Hà Nội: Trường công lập, học phí chót vót

TP - Thành phố Hà Nội hiện có 17 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao các cấp, trong đó trường có mức thu học phí cao nhất lên tới 6,1 triệu đồng/tháng, chưa tính các khoản thu khác. Nhiều phụ huynh, chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên đảm bảo điều kiện giáo dục đại trà, trong đó có việc xây thêm trường học, giãn sĩ số.

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao năm học 2024-2025. Trong đó, 3 trường mầm non có mức thu từ 3,8 đến 5,1 triệu đồng/tháng/học sinh. Ở bậc tiểu học, Trường tiểu học đô thị Sài Đồng đang có mức thu cao nhất lên tới 5 triệu đồng/tháng và thấp nhất là Trường tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm) có mức thu 3,7 triệu đồng/tháng. Ở bậc THCS, mức thu cao nhất là Trường THCS Lê Lợi có mức thu cao nhất lên tới hơn 4 triệu đồng/tháng và Trường THCS Cầu Giấy 3,3 triệu đồng/tháng. Ở bậc THPT, Trường THPT Phan Huy Chú đang có mức thu cao nhất là 6,1 triệu đồng/tháng và thấp nhất là Trường THPT Lê Lợi 3 triệu đồng/tháng đối với lớp chất lượng cao.

Trường công lập cao ở Hà Nội có mức thu học phí cao gấp nhiều lần so với trường công bình thường.

Mức thu học phí của các trường chất lượng cao năm nay cao hơn năm trước, trong đó có trường tăng tới 10% như: Tiểu học Tràng An, THCS Cầu Giấy, THCS Nam Từ Liêm.

Tính đến tháng 7/2024, thành phố Hà Nội có 17 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao bao gồm: 7 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS và 2 trường THPT. Trong đó, 16 đơn vị đảm bảo tự chi thường xuyên. Ngoài ra, địa phương còn có 2 trường công lập tự đảm bảo mức chi thường xuyên là: Mầm non Linh Đàm và THPT Hoàng Cầu. Hai trường này có mức thu học phí từ hơn 1,8 triệu đồng tháng đến 2,5 triệu đồng/tháng.

Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô quy định: Trường mầm non: 5,1 triệu đồng/học sinh/tháng; Trường tiểu học: 5,9 triệu đồng/học sinh/tháng; Trường THCS 5,3 triệu đồng/học sinh/tháng; Trường THPT: 6,1 triệu đồng/học sinh/tháng. Trên cơ sở mức trần học phí, các trường công lập chất lượng cao căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của địa bàn, cùng với cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và kết quả kiểm định để quyết định mức thu học phí cụ thể.

Theo quy định, việc học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao theo nguyên tắc tự nguyện. Học phí tại các trường này cũng được thu tương xứng với tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy được kiểm định.

Nên đảm bảo giáo dục đại trà

Đầu năm học 2024-2025, hàng trăm phụ huynh ở quận Nam Từ Liêm “quây” trường Tiểu học Tây Mỗ 3 nhằm đòi quyền lợi về việc cho con được học gần nhà. Theo Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm, Trường tiểu học Tây Mỗ 3 là trường định hướng chất lượng cao, sĩ số 35 học sinh/lớp. Nhiều phụ huynh đặt vấn đề, trong bối cảnh số học sinh tăng nhanh, các trường công lập trên địa bàn đang có sĩ số hơn 50 em/lớp, phải kê thêm bàn để các em có chỗ ngồi học tại sao quận lại định hướng xây dựng trường chất lượng cao. “Muốn xây dựng trường chất lượng cao, thu học phí cao trước hết phải đảm bảo giáo dục đại trà, đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT ở bậc tiểu học là 35 em/lớp”, một phụ huynh nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, ông từng có ý kiến về việc thành phố cần xem xét để có chính sách đột phá, đáp ứng nhanh chóng việc mở rộng và xây mới các cơ sở trường học các cấp đáp ứng nhu cầu học tập khi tăng dân số ở các quận huyện. Ngoài ra, thành phố cũng cần nêu cao vị trí vai trò trường học, đảm bảo các điều kiện để mỗi trường học đều có điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đồng đều, thỏa mãn nhu cầu gửi con đến trường của người dân Thủ đô.

Hiện nay, đối với các trường công lập chất lượng cao theo cơ chế tự chủ của các cơ quan sự nghiệp có thu, ngân sách nhà nước sẽ rút dần để nhà trường hoàn toàn tự chủ về tài chính là không phù hợp. Vì trường công tự chủ chất lượng cao bị rút kinh phí nhà nước thì các trường này phải thu học phí cao, thậm chí cao hơn của các trường tư. Trên thực tế, một số trường công chất lượng cao của thành phố hiện nay không thể đáp ứng được nên đã xin thôi không theo cơ chế tự chủ này. Do đó, ông từng đề xuất cơ chế không rút ngân sách nhà nước để các trường công tự chủ chỉ nâng dần học phí khi bổ sung chương trình giáo dục chất lượng cao phù hợp với mong muốn của phụ huynh và học sinh, khi đó mức thu học phí sẽ dễ chịu hơn hiện nay.

Trong khi các trường công lập bình thường của Hà Nội đang có mức thu học phí từ 19.000 đến 217.000 đồng/tháng theo khu vực thì trường chất lượng cao thu cao nhất lên tới 6,1 triệu đồng/tháng/học sinh.