Hà Nội nối cầu vượt với đường trên cao

TP - Để không phá cầu vượt, chủ đầu tư dự án đường vành đai 3 giai đoạn hai đã điều chỉnh thiết kế. Theo đó, đường trên cao khi qua nút Mai Dịch - Hà Nội sẽ được nối với cầu vượt và có hình lượn sóng.

Định phá ba cầu vượt mới xây: Do 'vẽ' nhiều dự án
> Hà Nội phải phá ba cầu vượt mới xây?

Đây là thông tin được ông Đỗ Quang Minh, Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban Quản lý dự án Thăng Long - PMU Thăng Long, Bộ GTVT (chủ đầu tư) trao đổi với Tiền Phong hôm qua xung quanh thông tin Hà Nội định phá bỏ 3 cầu vượt mà Tiền Phong đã phản ánh từ ngày 24 đến 27-6.

Theo ông Minh, sau khi lựa chọn các phương án cho đường trên cao đi qua nút Mai Dịch, nhất là trong bối cảnh đường vành đai 3 giai đoạn 2 mới đủ vốn triển khai đến nút Mai Dịch nên trước mắt chủ đầu tư sẽ lựa chọn phương án nối cầu vượt với đường trên cao để tránh lãng phí.

Xin ông cho biết phương án này sẽ thực hiện như thế nào. Đây có phải là biện pháp ứng phó khi phương án “phá cầu” không thành?

Khi dự án đường vành đai 3 giai đoạn 2 triển khai đến cầu vượt Mai Dịch, đường trên cao sẽ tiếp đất một đoạn ở hai đầu lên xuống, sau đó hòa vào đường của cầu. Đây là một trong những phương án đã được Chủ đầu tư dự tính kỹ từ trước. Hơn nữa phương án này càng trở nên hợp lý trong bối cảnh đường trên cao mới đủ vốn triển khai đến cầu vượt Mai Dịch.

“Nguồn vốn hiện có chỉ cho phép làm đường trên cao đoạn từ cầu cạn Thanh Trì đến nút Mai Dịch. Sắp tới nếu tìm được nguồn vốn để thực hiện đoạn từ Mai Dịch - cầu Thăng Long, việc phá dỡ hay đi tránh cầu vượt sẽ được tính đến” - Ông Đỗ Quang Minh

Vậy, khi dự án có đủ vốn để triển khai tiếp đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long thì cầu vượt sẽ được tính như thế nào?

Với nguồn vốn hiện có chỉ cho phép chủ đầu tư làm đường trên cao đoạn từ cầu cạn Thanh Trì đến nút Mai Dịch. Sắp tới nếu tìm được nguồn vốn để thực hiện đoạn còn lại từ Mai Dịch - cầu Thăng Long thì việc phá dỡ hay đi tránh cầu vượt sẽ được tính đến.

Được biết, trong quy hoạch đường vành đai 3 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2000 có tính đến việc xây dựng một tuyến đường bổ sung ở giữa, vậy sao năm 2003 vẫn xây cầu vượt bê tông vĩnh cửu ở nút giao thông này?

Do là cửa ngõ Thủ đô ở phía Tây có lượng phương tiện lớn từ Quốc lộ 32, Bắc Thăng Long – Nội Bài đổ về nên nếu đường vành đai 3 giai đoạn 1 đi qua nút Mai Dịch không xây cầu vượt sẽ ùn tắc nghiêm trọng.

Việc xây cầu vượt bằng bê tông vĩnh cửu là hợp lý bởi thời gian sử dụng sẽ được lâu dài. Cầu vượt theo kết cấu thép chỉ nên xây dựng với thời gian sử dụng ngắn từ 3 đến 5 năm, chi phí duy tu, bảo dưỡng hàng năm tốn kém. Trong khi đó, sau gần 10 năm hoạt động, cầu vượt Mai Dịch chưa phải sửa chữa và đang tiếp tục giải quyết tốt tình hình giao thông tại đây.

Chỉ trong khoảng cách hơn 500 m nhưng các phương tiện phải lao lên, dội xuống theo hình lượn sóng tại nút Mai Dịch đến 4 lần, liệu có đảm bảo an toàn?

Khi đường trên cao được nối với cầu vượt, độ dốc, vát tiếp đất đều được tính toán kỹ theo thông số kỹ thuật cầu đường. Hơn nữa trước khi lên xuống lái xe còn được cảnh báo từ xa bằng biển báo, vạch sơn để giảm tốc độ phương tiện.

Bao giờ đường trên cao sẽ hoàn thành và những loại phương tiện nào sẽ được lưu thông, thưa ông?

Theo tiến độ đã được phê duyệt, đến năm 2013 dự án đường vành đai 3 giai đoạn 2 đoạn Thanh Trì – Mai Dịch sẽ hoàn thành. Do tốc độ đường trên cao được thiết kế cho đường cao tốc (100 km/h) nên chỉ ô tô mới lưu thông trên đường này.

Về tương lai của hai cây cầu vượt Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng, trao đổi với PV Tiền Phong, một vị lãnh đạo ở Sở GTVT Hà Nội (chủ đầu tư dự án đường trên cao vành đai 2) cho hay, phương án cuối cùng vẫn đang được bàn thảo. Để có những lựa chọn hợp lý, Sở GTVT vừa có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội cho ý kiến về các vấn đề mặt bằng còn vướng mắc tại một số điểm giao cắt trên đường vành đai 2. “Phương án cuối cùng cho hai cây cầu trên sẽ được đưa ra khi UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm cùng vào cuộc”, vị này nói.

Theo Báo giấy