Ông Pha chia sẻ, thời gian vừa qua có rất nhiều người gọi điện hỏi có nên tự ứng cử hay không. Ông Pha cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Ủy ban bầu cử TP Hà Nội đã nhận được hơn mười hồ sơ của người tự ứng cử ĐBQH. Các địa phương khác cũng có người tự ứng cử đến nộp hồ sơ.
“Người tự ứng cử phải xác định thật nghiêm túc chứ không phải để thử xem thế nào. Làm thế sẽ mất thời gian của cả hai phía. Phải tự xác định có đủ điều kiện theo luật quy định không? Đủ tiêu chuẩn tự ứng cử không? Nếu trúng cử có đủ điều kiện làm như đã hứa hay không?”, ông Pha nói.
Về những lo ngại đối xử không công bằng với người tự ứng cử, ông Pha cho biết: Mặt trận Tổ quốc không được quyền nói người này được giới thiệu thì ưu tiên, người kia tự ứng cử thì không được ưu tiên. Về luật pháp là không được như thế. Phải bình đẳng, coi như nhau hết. Nếu như định hướng để cử tri loại đi người tự ứng cử là phạm luật. Khi có danh sách ứng cử viên sẽ xếp theo thứ tự A,B,C, không phân biệt được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử. Hơn nữa, theo quy định mỗi đơn vị bầu cử phải có số dư ít nhất hai người, do đó người tự ứng cử cạnh tranh bình đẳng với những người ứng cử khác.
Chia sẻ thêm, ông Pha cho biết Nghị quyết 1134 của Thường vụ Quốc hội quy định sau vòng 2, Mặt trận Tổ quốc lập danh sách sơ bộ gửi về nơi người đó cư trú thường xuyên để lấy ý kiến cử tri. Tại đây, nhiều người tự ứng cử bị trượt bởi vì bản thân không gương mẫu tại nơi sinh sống.
"Một khi anh không gương mẫu, không được tín nhiệm nơi anh ở thì anh không thể đại diện cho cử tri tỉnh đó nói gì đến cả nước. Đây là quyền của cử tri", ông Pha nói.