UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn cho phép hoạt động trở lại đối với một số dịch vụ bắt đầu từ 0h ngày 23/9.
Theo đó, cho phép hoạt động dạy học và ăn bán trú đối với bậc học mầm non. Dịch vụ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, phòng tập gym, bi-a, yoga .... được hoạt động theo nguyên tắc không quá 50% công suất, không quá 30 người trong cùng thời điểm và chỉ được hoạt động đến 21h đêm.
Dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng tay/móng chân, cơ sở thẩm mỹ/spa hoạt động theo nguyên tắc không quá 50% công suất của mỗi cơ sở và chỉ được hoạt động đến 21h đêm.
Quá trình hoạt động, cơ sở kinh doanh phải cam kết với địa phương, quản lý khách hàng, đảm bảo quy định phòng dịch.
Cho phép xe buýt nội tỉnh hoạt động nhưng mỗi chuyến xe chở không quá 50% chỗ ngồi, bắt buộc đo thân nhiệt hành khách, tuyệt đối không cho hành khách có dấu hiệu ho, sốt, khó thở lên xe; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại và quét mã QR khách đi xe trên từng chuyến xe; bắt buộc đeo khẩu trang, ngồi giãn cách theo quy định.
Tiếp tục hạn chế tổ chức các đám cưới, đám hỏi, sinh nhật, mừng thọ, mừng nhà mới, gặp mặt. Hạn chế tối đa không quá 30 người tham gia đám tang và yêu cầu tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Hoạt động thể thao ngoài trời được mở cửa nhưng không quá 30 người tại một khu vực trong cùng một thời điểm. Riêng karaoke, rạp chiếu phim, quán bar, vũ trường, xông hơi, massage; các điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập Internet công cộng tiếp tục dừng hoạt động.
Từ ngày 4/6 đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận 451 ca mắc COVID-19, trong 20 ngày trở lại nay không có ca mắc trong cộng đồng.
Hàng quán ở Buôn Ma Thuột được phục vụ khách tại chỗ sau gần 2 tháng đóng cửa
Chiều 22/9, ông Đoàn Ngọc Thượng- Phó Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột ban hành công văn về hoạt động kinh doanh dịch vụ trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19.
Theo UBND TP.Buôn Ma Thuột, đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản đã được kiểm soát, các ổ dịch mới phát sinh tại phường Thành Nhất, Tân Thành, Tân Hòa cơ bản đã được khống chế, không phát sinh thêm ca bệnh mới trong cộng đồng.
Căn cứ tình hình trên, UBND Thành phố cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại, thời gian bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/9/2021.
Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quán ăn, nhà hàng, quán cà phê được bán và phục vụ khách tại chỗ, nhưng phải đảm bảo các điều kiện không phục vụ quá 10 người trong cùng một thời điểm; trường hợp cơ sở kinh doanh có không gian lớn được phục vụ không quá 20 người tại cùng một thời điểm; không phục vụ khách trong phòng kín, không sử dụng điều hòa; bố trí người đo thân nhiệt, sát khuẩn, có gắn biển mã QR phục vụ khai báo y tế điện tử; ghi chép họ tên, địa chỉ, số điện thoại của từng khách hàng để theo dõi và phục vụ công tác phòng, chống dịch…
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, người chế biến, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang, găng tay trong suốt thời gian chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, thực phẩm, phục vụ khách hàng; khuyến khích hình thức “mua mang về” và dịch vụ giao hàng tận nhà…
Như vậy gần 2 tháng (từ ngày 24/7 đến nay) TP. Buôn Ma Thuột liên tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, 15+, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa hoặc chỉ được bán mang về, nay mới được phép hoạt động phục vụ khách tại chỗ.
Chủ quán ăn ở Bắc Giang phấn khởi ngày đầu hoạt động trở lại
Từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Ánh, một chủ quán bún chả ở phường Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang luôn bận rộn với công việc. Ba người trong gia đình chị phân nhau công việc để phục vụ khách đến ăn sáng. Chồng chị nướng thịt, chả, còn chị làm phở bún cho khách. Phía bên trong, mẹ chồng chị rửa bát đĩa.
“Tối qua, chúng tôi rất phấn khởi khi biết tin cửa hàng ăn uống được bán cho khách ăn tại quán. Trước đó, chúng tôi chỉ bán mang về nên cũng có nhiều bất tiện cho khách”, chị Ánh vui vẻ cho biết.
