Hà Nội tiếp tục tổ chức đối thoại, gỡ khó cho doanh nghiệp trên địa bàn

TPO - Hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19” sẽ được tổ chức vào đầu tháng 11 tới. Sự kiện này không bao gồm các doanh nghiệp FDI.
Chủ tịch Hà Nội gặp gỡ các doanh nghiệp tại hội nghị trước đó

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19”.

Dự kiến sự kiện có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu gồm đại diện một số bộ, ngành trung ương; lãnh đạo thành phố Hà Nội; các sở, ngành thành phố; các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Sự kiện sẽ diễn ra đầu tháng 11 tại Hội trường Thành ủy Hà Nội, thời gian dự kiến nửa ngày. Nội dung chính của hội nghị bao gồm báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và kết quả giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua; giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

UBND thành phố Hà Nội giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch là đơn vị chủ trì thực hiện; Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung.

Trong đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản chi tiết tổ chức hội nghị và triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện các hoạt động phục vụ hội nghị.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; Văn phòng UBND thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, thực hiện và bảo đảm công tác truyền thông trước, trong và sau hội nghị.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội lập danh sách các doanh nghiệp trong nước đang hoạt động tại khu công nghiệp để mời tham dự hội nghị, tổng hợp ý kiến về khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong nước và đề xuất các phương án giải quyết; cử lãnh đạo Ban Quản lý tham gia trao đổi, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp.

Trước đó Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố.

Tại sự kiện này, Chủ tịch Hà Nội giao nhiệm vụ các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp; tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách. Đặc biệt là tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Tiểu ban sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa thuộc ban chỉ đạo của Thành phố Hà Nội phòng chống dịch COVID-19; tập trung triển khai Kế hoạch triển khai Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Thứ ba, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ tư, các sở, ngành triển khai đẩy mạnh có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sở, ngành quản lý.

Thứ năm, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: Quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế... Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.