Hà Nội sẽ mạnh tay xử lý vi phạm về ứng xử của công chức

TP - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng các chế tài xử phạt, xử lý mạnh tay hơn với các hành vi vi phạm ứng xử nơi công cộng của công chức.

Ngày 15/3, Thường trực HĐND thành phố tiến hành phiên giải trình về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn.

Điểm đặc biệt của phiên giải trình lần này là lãnh đạo các xã, phường có cán bộ, công chức ứng xử không chuẩn mực với nhân dân phải lên làm rõ sự việc. Điển hình như lãnh đạo xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai) bị tố đi ăn cưới trong giờ hành chính; cán bộ phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) dây dưa chuyện trả hồ sơ cho dân; rồi cán bộ xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) có thái độ không đúng với dân...

Những vụ việc này được phản ánh trong một phóng sự truyền hình khá dài, được phát ngay đầu phiên giải trình. Tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) Phạm Văn Mạnh nhận trách nhiệm và cho rằng nguyên nhân chính là do nhận thức của cán bộ, công chức còn yếu kém. Ngay sau khi phát hiện sai phạm, xã đã họp kiểm điểm, chấn chỉnh, điều chuyển cán bộ vi phạm. “365 ngày làm tốt nhưng chỉ một ngày một giờ làm không tốt cũng ảnh hướng đến niềm tin của nhân dân”, ông Mạnh rút ra bài học.

Đến phần mình, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Quang Thắng thanh minh, hệ thống camera của phường chỉ thu được hình, không có tiếng nên việc giám sát cũng khó khăn. Theo ông Thắng, nữ cán bộ vi phạm trước đây là cán bộ tốt, điển hình người tốt việc tốt ở địa phương. “Không hiểu do thời tiết thế nào mà hôm đó, nữ cán bộ này lại có những câu nói với dân không thể chấp nhận được. Phường đã họp kiểm điểm và chấn chỉnh ngay. Chúng tôi xin hứa không để xảy ra vụ việc tương tự”, ông Thắng nói.

Chỉ nhắc nhở thì bao giờ  chuyển biến?

Nêu chất vấn, đại biểu Trần Thế Cương đặt câu hỏi: Sau một năm thực hiện, 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố có thực sự đi vào cuộc sống? Giám đốc Sở VHTT&DL Tô Văn Động cho biết, sau một năm ban hành, tình hình đã có nhiều chuyển biến trong thái độ ứng xử của cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, sự chuyển biến này vẫn chưa tạo ra nét riêng của người Hà Nội.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam nêu chất vấn: Tại sao vẫn chưa có chế tài xử lý cán bộ vi phạm quy tắc ứng xử? Việc lắp đặt camera giám sát ở bộ phận một cửa triển khai thế nào? “Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được các văn bản xử lý, vẫn chỉ dừng lại ở việc ký cam kết, kiểm tra, nhắc nhở. Nếu như vậy chúng ta sẽ không thể tạo chuyển biến tốt trong ứng xử của cán bộ”, ông Nam quả quyết.

Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, Sở Nội vụ đã chủ động xây dựng bộ chế tài xử lý với 114 tình huống cụ thể và sẽ thí điểm ở một số nơi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc lắp đặt camera giám sát, nối mạng đến lãnh đạo cấp phường, thậm chí đến cả cấp quận đã được triển khai nhiều năm và có hiệu quả cao, hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra.

Cuối phiên giải trình, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, sau một năm thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử, bước đầu đã được sự đồng tình, ủng hộ trong nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận công chức, viên chức có tác phong ứng xử với nhân dân chưa đúng mực. “Qua phiếu đánh giá của người dân, lãnh đạo cấp sở, quận, huyện đã có chuyển biến, nhưng cấp xã, phường, các phòng ban thực sự vẫn có tình trạng nhũng nhiễu”, ông Chung nêu.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho hay, trong thời gian tới Hà Nội tiếp tục xây dựng các chế tài xử phạt trình HĐND thành phố xem xét, để xử lý mạnh tay hơn với các hành vi vi phạm ứng xử nơi công cộng. Đồng thời xây dựng quy trình phân loại cán bộ công chức, viên chức hàng tháng, hàng quý, hàng năm để siết chặt đội ngũ.

Qua kiểm tra công vụ, trong năm qua, nhiều trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính đã bị xử lý. Cụ thể, UBND quận Nam Từ Liêm kỷ luật hình thức giáng chức đối với Hiệu trưởng trường THCS Phú Đô do không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; UBND huyện Ba Vì xử lý cảnh cáo đối với Chủ tịch UBND xã Vật Lại do không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND thành phố và kết luận thanh tra; UBND quận Tây Hồ xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 3 công chức; phê bình đối với 1 trưởng phòng, 2 phó trưởng phòng, 3 chủ tịch UBND phường, 2 công chức; UBND quận Long Biên kiểm điểm trách nhiệm đối với 8 cán bộ, công chức; UBND quận Hai Bà Trưng xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với 1 viên chức…