Chồng chị Ánh ở cạnh bên nhanh tay lật những miếng chả thơm phức trên than hồng. Chị Ánh cho biết thêm, từ đêm qua, gia đình đã chuẩn bị nguyên liệu nhiều hơn ngày trước để chủ động phục vụ khách đến quán hôm nay.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một vị khách đến ăn sáng tại quán chị Ánh hít một hơi thật sâu để cảm nhận mùi thơm của chả nướng nóng hổi trong bát bún. “Đây là quán quen của tôi. Lâu rồi, tôi mới được đến quán để ăn sáng cùng bạn bè, cảm giác rất vui. Chúng tôi chú ý ngồi giãn cách với người lạ”, anh Hùng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Tự, một chủ quán cơm ở gần khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng (huyện Yên Dũng) cho biết, từ tối qua, khi biết thông tin dịch vụ ăn uống được phép phục vụ khách tại quán, nhiều mối quen đã gọi điện cho anh để đặt bàn.
“Trước đó, tôi chỉ bán mang về nên cũng phát sinh thêm nhiều chi phí, rồi công đem đến tận nhà cho khách. Bởi vậy, số lượng khách cũng hạn chế. Trước dịch, tôi thu từ 15 – 20 triệu đồng/ngày. Hôm nay, tôi dự kiến làm 200 suất cơm”, anh Minh nói.
Trước tình hình dịch ở Bắc Giang được kiểm soát, anh Tự định mở thêm một quán ăn nữa tại xã Tăng Tiến (huyện Việt Yên) gần với khu công nghiệp. Để giữ khách, anh cung cấp thêm dịch vụ rửa xe miễn phí cho những người đến ăn tại quán.
Cùng với các quán ăn, tỉnh Bắc Giang cũng cho phép các dịch vụ spa, xông hơi được phép hoạt động trở lại. Một chủ spa (xin giấu tên) ở đường Hoàng Văn Thụ chia sẻ, cơ sở spa của chị phải dừng hoạt động khoảng 4 tháng do dịch nên ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế gia đình. Trong thời gian dừng hoạt động vì dịch, chị vẫn phải trả tiền thuê nhà.
“Tôi và nhân viên rất phấn khởi khi dịch vụ spa được phép hoạt động trở lại. Tôi đang dọn dẹp, vệ sinh cơ sở để đón khách vào ngày mai. Các nhân viên cũ cũng đã quay trở lại làm việc”, chủ quán spa chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng có cơ sở spa đã không thể trụ lại được sau dịch. Chị Nguyễn Linh An - chủ một tiệm spa trên đường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang đang thu dọn đồ để chuyển giao cho người khác. “Do ảnh hưởng của dịch nên tôi phải bán lại đồ nghề cho người khác. Nhiều tháng không thể hoạt động nên tôi không còn tiền để duy trì cơ sở spa nữa”, chị An chia sẻ.
Chuyển trạng thái mới trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình
Theo quyết định này, nhiều khu vực bị phong toả theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Tp. Đồng Hới; huyện Bố Trạch; TX Ba Đồn được chuyển từ trạng thái về thực hiện Chỉ thị 15 còn những khu vực khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thực hiện chỉ thị 19 (trừ các địa bàn có quyết định phong toả theo chỉ thị 16) kể từ 19h ngày 22/9.
Như vậy, sau gần 1 tháng thực hiện các quyết định phong toả tại địa bàn Tp. Đồng Hới; huyện Bố Trạch để truy vết các F0 và tách ra khỏi cộng đồng, đến nay cơ bản lực lượng y tế đã bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi địa bàn.
Theo ghi nhận của PV, trong thời gian này người dân ở các vùng phong toả theo các Chỉ thị 15; 16 của Thủ tướng chính phủ đã chấp hành nghiêm túc các quy định, quyết định của chính quyền và hỗ trợ tối đa lực lượng cán bộ y tế, cán bộ làm nhiệm vụ tại các điểm phong toả để mong muốn sớm trở lại cuộc sống bình thường mới.
Hiện tại, TX Ba Đồn (Quảng Bình) là một trong những vùng xanh khi trong thời gian dài không ghi nhận ca dương tính với SARS-Cov-2 trong cộng đồng. Tuy nhiên trong mấy ngày vừa qua, địa phương này liên tục phát hiện các ổ dịch tại các phường Quảng Thọ, Ba Đồn và điểm xuất phát dịch được xác định tại chợ Ba Đồn, đây là chợ lớn nhất vùng này với việc tập trung giao thương của người dân ở rất nhiều xã phường lân cận.
Hiện tại, TX Ba Đồn đang được tiến hành phong toả theo diện tích hẹp nhất có thể và khoanh vùng để kiểm soát các ổ dịch đồng thời điều tra truy vết nhằm khống chế dịch bệnh lây lan.
Toàn tỉnh Đồng Tháp không còn giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 23/9
Tối 22/9, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định về việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, chuyển trạng thái thực hiện công tác phòng, chống dịch tại thành phố Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò từ thực hiện Chỉ thị 16 sang thực hiện chỉ thị 15 ở mức cao hơn, bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/9 cho đến khi có thông báo mới.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò căn cứ Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 15/9 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh.
Như vậy, đến nay 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không còn thực hiện theo Chỉ thị 16.