> Lo tận tai
> Tiếng ồn – ‘thủ phạm’ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe
TPHCM: “Búa” bổ bên tai
Từ khi tiệm điện tử Long Hòa mọc lên bên cạnh trường tiểu học Trường Chinh trên đường Trường Chinh, Phường Tân Thới Nhất, quận 12 là học sinh ở đây gần như… nghe nhạc nhiều hơn học.
Bức xúc với việc cả cô trò bị tra tấn bởi những thứ âm thanh như búa bổ mỗi ngày, cô giáo Nguyễn Thị Vân đã nhiều lần sang cửa hàng này đề nghị giảm âm lượng.
“Lúc đầu nhắc nhở họ có giảm lại âm thanh nhưng sau đó mọi chuyện trở về như cũ. Tiếng xe cộ, còi hụ ngoài đường đã ồn ào, tiếng nhạc lại ầm ầm khiến cả trường như bị tra tấn”- cô Vân nói.
Học sinh không thể tập trung để học, nhà trường kiến nghị lên phường Tân Thới Nhất để nhờ can thiệp.
Nhưng khi phường này cử lực lượng đi kiểm tra thì họ lại… tắt nhạc. Đến lần kiểm tra đột ngột khác, thấy tiệm này mở nhạc quá lớn nhưng cũng không xử phạt được vì không có phương tiện để đo được tiếng ồn. Vậy là lại… nhắc nhở.
“Cứ 8 giờ sáng đến gần 10 giờ tối là hai lỗ tai của tôi cứ no nhạc”- bà Nguyễn Minh Nguyệt, ở đối diện với cửa hàng điện máy Anh Việt trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Bình than khi nơi đây mở nhạc quá cỡ.
“Họ mở nhạc rầm rầm khiến cho nhiều người đi đường giật mình, rồi loạng choạng tay lái có khi gây tai nạn. Nhắc thì họ hạn chế được một hai ngày, sau đó lại như cũ”- bà Nguyệt nói.
Còn ông Nguyễn Ngọc Văn, 61 tuổi ở sát tiệm điện máy Huy Hoàng trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh thì bị nhạc tiệm này tra tấn gần hai năm nay.
Không chỉ tiệm này mở nhạc quá cỡ, mà gần nhà ông lại có thêm quán karaoke và mấy quán nhậu nên nhạc và tiếng ồn ầm ầm suốt ngày đêm.
“Con dâu mới sinh cháu được hơn một tháng, đón cháu về nhà được 2 ngày thì phải gửi cháu qua nhà bà ngoại bởi của hàng Huy Hoàng mở nhạc ngày đêm, cháu không thể nào ngủ được”- ông Văn bức xúc.
Hàng loạt cửa hàng thời trang trên các đường Nguyễn Thị Thập, Huỳnh Tấn Phát, quận 7 đưa luôn dàn loa “khủng” ra vỉa hè và phát nhạc rất lớn để gây chú ý người đi đường.
Nhiều người dân sống gần đây cho biết muốn nói chuyện với nhau trong nhà thì phải đóng kín cửa mới nghe được. Còn các hộ dân sống gần nhà hàng hát với nhau có tên Vườn Dừa ở đường Phạm Hùng, quận 8, cho biết ban ngày bị hành hạ bởi những tiệm cơ khí phát ra tiếng ồn chát chúa, còn ban đêm thì bị những “ma rượu” ở nhà hàng này tra tấn bằng đủ kiểu thể loại nhạc.
“Sống chung với những thứ âm thanh hỗn tạp này, không điếc mới lạ”- bà Sáu ở gần nhà hàng nói.
Người dân bị tra tấn đã đành, người bệnh nằm viện cũng bị tra tấn. Bệnh nhân Trung S. nằm ở BV 30-4 trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10 cho biết, đêm đến một quán bar nằm sát bệnh viện phía đường Hùng Vương ồn đến không ngủ được.
Quán bar này hoạt động đến hơn 12 giờ đêm khiến cho bệnh nhân ở dãy sát đường Hùng Vương bị tiếng trống, nhạc “đập” dội người.
Hà Nội: Cả mặt phố lẫn trong ngõ đều bị tra tấn
Từ thiến chó, mèo, bán xôi sáng, đồ điện tử, kính mắt,… cho tới đồng nát đều thi nhau phát trên loa khiến nhiều người dân ù tai, “long óc”.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong, trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tồn tại nhiều loại tạp âm kiểu tra tấn người dân. Tuy nhiên người dân lại không biết phản ánh với ai, cũng không biết ai đang quản lý và chỉnh đốn loại âm thanh hổ lốn này.
Tại khu vực đường Chùa Bộc, Thái Hà (Đống Đa) và đường Cầu Giấy, Xuân Thủy (Cầu Giấy) hai địa điểm này chủ yếu bán quần áo và điện tử. Để cạnh tranh nhau người ta dùng cả âm thanh công suất lớn. Điều đáng nói là các cửa hàng kinh doanh này nằm san sát nhau, cùng với nó là các dàn âm thanh cũng “đá nhau” choe chóe. Chỗ này thì mở nhạc sàn chỗ kia thì nhạc rap, rốc rồi cả nhạc vàng, nhạc đỏ…
Anh Nguyễn Minh Trí, nhân viên trông xe trên đường Thái Hà cho hay, mặc dù mới làm nhân viên trông xe cho cửa hàng điện tử mới 2 năm, song ông chủ đã 3 lần thay đổi ăm ly, loa để cạnh tranh với các cửa hàng khác. Cách đây chừng 1 tháng sếp sắm bộ âm thanh khủng, từ đầu phố, cuối phố đều nghe thấy hết, anhTrí cho hay.
