu xúi dục, kích động, cản trở con em đến trường. Một số người đã được mời lên huyện, xã hơn hai lần để làm việc. Công an đang điều 3 vụ liên quan đến việc có một số người làm đơn, tổ chức thu tiền người tham gia khiếu kiện”, vị lãnh đạo ngành Công an cho hay.

Trả lời câu hỏi của VnExpress về việc nếu người dân không cho con em đi học, Hà Tĩnh có mở lại trường Hương Bình không? Ông Đặng Quốc Vinh, Trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định, tỉnh sẽ vẫn thực hiện chủ trương kế hoạch đã đề ra, chậm nhất giữa tháng 12 phải đưa tất cả các học sinh đến trường. “Cách đây vài năm, phụ huynh cũng phản đối sáp nhập trường ở xã Đức Lâm (huyện Đức Thọ), cơ quan chức năng đã phải xử lý hình sự mới giải quyết được vụ việc. Bằng mọi giá phải vận động, mạnh mẽ, thuyết phục người dân cho con em đi học. Lãnh đạo tỉnh không muốn kết thúc việc này bằng một vụ án hình sự”, ông Vinh nói và chia sẻ rằng việc này là hành động không đẹp, suy cho cùng là có tội với trẻ em.

Để vận động người dân đưa con em tới trường, huyện Hương Khê đã ra quyết định tất cả các học sinh THCS Hương Bình đi học đều không phải đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất trường học. Theo báo cáo mới nhất, tới nay đã có 77/247 học sinh bậc THCS đi học. Huyện đã hỗ trợ gạo và xe đạp cho tổng cộng 38 em có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Đức Hùng

Theo VnExpress