Hà Nội tạm dừng triển khai 2 tuyến đường sắt đô thị để chờ cơ chế

TPO - Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội thông tin: 2 dự án đường sắt đô thị đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) đã tạm dừng để hoàn thiện cơ chế chính sách. 
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh minh họa

Ngày 9/7, kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV bước sang ngày làm việc thứ hai. Kỳ họp dành cả ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Ba nhóm vấn đề để tiếp tục giám sát đó là: Tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố; nội dung thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố" và nội dung liên quan đến công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Liên quan đến các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, đại biểu HĐND Hà Nội đặt câu hỏi về việc 2 tuyến đường sắt đô thị trọng điểm là tuyến Trần Hưng Đạo – Thượng Đình; tuyến Trôi – Nhổn được giao cho 2 tập đoàn lớn là VinGroup và Tập đoàn T&T. “Đây là thí điểm trước khi ban hành chính sách chung, là thí điểm hay là đặc thù chỉ áp dụng với 2 dự án đường sắt này?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Quyền - giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố danh mục 8 tuyến đường sắt đô thị để kêu gọi xúc tiến đầu tư tại 2 Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 và 2018. Tuy nhiên trong quá trình cân đối nguồn lực, UBND thành phố chỉ đạo trước mắt tập trung vào 3 tuyến là tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, tuyến số 5 Văn Cao - Hồ Tây và tuyến số 3 đoạn Nhổn - Trôi - Đan Phượng.

Trong đó có 2 tuyến đường sắt số 3 và số 5 là do 2 tập đoàn VinGroup và T&T đề xuất đầu tư theo hình thức PPP. Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp với các ngành, tham mưu cho UBND thành phố đề xuất với Chính phủ cơ chế triển khai thực hiện dự án này theo hai dự án thành phần để vận hành độc lập. Một dự án đầu tư bằng ngân sách dành cho phần việc đền bù, hỗ trợ tái định cư, và mua sắm đầu máy, toa xe, thiết bị và hệ thống an toàn. Một dự án thành phần theo hình thức BT cho việc xây dựng nhà ga, hầm, đường trên cao...

Các cơ quan chức năng ở Hà Nội đã báo cáo với thành phố và Chính phủ, hai nhà đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tính khả thi để báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội xem xét.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Chính phủ tạm dừng các dự án đầu tư theo hình thức PPP để tiếp tục rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách chung.

Đối với các dự án ngoài ngân sách, Sở KH-ĐT đã thực hiện theo kế hoạch 212 của UBND thành phố và đã hoàn thiện dự thảo quy định về việc tiếp nhận và triển khai thực hiện đối với các dự án ngoài ngân sách.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, quy định mới, đặc biệt là việc sửa đổi Nghị định số 30 về lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án. Do vậy Sở đã báo cáo, kèm theo dự thảo xin ý kiến UBND thành phố cho phép lui lại thời gian để hoàn thiện cơ chế chính sách này. 

Sau khi Chính phủ sửa đổi nghị định số 30, Sở sẽ hoàn thiện và báo cáo UBND thành phố ban hành quy định này. "Chúng tôi đang chờ các văn bản từ Trung ương sau đó sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố để hoàn thiện cơ chế, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án này", lãnh đạo Sở KH-ĐT nói.