UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn về việc triển khai Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND. Đây là nghị quyết quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình vi phạm trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, tập huấn các quy định của Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND đến Chủ tịch UBND các cấp, cán bộ phụ trách đô thị, xây dựng và đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước; đồng thời, tổ chức tuyên truyền phổ biến đến người dân, từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
UBND thành phố cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Nghị quyết; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện theo phạm vi địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ, điện nước trên địa bàn thành phố có trách nhiệm thông báo đến các tổ chức, cá nhân có hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước về các nội dung quy định tại Nghị quyết số 33/2024; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước đảm bảo theo thời gian có hiệu lực thi hành của Nghị quyết (ngày 1/1/2025).
Trước đó, tại kỳ họp thứ 19, được tổ chức ngày 19/11, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố.
Theo Nghị quyết, có 8 trường hợp sẽ áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Ví như, công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng; Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm, công trình vi phạm về PCCC…Nghị quyết này sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2025.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 6/2024, UBND các quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 182.571 công trình. Qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 10.494 công trình có vi phạm quy định về trật tự xây dựng.
Đối với lĩnh vực PCCC, hiện toàn thành phố có 1.707 công trình vi phạm, chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo các điều kiện về PCCC. Lực lượng chức năng đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động hoặc yêu cầu dừng hoạt động đối với 1.538/1.538 cơ sở. Đến tháng 9/2024, mới có 53 cơ sở karaoke đã đảm bảo PCCC có thể đi vào hoạt động trở lại.