Đi tiếp xuống đến khu vực Cầu Giấy, chúng tôi thấy hầu như cửa hàng nào cũng trang bị cho mình một đôi loa khủng quay ra đường, thi nhau mở đủ loại nhạc. Tại khu vực đường Láng, Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Trần Phú (Hà Đông) có chủ cửa hàng còn treo loa trên cao dội xuống đường, có chủ thì ngụy trang để sau bãi xe nhằm tránh ánh mắt căm ghét của người đi đường.
Ngoài ra, các cửa hàng kinh doanh, siêu thị thậm chí là ngân hàng, họ lại biến vỉa hè thành hành lang của mình mỗi khi khai trương hay tổ chức sự kiện nào đó.
Anh Vũ Quốc Tuấn, chuyên viên tư vấn âm thanh trên phố Hàng Bài (Hoàn Kiếm) cho biết, những cửa hàng kinh doanh chủ yếu dùng loa Trung Quốc. Mỗi bộ chỉ vài triệu đồng.
Anh Nguyễn Tuấn Minh đường Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng) thường xuyên “độ” âm thanh cho những người bán đồng nát, thiến chó... nói, đầu đọc, loa “âm ly” thực chất là bộ kích chủ yếu được lấy từ những đầu đọc CD hỏng từ máy tính, bình ắc quy hỏng của xe máy và vài chiếc loa nhặt nhạnh là xong. Mỗi bộ dạng này có giá khoảng 200.000 đồng.
Ông Trần Đình Long, đường Ngọc Thụy (Long Biên) bức xúc nói, năm nay đã 75 tuổi, buổi trưa muốn nghỉ ngơi chút, song không yên, hết loa rao thiến chó, mua mèo đến đồng nát, bán rau, bán hàng rong… khiến tôi ngủ không yên. Tôi đã muốn ở trong ngõ sâu nhằm tránh tiếng ồn của xe cộ, song lại dính phải những thứ âm thanh khó chịu này.
Không điếc cũng bị… thần kinh
Sau khi nghiên cứu 400 người sinh sống và làm việc tại các tuyến đường, nút giao thông có lưu lượng xe cộ qua lại lớn, nhóm nghiên cứu của Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cho biết, số người mắc các bệnh về rối loạn thần kinh thực vật, suy nhược thần kinh, nhức đầu, khó ngủ, khó tập trung, hồi hộp… cao hơn so với những người sống ở khu vực khác.
Bác sĩ Võ Quang Phúc - Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, thông thường con người có thể nghe trong khoảng dao động từ 0 - 125 dB.
Tuy nhiên, một khi nghe mức trên 105dB với thời gian dài có thể gây cảm giác đau ở tai. “Còn tiếp xúc với âm thanh có công suất 115dB liên tục và kéo dài dễ gây giảm thính lực và kéo theo là điếc vĩnh viễn”- bác sĩ Phúc giải thích. Theo bác sĩ Phúc, ngoài việc người dân tiếp xúc với tiếng ồn dễ bị điếc họ còn bị tiếng ồn gây kích thích vỏ não làm khó ngủ hoặc làm tăng nhịp tim.
Khám thính lực đồ cho các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với môi trường âm thanh lớn như cảnh sát giao thông, thợ dệt và công nhân bảo trì máy ở các khu công nghiệp, bác sĩ Đỗ Hồng Giang - khoa Thính học, BV Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, những người làm việc trong môi trường tiếng ồn kéo dài trên 7 giờ/ngày có nguy cơ suy giảm thính lực nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Giang hầu hết những người này đều không phát hiện việc giảm thính lực sớm do khi đo sức nghe vẫn đạt, nhưng khả năng nghe lại không nhạy và không rõ.
Còn theo bác sĩ Trần Duy Tâm - Bệnh viện Tâm thần TPHCM, thi thoảng vẫn tiếp nhận những bệnh nhân bị kích động bởi tiếng ồn. Theo bác sĩ Tâm, những bệnh nhân này thường cáu gắt, nổi nóng khi tiếp xúc bởi tiếng ồn nên dễ gây sự với người khác.
Tiêu chuẩn TCVN về tiếng ồn cho phép tiếng ồn được phép dao động đến 75dB trong thời gian từ 6 giờ - 18giờ, dao động 70dB từ 18giờ - 22giờ, vào buổi tối từ 22 giờ - 6 giờ phải dưới 50dB. Tuy nhiên, hầu hết ở các thành phố lớn tiếng ồn luôn vượt hàng chục lần so với chuẩn quy định trên.
Tại Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT về quy chuẩn tiếng ồn cho thấy, nếu gây tiếng động lớn, làm huyên náo trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5giờ sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Trong khi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn dưới 1,5 lần trong khoảng từ 6giờ đến trước 22giờ sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng; từ 22 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng.
Còn theo Nghị định 117/2009/NĐ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn 1,5 lần trở lên trong khoảng từ 6 giờ đến trước 22giờ sẽ bị phạt từ 30 - 50 triệu đồng; trong khoảng thời gian từ 22giờ đến 6giờ ngày hôm sau sẽ phạt từ 70 - 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, người gây ra tiếng ồn vẫn chưa được xử lý một cách nghiêm khắc theo công cụ xử phạt này.